Tổn thất trong quân đội Nga được đánh giá là "đã đạt mức khủng khiếp mới" kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Đó là đánh giá của ông Colin Kahl, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ về Chính sách.
Ông Kahl nói với các phóng viên hôm 8/8 rằng các lực lượng của Tổng thống Nga Vladimir Putin đang hứng chịu một “con số thương vong khủng khiếp”.
“Có rất nhiều sương mù trong chiến tranh, nhưng tôi nghĩ sẽ là hợp lý khi đánh giá rằng người Nga có thể đã hứng chịu tổn thất lên tới 70.000 hoặc 80.000 quân trong vòng chưa đầy 6 tháng (xung đột ở Ukraine)”, vị Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ nói, giải thích thêm rằng con số trên bao gồm số binh sĩ bị thiệt mạng và bị thương trong hành động.
Trước đó, Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen ở Colorado (Mỹ) hôm 20/7, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns cho biết, Mỹ ước tính thương vong trong quân đội Nga ở Ukraine đã lên tới khoảng 60.000, bao gồm 15.000 người thiệt mạng và 45.000 người bị thương. Ông nói: “Đây là một loạt tổn thất khá đáng kể”.
Người Anh cũng có những đánh giá tương tự về vấn đề này. Hôm 31/7, Giáo sư Anthony Glees, một chuyên gia an ninh nổi tiếng người Anh, đánh giá rằng các lực lượng Nga "đang gặp rất nhiều rắc rối" ở Ukraine khi họ phải đối mặt với những tổn thất ngày càng lớn, với số binh sĩ thiệt mạng và bị thương lên tới 75.000.
Chưa lên tiếng phản hồi những đánh giá trên, nhưng Điện Kremlin hôm 8/8 tái khẳng định Nga sẽ tiếp tục hành động quân sự ở Ukraine cho đến khi nước này đạt được các mục tiêu của mình, đồng thời cho rằng Ukraine đã không thể hiện quan tâm đối với các cuộc đàm phán hòa bình kể từ tháng 3.
Khi được hỏi liệu kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý ở các khu vực do Nga kiểm soát ở Đông Nam Ukraine có cản trở đàm phán giữa 2 bên hay không, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, những cuộc bỏ phiếu đó đang được tổ chức bởi chính quyền địa phương chứ không phải Moscow.
Ukraine sẽ nhận thêm viện trợ quân sự từ Mỹ
Tổng thống Volodymyr Zelenskyy và các quan chức hàng đầu của Ukraine hôm 8/8 gửi lời cảm ơn tới những người đồng cấp Mỹ về gói viện trợ quân sự mới được công bố mà theo họ là rất quan trọng trong cuộc đối đầu giữa họ và Nga.
Ukraine đã phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ quân sự từ phương Tây kể từ khi Nga phát động tấn công quân sự vào quốc gia Đông Âu hôm 24/2. Đặc biệt, với các hệ thống tên lửa tối tân HIMARS do Mỹ sản xuất và cung cấp, người Ukraine có thể nhắm tới các mục tiêu Nga nằm sâu hơn bên kia chiến tuyến.
Trước đó, hôm 8/8, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố một gói viện trợ quân sự mới trị giá 1 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm thêm đạn dược cho các hệ thống HIMARS.
"Mỗi USD viện trợ như vậy là một bước để Ukraine đánh bại kẻ địch", ông Zelenskyy cho biết trên Twitter, đồng thời gửi lời cảm ơn đến người dân Mỹ và Tổng thống Biden. "Chúng tôi sẽ luôn ghi nhớ sự hỗ trợ của giới lãnh đạo Mỹ vào thời điểm cần thiết nhất!"
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết trên Twitter rằng gói hỗ trợ an ninh bổ sung "đáp ứng nhu cầu quan trọng nhất của chúng tôi trên tiền tuyến".
Trong một bài đăng khác trên Twitter, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba gọi gói hỗ trợ an ninh này là "kịp thời và cần thiết" và nói rằng nó "sẽ giúp chúng tôi đánh bại hành động gây hấn của Nga".
"Động thái này chứng tỏ Ukraine và Mỹ có sự tin cậy và hợp tác ở mức độ cao", ông Kuleba nhận xét.
Theo ông Todd Breasseale, quyền phát ngôn viên Lầu Năm Góc, đây là gói viện trợ thứ 18 được Nhà Trắng phê duyệt cho Ukraine kể từ tháng 8/2021, và là gói viện trợ lớn nhất và Mỹ cam kết dành cho Ukraine.
Cùng với gói này, tổng hỗ trợ an ninh Mỹ cam kết cấp cho Ukraine đã lên đến khoảng 9,8 tỷ USD kể từ khi ông Biden nhậm chức.
Ngoài đạn dược cho các hệ thống HIMARS, gói này còn bao gồm đạn cối, pháo, xe điều trị y tế bọc thép, đạn chống bộ binh Claymore, thuốc nổ C-4 và 1.000 tên lửa chống tăng vác vai Javelin.
Trên thực địa, các lực lượng Ukraine hôm 8/8 đã sử dụng HIMARS để tiếp tục phá hủy cầu Antonivskyi (Antonovsky) bắc qua sông Dnipro dẫn vào khu hành chính Kherson, nơi Ukraine đã tiến hành một cuộc phản công để giành lại lãnh thổ từ tay các lực lượng Nga.
Các nhà chức trách Nga đã xác nhận cuộc tấn công nhưng đánh giá thấp tầm quan trọng của nó, AP cho biết.
Nga được cho là đã gửi thêm lực lượng tới miền Nam Ukraine để tăng cường hiện diện trong khu vực. Nhưng các quan chức Ukraine vẫn lạc quan về triển vọng thành công của cuộc phản công mà họ đã công khai tuyên bố bấy lâu nay.
Ông Ivan Fedorov, thị trưởng thành phố Melitopol, miền Nam Ukraine, cho biết trong một bài đăng trên Telegram hôm 8/8 rằng các lực lượng Ukraine đã sử dụng HIMARS để hạ gục hơn 100 binh sĩ Nga trong một cuộc tấn công bằng tên lửa gần đây.
"Đêm nay là đêm hiệu quả nhất và cho thấy rằng các đơn vị phòng không hiện tại của đối phương không còn khả năng chống lại HIMARS", ông Fedorov tuyên bố.
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia lại hứng pháo kích
Kiev và Moscow hôm 8/8 đã đổ lỗi cho nhau về vụ pháo kích cuối tuần qua vào khu phức hợp hạt nhân Zaporizhzhia ở miền Nam Ukraine trong bối cảnh quốc tế báo động rằng cuộc chiến giành quyền kiểm soát nhà máy này của 2 bên có thể gây ra thảm họa.
Gọi bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào một nhà máy điện hạt nhân là "hành động tự sát", người đứng đầu Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres yêu cầu các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) phải được quyền tiếp cận Zaporizhzhia, khu phức hợp hạt nhân lớn nhất châu Âu.
Moscow cáo buộc các lực lượng Ukraine đã pháo kích vào khuôn viên của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia từ Marganets trên bờ đối diện của sông Dnipro hôm 7/8.
Địa điểm này, do người Nga kiểm soát trong nhiều tháng nay, cũng bị pháo kích vào cuối ngày 6/8 và cả Kiev và Moscow đều quy trách nhiệm cho nhau về vụ tấn công.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết trong một tuyên bố hôm 8/8 rằng, cuộc tấn công của Ukraine một ngày trước đó đã gây ra sự cố điện khiến lửa bùng lên bên trong nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.
Các đội cứu hỏa đã dập tắt ngọn lửa, và nhân viên của nhà máy đã hạ công suất của lò phản ứng số 5 và số 6 xuống còn 500 megawatt, ông Konashenkov cho biết.
Ông Rafael Grossi, Tổng giám đốc IAEA, gần đây đã cảnh báo rằng việc nhà máy này đang được vận hành và các cuộc giao tranh xung quanh nó vẫn tiếp diễn gây ra những mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và môi trường.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov kêu gọi các cường quốc phương Tây buộc Kiev ngừng tấn công nhà máy.
"Các cuộc pháo kích vào khuôn viên của nhà máy hạt nhân bởi các lực lượng vũ trang Ukraine là rất nguy hiểm", ông Peskov nói trong một cuộc họp báo trực tuyến với các phóng viên. "Nó ẩn chứa những hậu quả thảm khốc đối với các vùng lãnh thổ rộng lớn, đối với toàn bộ châu Âu".
Trong khi đó, Giám đốc tình báo quân đội Ukraine Andriy Yusov cho biết, tổ chức của ông đã nhận được thông tin đáng tin cậy từ một số nguồn tin rằng người Nga đã đặt chất nổ tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia nhằm đối phó với cuộc phản công của Ukraine trong khu vực.
"Chúng tôi đã chứng kiến việc Nga pháo kích vào nhà máy điện hạt nhân của Ukraine", ông Yusov nói. "Nếu điều đó không đúng, người Nga có thể thực hiện một cử chỉ thiện chí và giao quyền kiểm soát nhà máy cho một ủy ban quốc tế và IAEA".
Ông Yusov cũng cáo buộc Nga đã sử dụng chiến thuật tương tự tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl (đã ngừng hoạt động) khi họ kiểm soát nó.
Nga chặn Mỹ triển khai thanh tra kho vũ khí hạt nhân
Nga hôm 8/8 tuyên bố đóng băng các cuộc thanh tra của Mỹ đối với các kho vũ khí hạt nhân của họ trong khuôn khổ một hiệp ước quan trọng về kiểm soát vũ khí, viện dẫn rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đã cản trở các chuyến thanh tra tương tự của các giám sát viên Nga đến các cơ sở của Mỹ, hãng thông tấn AP đưa tin.
Theo AP, động thái này phản ánh căng thẳng gia tăng giữa Moscow và Washington về hành động quân sự của Nga ở Ukraine và đánh dấu lần đầu tiên Điện Kremlin tạm dừng các cuộc thanh sát của Mỹ theo hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân New START.
Khi tuyên bố đóng băng các cuộc thanh tra của Mỹ, Bộ Ngoại giao Nga cho biết các lệnh trừng phạt đối với các chuyến bay của Nga do Mỹ và các đồng minh áp đặt, hạn chế thị thực và các trở ngại khác đã khiến các chuyên gia quân sự Nga không thể đến thị sát các địa điểm vũ khí hạt nhân của Mỹ, từ đó mang lại cho Mỹ "lợi thế đơn phương".
Chính quyền Tổng thống Biden chưa có phản ứng công khai ngay lập tức về động thái này.
Tuy nhiên, ông Ankit Panda, một chuyên gia về chính sách hạt nhân tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (CEIP), gọi hành động của Nga là “một nỗ lực nhằm gây áp lực với Mỹ” về các hình phạt mà phương Tây đã áp dụng đối với Nga theo sau cuộc xung đột quân sự ở Ukraine.
“Về cơ bản, họ đang sử dụng các cuộc thanh tra New START - điều mà Mỹ quan tâm - để ép buộc Washington”, ông Panda nói.
Nga tuyên bố rằng các thanh sát viên Mỹ đã không phải đối mặt với những khó khăn như vậy. Ngay cả khi Moscow đóng cửa bầu trời của mình với 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, Anh và Canada kể từ khi xung đột vũ trang Nga-Ukraine bùng phát từ hồi cuối tháng 2, thì vẫn có ngoại lệ dành cho Mỹ.
Vào thời điểm đó, Nga cho biết, các ngoại lệ sẽ được áp dụng đối với các phái đoàn ngoại giao và việc vận chuyển viện trợ nhân đạo.
Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố rằng việc đóng băng hoạt động trên là tạm thời và được hiệp ước cho phép "trong những trường hợp ngoại lệ".
Bộ này lưu ý rằng Nga "đánh giá cao" New START, cho biết thêm rằng các cuộc thanh tra có thể tiếp tục sau khi các trở ngại được giải quyết.
Minh Đức (Theo ABC News, Newsweek, Reuters)