Sự kiện này đánh dấu ngày mà con người dùng hết lượng tài nguyên thiên nhiên cố định trong một năm.“Chỉ trong hơn tám tháng, chúng ta đã sử dụng lượng tài nguyên mà hành tinh có thể sản sinh ra trong năm nay,” Global Footprint Network, một tổ chức nghiên cứu quốc tế đưa ra các tính toán liên quan, nói trong một thông cáo báo chí.
“Phần còn lại của năm nay là vung tay quá trán. Chúng ta sẽ tiếp tục tàn phá hệ sinh thái, xóa sạch cá ở đại dương, cây cối và những tài nguyên khác, và chất đống rác thải cũng như carbon dioxide vào bầu khí quyển.”
Theo nhóm này thì sẽ cần một “Trái đất rưỡi” mới có thể đáp ứng được lượng tiêu thụ hiện giờ của con người: “Chúng ta đang trên đường đòi hỏi tới hai trái đất mới có thể tiếp tục tồn tại trước giữa thế kỷ này.”
Trong một thẩm định năm 2012, Global Footprint Network nói hơn 80% dân số thế giới (hiện là bảy tỷ người người, sẽ tăng lên thành hơn chín tỉ vào năm 2050) sống ở những nước tiêu thụ tài nguyên nhiều hơn mà hệ sinh thái có thể tái sinh.
Tính theo đầu người, lượng tàn phá hệ sinh thái ở Trung Quốc hiện vẫn thấp hơn ở châu Âu và Bắc Mỹ. Nhưng tính theo tổng thì Trung Quốc hiện là lớn nhất thế giới vì dân số khổng lồ của nước này.
Nếu cả thế giới sống giống như Trung Quốc hiện giờ, cần phải có 1,2 trái đất mới đáp ứng được. “Chỉ số theo đầu người ở các nước khác với hệ sinh thái thậm chí còn cao hơn: nếu mọi người sống như ở Mỹ hiện giờ, sẽ cần bốn trái đất mới có thể duy trì sự tồn tại ở mức đó,” báo cáo nói. “Còn sống như ở Qatar sẽ cần sáu trái đất rưỡi”.
Global Footprint Network cho biết, dựa trên những thống kê của họ, trái đất rơi vào tình trạng nợ sinh thái kể từ ngày 29/12/1970.
Năm 2012, “Ngày vung tay quá trán với Trái đất” dự tính diễn ra ngày 22/8, nhưng các tính toán mới cho thấy ngày chính xác hơn là ngày 23/8.
Theo TTXVN