Khi clip quay lại hình ảnh ca sĩ Mỹ Tâm giản dị lên sân khấu từ thiện tại hồ Hoàng Cầu (Hà Nội) hát cùng người khuyết tật trong đêm Giáng sinh được lan truyền trên mạng, nhiều người đã liên tưởng đến truyện Cô bé bán diêm nổi tiếng của nhà văn Andersen. Hành động của cô ca sĩ nổi tiếng được ví như những que diêm của cô bé bán diêm, thắp lên ánh sáng của tình yêu, sự đồng cảm giữa người với người trong đêm lạnh.
Nhiều người cũng đã liên tưởng hình ảnh chàng ca sĩ khuyết tật kia với bóng dáng của cô bé bán diêm trong truyện cổ tích, lặng lẽ cất tiếng ca cô độc giữa biển người mênh mông đi chơi đêm Noel. Chẳng ai quan tâm, không ai đoái hoài tới giọng hát bình thường đó vì Hà Nội đầy rẫy những sân khấu như vậy. Nhưng Mỹ Tâm xuất hiện, giản dị và lặng lẽ với vai trò một khách qua đường vô danh, cô dùng tiếng hát của mình để ủng hộ thay cho hoa và những đồng tiền quyên góp.
Hành động đẹp này nhận được vô vàn những lời tán thưởng của độc giả khắp nơi. Nó dần đánh tan mọi hoài nghi của những người tin theo "thuyết âm mưu" khi cho rằng đây chỉ là một hành động đánh bóng tên tuổi của Mỹ Tâm.
Cô đã cho thấy mình sẵn sàng đến với những thân phận không may, hát tặng họ mà không cần một đồng cát xê. Và quan trọng hơn, những hành động đó xuất phát từ sự chân thành của một người nghệ sĩ, sự cảm thông của một con người.
Thử hỏi mấy ai trong giới nghệ sĩ có thể làm được điều này một cách chân thành, tình cờ và không màu mè đến thế? Nhưng nếu bình tâm mà xét, khán giả kéo đến xem hát đâu phải vì chàng ca sĩ khuyết tật kia? Họ đến vì có Mỹ Tâm đứng trên sân khấu mà thôi. Đúng như nhiều khán giả nhận xét, Mỹ Tâm giống que diêm của cô bé bán diêm, thắp lên hơi ấm của tình thương yêu đồng loại.
Nhưng hỡi ôi, cô bé bán diêm đã thắp hết cả bao diêm nhưng đâu có thoát được số phận trong cái đêm mùa đông ấy. Từng que diêm khi được thắp lên, chúng tỏa ra hơi ấm và thắp lên những mơ ước ngắn ngủi về hạnh phúc gia đình và cuộc sống vật chất đủ đầy. Nhưng khi những đốm lửa tàn rụi, hiện thực lại quay về với những cơn gió buốt lạnh phả vào da thịt. Hành động của Mỹ Tâm cũng tương tự như vậy. Trong phút chốc, nó làm bừng lên sự thánh thiện, lương tri và lòng nhân đạo giữa người với người. Khán giả thi nhau ủng hộ những người nghệ sĩ khuyết tật như một sự sẻ chia cho những phận đời không may mắn.
Thế nhưng khi tiếng hát kết thúc, Mỹ Tâm trở về với những show diễn của mình, người nghệ sĩ khuyết tật sẽ phải đối diện với hiện thực giống như cô bé bán diêm của Andersen. Trong thành phố Hà Nội mênh mông này, hàng đêm, nhiều sân khấu từ thiện vẫn sẽ vắng người, vẫn sẽ có những nghệ sĩ khuyết tật hát trong cô độc giữa dòng người vội vã, trên những vỉa hè đầy bụi bặm.
Trong truyện ngắn Cô bé bán diêm, nhà văn Andersen không chỉ kể cho mọi người một bi kịch trong đêm Chúa giáng thế mà còn chỉ ra một chân lý: Chúng ta không thể giúp những mảnh đời khổ đau bằng những tình cảm, hành động nhất thời, vụt sáng vụt tàn. Có lẽ Andersen cần những que diêm cháy mãi để có thể sưởi ấm cho cô bé tội nghiệp kia.
Xét trong hoàn cảnh này cũng vậy. Đúng là trong giây phút Mỹ Tâm bước lên sân khấu nhỏ bé ở ven hồ Hoàng Cầu và cất tiếng hát, chúng ta cùng hướng về đó để lắng nghe không chỉ tiếng hát mà còn là chúc phúc cho những phận đời không may mắn.
Nhưng Mỹ Tâm đâu có giúp được những nghệ sĩ khuyết tật vượt qua được mùa đông với những ước mơ về hạnh phúc và cuộc sống vật chất no đủ. Để không còn nhiều những mảnh đời bất hạnh, chúng ta không chỉ cần những que diêm cá biệt, mà cần nhiều que diêm để tạo thành những đốm lửa lớn, cháy mãi, bất diệt.
Phạm Văn
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả