Mỹ dỡ bỏ hạn chế chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine
Ngày 27/4, một số nguồn thạo tin cho biết, Mỹ đã dỡ bỏ những hạn chế về việc chia sẻ tin tình báo với Ukraine trong bối cảnh xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine gia tăng tại những khu vực miền Đông và miền Nam của Ukraine.
Theo TTXVN, một nguồn thạo tin cho biết, Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ Avril Haines trong tháng này đã thông báo với Quốc hội Mỹ về quyết định trên.
Động thái này diễn ra sau khi Nghị sỹ Mike Turner gửi một bức thư mật tới Chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm hối thúc dỡ bỏ những hạn chế về việc chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine.
Việc mở rộng hợp tác tình báo giữa Mỹ và Ukraine được triển khai song song với việc phân bổ hàng tỷ USD thiết bị quân sự, hỗ trợ nhân đạo và viện trợ kinh tế trực tiếp từ Mỹ cho Ukraine. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định, cuộc xung đột Nga-Ukraine không phải là cuộc chiến ủy nhiệm giữa Mỹ và Nga.
EU dỡ bỏ thuế quan với hàng hóa Ukraine
Cùng ngày, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất tạm ngừng áp thuế nhập khẩu trong một năm đối với mọi mặt hàng của Ukraine không nằm trong thỏa thuận thương mại tự do hiện có để hỗ trợ nền kinh tế nước này.
Theo Reuters, các biện pháp này sẽ áp dụng đặc biệt đối với trái cây và rau củ, các sản phẩm nông nghiệp đang đối mặt với hạn ngạch và một số mặt hàng công nghiệp nhất định.
Thuế quan áp lên các sản phẩm này sẽ được dỡ bỏ dần trước cuối năm 2022. Việc dần dần dỡ bỏ thuế (vốn được đặt ra trong hiệp định thương mại tự do EU - Ukraine năm 2016) áp dụng cho phân bón, các sản phẩm nhôm và ô tô.
Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ miễn trừ cho Ukraine các biện pháp nhằm hạn chế nhập khẩu thép và dỡ bỏ thuế chống bán phá giá mà EU đang áp đặt đối với ống thép và các sản phẩm thép cuộn cán nóng của Ukraine.
Việc miễn thuế và hạn mức tiếp cận thị trường EU cho Ukraine sẽ cần phải nhận được sự phê duyệt của Nghị viện châu Âu (EP) và chính phủ các nước thành viên EU mới có thể có hiệu lực.
Phó Chủ tịch kiêm Ủy viên Thương mại của EC Valdis Dombrovskis cho rằng các biện pháp này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các nhà sản xuất và xuất khẩu của Ukraine,
Ủy ban châu Âu, cơ quan giám sát chính sách thương mại của 27 quốc gia EU, cho biết các biện pháp chưa từng có trước đây được đưa ra nhằm giảm bớt khó khăn cho các nhà sản xuất và xuất khẩu của Ukraine trong bối cảnh Nga mở chiến dịch quân sự tại nước này.
Về phía Ukraine, ngày 27/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, ông đã có cuộc thảo luận với Chủ tịch EC Ursula von der Leyen về việc tăng cường hỗ trợ cho Kiev, trong đó có hỗ trợ tài chính vĩ mô.
Trên Twitter, Tổng thống Zelensky cho biết đã gửi lời cảm ơn EC vì kế hoạch bãi bỏ thuế quan và hạn ngạch đối với hàng hóa công nghiệp, thực phẩm nhập khẩu từ Ukraine. Ông nhấn mạnh, bước đi này sẽ góp phần bảo vệ hoạt động sản xuất hàng hóa của Ukraine và “duy trì” nền kinh tế, vốn gánh chịu tác động nghiêm trọng từ cuộc xung đột với Nga.
LHQ thúc đẩy các giải pháp ngoại giao để giảm căng thẳng
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres thông báo, ông đã đến Thủ đô Kiev của Ukraine ngày 27/4 sau khi hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Moscow.
Chia sẻ trên Twitter, ông Guterres khẳng định, LHQ sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm mở rộng hỗ trợ nhân đạo, đảm bảo sơ tán dân thường khỏi các khu vực xung đột ở Ukraine.
Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh, cuộc xung đột này kết thúc càng sớm càng tốt hơn cho Ukraine, Nga và thế giới.
Dự kiến trong ngày 28/4, ông Guterres sẽ có một cuộc họp với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, sau đó là hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Volodymyr Zelensky.
Trước đó, trong chuyến thăm Moscow, ông đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Sergei Lavrov và Tổng thống Putin. Tại các cuộc gặp, ông đã kêu gọi Moscow và Kiev hợp tác để thiết lập các hành lang viện trợ và sơ tán dân thường tại Ukraine.
Tổng Thư ký Guterres tuyên bố sẵn sàng huy động mọi nguồn lực của LHQ để hỗ trợ và sơ tán hàng nghìn người dân đang mắc kẹt ở thành phố Mariupol.
Theo Tân Hoa xã, ngày 27/4, một người phát ngôn của LHQ cho biết, trong cuộc gặp với Tổng Thư ký Guterres, Tổng thống Putin đã nhất trí về mặt nguyên tắc về việc LHQ và Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC) tham gia vào công tác sơ tán dân thường khỏi nhà máy Azovstal ở thành phố Mariupol.
Các cuộc thảo luận tiếp theo giữa đại diện Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) và Bộ Quốc phòng Nga sẽ diễn ra.
Minh Hoa (t/h)