Nhóm kỹ sư này dự kiến sẽ tập trung làm việc với Ankara về việc mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, một hành động mà Washington cho rằng không thể chấp nhận được.
Trước đây, Washington đã “dọa” sẽ đối phó với việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 bằng cách không cho nước này mua máy bay chiến đấu F-35 và khẳng định thương vụ Nga-Thổ sẽ phá vỡ quan hệ giữa Ankara với liên minh NATO.
Quả thực, việc Thổ mua S-400 có thể gây ra ảnh hưởng lớn. Sở hữu hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng cửa không phận đối với các chiến đấu cơ của NATO trong trường hợp cần thiết.
Vào ngày 18/12, một ngày trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo về việc rút quân khỏi Syria, bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo cho Quốc hội về một thỏa thuận trị giá 3,5 tỷ USD nhằm bán hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Washington từ lâu đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ kế hoạch mua S-400 do Nga sản xuất. Phía Ankara khẳng định họ vẫn mua Patriot của Mỹ nhưng sẽ không hủy mua S-400 từ Moscow.
Vào ngày 10/1, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố rằng nước này không bao giờ chấp nhận những áp lực từ phía Mỹ liên quan tới việc mua S-400 để triển khai Patriot.
“Mỹ đã đưa ra đề nghị với Patriot. Nhưng chúng tôi không có quyền thay đổi thỏa thuận với Nga về S-400. Chúng tôi có nhu cầu cấp thiết phải bảo vệ không phận của mình. Trên thực tế, chúng tôi có thể mua Patriot trong tương lai. Thỏa thuận S-400 đã xong. Chúng tôi không phá lời hứa”, ông Cavusoglu nói.
Những nỗ lực mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã trở thành điểm nhức nhối trong quan hệ Ankara – NATO, đặc biệt là với Mỹ. Lần đầu tiên, Ankara quyết định mua một hệ thống phòng không tầm xa từ một công ty do Trung Quốc vận hành vào năm 2013. Dưới áp lực của Mỹ, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải từ bỏ chương trình trị giá 3,4 tỷ USD này vào tháng 11/2015.
Sau khi dự án bị hủy, cùng với sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay ném bom của Nga vào ngày 24/11/2015, có khả năng rơi vào một cuộc chiến toàn diện với Moscow, Ankara bày tỏ ý định phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa của riêng mình. Tuy nhiên, mục tiêu đó đã không được thực hiện.
Sau khi Nga trả đũa vụ bắn hạ máy bay bằng những gia tăng áp lực quân sự và biện pháp trừng phạt kinh tế thì Thổ Nhĩ Kỳ đã dần dần xích về phía Moscow, đồng ý mua hệ thống phòng không S-400.
Yếu tố quyết định sự thay đổi đột ngột của Thổ Nhĩ Kỳ khi gần gũi hơn với Nga và Trung Quốc là do sự hỗ trợ của Washington đối với người Kurd ở Syria – lực lượng mà Ankara vốn coi là “cái gai” trong mắt và liệt vào danh sách khủng bố.
Khi Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) phát triển ở Syria và tấn công Iraq, Mỹ và các nước đồng minh đã chuyển hướng hợp tác với lực lượng người Kurd làm lực lượng chiến đấu ủy nhiệm chống lại tổ chức khủng bố khét tiếng này.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan không thể thích nghi với sự “quay ngoắt” của đồng minh Mỹ và các nước NATO khác trong chính sách Syria, do đó Washington nhanh chóng coi ông không phải là “một đối tác chiến lược” nữa, mà là một nhà lãnh đạo không đáng tin cậy.
Ankara phản đối sự có mặt của người Kurd ở Syria, vì sợ rằng họ sẽ kích động các phong trào đòi tự trị của người Kurd ở miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ. Để đè bẹp lực lượng người Kurd do Washington hậu thuẫn, ông Erdogan đã hai lần ra lệnh cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện các cuộc “dẹp loạn” xuyên biên giới tại Syria: Chiến dịch Khiên Euphrates (tháng 8/2016) và Chiến dịch Nhành Oliu (tháng 1/2018), nhằm vào lực lượng Kurd.
Những tháng gần đây, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ công khai đe dọa sẽ thực hiện thêm các chiến dịch quân sự khác ở Syria nhằm vào lực lượng người Kurd, mà tiêu biểu là YPG – hành động có thể gây đụng độ trực tiếp với Chính phủ Syria và các lực lượng do Mỹ chống lưng.
Sau những lời đe dọa gay gắt của ông Erdogan, chính quyền Donald Trump tuyên bố rút quân khỏi Syria, ngay sau một thỏa thuận đạt được giữa Tổng thống Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sau một cuộc điện đàm ngày 18/12.
Tuy nhiên, trong thực tế, không thể phủ nhận rằng sau nhiều nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ, mối quan hệ giữa Ankara và Washington vẫn không mấy cải thiện. Những mâu thuẫn xung quanh khả năng Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 xuất hiện ngay sau khi ông Trump đe dọa sẽ đánh vào kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này vẫn tìm cách tấn công người Kurd.
Nhưng dù giới cầm quyền Mỹ có làm gì đi chăng nữa thì Thổ Nhĩ Kỳ dường như cũng đã quyết tâm tiến hành một chiến dịch đẫm máu ở Bắc Syria. Ankara cũng đang đẩy mạnh chuẩn bị cho hoạt động ở phía Đông sông Euphrates, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết hôm 11/1 trong chuyến thăm biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.
“Chúng ta cần giải quyết Manbij và phía Đông sông Euphrates. Những kế hoạch cần thiết đang được xây dựng. Chúng ta phải tiếp tục chuẩn bị”, ông Akar nói.
Xem thêm: Mỹ rút khỏi Syria, Nga nghĩ mình "gặp may" nhưng thực tế lại rủi ro "không tưởng"?