Mỹ tục đang bị dung tục hóa

Thứ 6, 28/12/2012 00:01

Trong dịp rằm tháng 7 năm nay, tại một số địa phương ở miền Nam đã xảy ra hiện tượng đi cướp mâm cỗ của cô hồn. Họ xô đẩy, giằng giật nhau cướp bất kỳ thứ gì trên mâm cúng (cả mâm cỗ chưa được tiến cúng) tạo ra cảnh hỗn loạn.

PV Nguoiduatin.vn có cuộc trao đổi với TS. xã hội học Trịnh Hòa Bình (Viện Nghiên cứu Xã hội học) để lý giải hiện tượng bất thường này.

Hàng trăm người đang xông vào cướp đồ lễ cúng cô hồn. (Ảnh VNE)

Không biết thương chúng sinh sẽ thành vô đạo

Việc một số người dân thiếu ý thức đi cướp đồ cúng cô hồn tại một số tỉnh miền Nam có thể nói là "xưa nay hiếm". Ông suy nghĩ thế nào trước hiện tượng phản cảm và có thể nói là đau lòng này?

Đây là xu hướng phàm tục, tầm thường hóa ngày lễ Vũ Lan và nghi thức lễ cúng chúng sinh. Nghi thức này có từ ngàn xưa để biểu dương tinh thần đạo nghĩa của con người Việt còn thương đến kẻ khó, thương đến 10 loại chúng sinh. Đó là những người yếu thế ở trong xã hội, trong cộng đồng. Trong lịch sử văn hóa Việt đã từ lâu tồn tại điều này, quan tâm đến việc cúng sản vật cho những loại chúng sinh yếu thế bày tỏ sự nhân văn. Điều này đã thấm nhuần lớp lớp thế hệ người Việt bởi nó là một mỹ tục, một giá trị đạo đức trong giá trị đạo lý của con người.

Có lẽ đối với người dân Việt, ít hay nhiều đều hiểu được ý nghĩa của ngày việc cúng cô hồn trong dịp rằm tháng bảy. Thưa ông, tại sao người phàm trần lại đi cướp những đồ cúng ấy và coi như…chiến lợi phẩm?

Con người ở xã hội hiện đại ngày nay đang tầm thường nghi thức cúng cô hồn. Họ coi đó là một nghi thức mang tính hình thức, xơ cứng. Họ không đọc được chiều sâu của những đạo nghĩa ấy. Xu hướng ngày nay của con người hiện đại là chú trọng đến vật chất.

Thậm chí tôi theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, có nhiều người lớn tỏ ra vui mừng hả hê với gì cướp được, thậm chí khoe khoang vì mình cướp được nhiều. Điều này cho thấy cuộc đời trần trụi của họ đã lấn át đạo lý, tâm linh, cho thấy con người hiện đại đang tiến dần đến chủ nghĩa thực dụng, chà đạp lên giá trị của cuộc đời. Một giá trị mà nhiều người theo đuổi muốn tạo ra cơ may, cơ hội, điều kiện để những người kém may mắn được hưởng phúc, sự quan tâm của đồng loại.

Điều này có đáng lo ngại không, thưa ông?

Tôi thấy đó là điều báo động vì khi người ta không còn coi trọng đến những cô hồn, chúng sinh đáng thương thì người ta sẵn sàng hành xử ác với nhau trong cuộc đời thực. Và thực tế, ở đâu đó trong xã hội con người đã hành xử tùy tiện, cơ học với nhau. Đó là tiếng chuông cảnh tỉnh của con người trong mối quan hệ người với người, con người với xã hội. Họ đang sống cuộc đời phàm tục lấn át đi phần nghĩa.

“Thói đời trần trụi lấn át giá trị đạo lý, mỹ tục”

Có điều, trước đây người làm lễ cúng cô hồn cũng chỉ với những "sản vật" rất bình dị như bỏng ngô, cháo hoa, quần áo giấy chứ không "mâm cao cỗ đầy" như hiện nay. Vậy người làm lễ cúng cũng đang…khoe mẽ?

Ở đây cũng có tính hai chiều, cho dù người cúng có khoe mẽ, khoe sang giàu thì ý nghĩa của vật phẩm đưa ra cung tiến cô hồn, chúng sinh vẫn bao hàm ý nghĩa nhân văn. Nhưng những người đi cướp, những người trần trụi trong cuộc đời thực cướp giật sản vật cúng mang tính chất tiêu dùng nên họ mới hồ hởi như vậy. Tuy nhiên, cũng có thể nhìn nhận, họ đang đóng vai người trừng phạt những kẻ đạo đức giả, những kẻ khoe mẽ, những kẻ cúng "mâm cao cỗ đầy" ngày một nhiều hơn, phong phú hơn thay vì những sản vật ngày xưa cúng chỉ mang tính chấm phá, giản dị.

TS. xã hội học Trịnh Hòa Bình

Vậy ở góc độ này, nhìn nhận bản chất người đi cướp đồ cúng cố hồn là gì?

Người đi cướp lễ cũng đang ngộ nhận chính mình. Họ cho rằng, mình đang lật mặt thật của những kẻ đạo đức giả. Nhưng dù nói như thế nào đi chăng nữa, ở đây vẫn thể hiện xu hướng trần trụi hóa tín ngưỡng, phong tục đã tồn tại thành một nét đẹp văn hóa.

Ngày xưa, tục đi cướp sản vật cúng lễ cô hồn cũng có, nhưng họ muốn cướp một chút mang về mong tìm thấy sự may mắn cho người gặp "sự cố" hay bất hạnh trong đời thực?

Trường hợp ấy không bao hàm nghĩa cướp bóc- cướp lấy được mà họ mong giành giật lấy cơ may trong đời thực thiếu may mắn. Ơở̉ đây, họ không nhắm đến những ý nghĩa tuyệt đối của vật chất, sự tiêu dùng mà họ hướng đến niềm tin. Còn trong trường hợp này, họ cướp vì sự tiêu dùng, vì sản vật có giá trị hơn.

Cụ thể, ông gọi tên hiện thực này là gì?

Điều này cũng cảnh tỉnh đối với những người đang chạy theo giá trị giả. Họ làm điều không tốt, bỗng dưng có lúc giật mình thảng thốt rồi chạy theo kiểu "có thờ có thiêng, có kiêng có lành". Chính vì thế, phần trưởng giả, khoe mẽ trong người cúng lễ đã lấn át giá trị tốt đẹp thuở nào của con người ta đoái thương đến thân phận cầu bơ, cầu bất.

Hành động này cho thấy người đi cướp đồ cúng lễ cũng đã không tin có những cô hồn?

Với người cướp giật, họ xem thường và cho rằng không còn tồn tại điều thực sự ý nghĩa của lễ cúng cô hồn nữa. Cho dù, ở họ có một sự mường tượng xa xôi thì cũng không chiến thắng được những cám dỗ vật chất đời thường để nín nhịn, hy sinh nhằm nâng cao những giá trị tốt đẹp của một tập tục.

Báo động sự xuống cấp đạo đức

Nghĩa là lễ cúng cô hồn hiện nay không còn mang những giá trị nhân văn cao đẹp mà ông cha ta xưa vẫn làm?

Đúng vậy, nó đang bị dung tục hóa đi. Nó nặng tính khoe mẽ, trưởng giả học làm sang. Cúng để khoe hay, khoe giàu hơn người khác. Mà không chừng có người cứ cúng mà chẳng hiểu ý nghĩa của lễ cúng ấy như thế nào.

Mà cứ theo đà khoe mẽ, trần trụi như hiện nay, liệu sau này có còn mỹ tục cúng cô hồn?

Hiện tượng nào trong xã hội cũng có cơ chế tự điều chỉnh. Hiện tượng tranh cướp trần trụi, dung tục hóa nghi lễ và cả những người khoe mẽ cúng bằng "mâm cao cỗ đầy" sẽ tự điều tiết. Chẳng ai dại gì cứ mãi mang đồ nhà đi cho người khác cướp dù có giàu đến đâu.

Có ý kiến cho rằng, đời sống xã hội của người dân đang khó khăn nên họ muốn cướp đồ cúng lễ để mong tìm sự may mắn trong công việc, trong kiếm tiền hàng ngày?

Hiện tượng này không thể đọc và hiểu như thế được. Họ đã tầm thường hóa, cướp lấy vật chất với ý nghĩa tiêu dùng thì không bao giờ nghĩ là cướp cơ may để phát triển. Người tự trọng không làm như thế. Chỉ có người Việt Nam mình mới có trò đi ăn cơm tế bần cho dù mức sống không đến mức phải đến nỗi ấy. Người Việt mình thực dụng lớn lắm, cứ cái gì phát không, dù không đúng hoàn cảnh của mình... vẫn thích. Đấy là sự rối loạn về giá trị, xuống cấp về đạo đức trong một bộ phận xã hội của chúng ta hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

Vương Hà

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.