Những tuần gần đây, các cựu nghị sĩ Mỹ đã hối thúc chính quyền cấm xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga trong khi dỡ bỏ các hạn chế đối với Venezuela, một trong những quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới và từng là nhà cung cấp dầu thô quan trọng cho Mỹ.
Hôm 5/3, một phái đoàn Mỹ do Juan Gonzalez - cố vấn hàng đầu của Nhà Trắng về khu vực Mỹ Latin - và Đại sứ James Story đã hội đàm với Tổng thống Nicolas Maduro và Phó Tổng thống Delcy Rodriguez.
Các quan chức Mỹ coi cuộc gặp là cơ hội để đánh giá liệu Venezuela, một trong những đồng minh thân cận nhất của Nga ở Mỹ Latin, có sẵn sàng đứng ngoài hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine hay không, Reuters dẫn lời một nguồn tin ở Washington.
Washington cũng muốn xác định, các nguồn cung cấp dầu thay thế để bù đắp khoảng trống nếu Mỹ và các đồng minh tẩy chay ngành năng lượng của Moscow. Venezuela có thể tăng cường xuất khẩu dầu thô nếu Washington nới lỏng các lệnh trừng phạt. Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao Mỹ và Bộ Thông tin Venezuela hiện chưa đưa ra bình luận.
Theo Washington Post, đây là chuyến thăm cấp cao nhất của Mỹ trong vài năm trở lại đây tới Venezuela. Chuyến đi diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Venezuela Maduro và Tổng thống Nga Vladimir Putin điện đàm về việc thúc đẩy quan hệ đối tác giữa hai nước.
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh nguồn tài chính của Venezuela với Nga đang bị vướng vào các lệnh trừng phạt sau "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine.
Trong những ngày gần đây, Venezuela đã yêu cầu Nga giải phóng số tiền thu được từ dầu mỏ tại một số ngân hàng Nga bị Mỹ đưa vào danh sách đen, đặc biệt là Ngân hàng Promsvyazbank (PSB), nơi công ty dầu khí quốc doanh PDVSA của Venezuela và Bộ Quốc phòng có tài khoản ngân hàng, Reuters dẫn lời 2 nguồn tin riêng cho biết.
Cũng theo nguồn tin của Reuters, như một nhượng bộ, các quan chức Mỹ sẵn sàng xem xét tạm thời cho phép Venezuela sử dụng hệ thống SWIFT, tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch tài chính giữa các ngân hàng trên toàn thế giới, để chuyển tiền sang các tài khoản khác.
Tổng thống Maduro cũng tìm cách dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt cấm xuất khẩu dầu của Venezuela cũng như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với ông và các quan chức Venezuela khác.
Việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt dầu mỏ có thể bắt đầu bằng việc cho phép các công ty bao gồm Chevron Corp của Mỹ, ONGC của Ấn Độ và Repsol của châu Âu buôn bán dầu của Venezuela.
Mỹ và Venezuela đã cắt đứt quan hệ ngoại giao vào năm 2019 sau khi chính phủ Mỹ công nhận chính trị gia đối lập Juan Guaido là tổng thống hợp pháp của đất nước, cáo buộc ông Maduro tái đắc cử thông qua gian lận.
“Không rõ liệu cuộc hội đàm hôm 5/3 với các quan chức Venezuele có dẫn đến bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách của Mỹ hay không, nhưng ngay cả khi Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt, sản lượng của Venezuela sẽ không làm được gì nhiều để lấp đầy khoảng trống do dầu Nga để lại trên thị trường thế giới”, ông Francisco Monaldi, Giám đốc Chương trình Năng lượng Mỹ Latinh tại Đại học Rice (Houston, Mỹ), cho biết.
Theo ông Monaldi, mặc dù Venezuela gần đây đã tăng nhẹ sản lượng dầu, nhưng nước này chỉ sản xuất được khoảng 10% lượng dầu mà Nga xuất khẩu.
Minh Hoa (t/h theo Tuổi Trẻ Online, An Ninh Thủ Đô)