Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đảng viên Cộng hòa và Dân chủ sẽ ngồi lại với nhau hôm 9/5 để giải quyết bế tắc đã kéo dài 3 tháng về mức trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD và bàn giải pháp để Mỹ tránh rơi vào tình trạng vỡ nợ vào đầu tháng 6 như Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo.
Vị Tổng thống, thành viên của đảng Dân chủ đang kêu gọi các nhà lập pháp tăng trần nợ của chính phủ liên bang mà không cần điều kiện, trong khi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (thuộc đảng Cộng hòa) cho biết, Hạ viện sẽ không thông qua bất kỳ thỏa thuận nào nếu chính phủ không cắt giảm chi tiêu để giải quyết thâm hụt ngân sách ngày càng tăng.
Tình hình bế tắc hiện tại khiến Mỹ ngày càng tiến gần đến “ngày X”, ngày mà quốc gia này vỡ nợ, đe dọa sự cân bằng của hệ thống tài chính toàn cầu, vốn dựa vào sự ổn định của đồng USD.
Vai trò kinh tế
Hậu quả nghiêm trọng nhất khi Mỹ vỡ nợ có thể là sự sụp đổ của đồng USD và sự thay thế của đồng tiền này với tư cách là “đơn vị thanh toán” của thương mại toàn cầu.
Hiện tại, hơn một nửa giao dịch thương mại thế giới, từ dầu, vàng đến ô tô và điện thoại thông minh, đều được thực hiện bằng USD. Đồng Euro, với khoảng 30% giao dịch, cùng với các loại tiền tệ khác tạo nên thế cân bằng trên thị trường.
Bởi sự thống trị này, Mỹ là quốc gia duy nhất trên hành tinh có thể trả nợ nước ngoài bằng đồng tiền của mình. Bất kể chính phủ Mỹ nợ nhà đầu tư nước ngoài bao nhiêu, họ chỉ cần in số tiền đó ra là có thể thanh toán hết, mặc dù họ không thể làm vậy vì lý do kinh tế.
Trong khi đó, các quốc gia khác phải mua đồng USD hoặc đồng Euro để trả nợ nước ngoài, và cách duy nhất để họ làm như vậy là xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu hoặc vay thêm USD hoặc Euro từ thị trường quốc tế.
Do đó, câu hỏi đặt ra không phải là liệu Mỹ có thể thanh toán các khoản nợ của mình hay không, mà là liệu quốc gia này có ý chí chính trị để làm như vậy hay không. Việc Mỹ vỡ nợ hoàn toàn khác với trường hợp của một quốc gia đang phát triển không có khả năng tài chính để thanh toán các khoản vay của mình.
Bên cạnh đó, USD hiện chiếm khoảng 60% dự trữ ngoại hối toàn cầu (trái phiếu kho bạc và các loại chứng khoán khác) bởi tính ổn định của đồng tiền này, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Nếu Mỹ thực sự vỡ nợ, các nhà đầu tư mất niềm tin vào sự ổn định của tài sản kho bạc Mỹ, dẫn đến việc bán tháo những tài sản này, làm suy yếu vị thế của đồng USD.
“Nếu khoản nợ của chúng ta được dùng để đánh giá mức độ sẵn sàng thanh toán thay vì khả năng thanh toán, hậu quả có thể là sự hỗn loạn cũng như sự không chắc chắn trên thị trường trong ngắn hạn, và những thiệt hại kinh tế vượt ra khỏi biên giới chúng ta trong dài hạn”, bà Rachel Snyderman, phó giám đốc cấp cao về chính sách kinh tế tại Trung tâm chính sách lưỡng đảng Mỹ nhận định.
Quyền lực chính trị
Hầu hết giao dịch nước ngoài được tính bằng đồng USD, nên sẽ phải làm việc thông qua một ngân hàng Mỹ vào một thời điểm nào đó. Cũng vì lý do này, sự thống trị của đồng USD mang lại cho Mỹ quyền lực chính trị to lớn, đặc biệt là để trừng phạt các đối thủ kinh tế và các chính phủ không thân thiện.
Ví dụ, khi cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran, ông đã từ chối quốc gia này tiếp cận các ngân hàng Mỹ và đồng USD. Ông cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các công ty nước ngoài giao dịch với Iran.
Giữ việc lựa chọn tiếp cận đồng USD hoặc giao dịch với Iran, hầu hết các nền kinh tế thế giới đã chọn phương án đầu tiên và tuân thủ các biện pháp trừng phạt. Kết quả, Iran bước vào thời kỳ suy thoái sâu sắc và đồng tiền của nước này mất giá khoảng 30%.
Tổng thống Joe Biden đã làm điều tương tự với Nga để đáp trả việc nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, khiến nền kinh tế Nga gần như suy thoái.
Mặc dù hiện tại chưa có giải pháp thay thế khả thi nào cho đồng USD, nhưng cuộc chiến kéo dài về trần nợ có thể mở ra cơ hội cho các quốc gia tham vọng bước vào, ví dụ như Trung Quốc, đối thủ hàng đầu của Mỹ về ảnh hưởng toàn cầu.
Trung Quốc đang thực hiện chiến lược “quốc tế hóa” đồng nhân dân tệ để cải thiện danh tiếng của mình đối với các nhà đầu tư nước ngoài, và nếu đồng Euro có thể thay thế đồng USD trở thành đơn vị thanh toán chính của thế giới, thì đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ chuyển sang vị trí thứ hai. Điều này sẽ nâng cao vị thế quốc tế của Trung Quốc cả về kinh tế và chính trị.
“Nếu Mỹ muốn duy trì vị thế của mình trong hệ thống tài chính toàn cầu trong 50 năm tới, thì họ cần phải tránh những sự cố như thế này. Hiện tại, không ai có thể chen chân vào vị trí của Mỹ, nhưng nếu Mỹ tiếp tục để cho tình hình cạnh tranh hiện tại xảy ra, thì đến năm 2040, rất có thể sẽ có một quốc gia khác đe dọa vị trí của Mỹ”, theo ông Michael Strain, giám đốc nghiên cứu chính sách kinh tế tại Viện Doanh nghiệp Mỹ.
Nguyễn Tuyết (Theo New Republic, The Conversation, Reuters)