Myanmar: Vì đâu hòa bình mong manh?

Myanmar: Vì đâu hòa bình mong manh?

Thứ 7, 30/03/2013 09:07

Căng thẳng ở Myanmar giữa người theo Phật giáo chiếm đa số và các tín đồ Hồi giáo đang nhanh chóng trở thành một trong những vấn đề gay go nhất và ít có thể dự đoán nhất ở một đất nước đang hướng đến cải cách.

Bạo động tôn giáo lan rộng

Tiêu điểm - Myanmar: Vì đâu hòa bình mong manh?
  Một người Hồi giáo Myanmar sống ở Malaysia xuống đường phản đối việc sát hại những người Hồi giáo ở Meikhtila (Myanmar).Ảnh: Reuters

 Sau những vụ bạo động châm ngòi tình trạng khẩn cấp trong thành phố Meikhtila tuần rồi, đến cuối tuần bạo động lan xuống phía nam và vùng phụ cận thủ đô Naypyitaw.

Các đền thờ Hồi giáo và hàng chục ngôi nhà của người Hồi giáo ở ngoại ô Yamethin, Lewei và Tatkone bị đập phá . Một chủ cửa hàng ở Yamethin kể: “Khoảng 100 người xuất hiện hét lớn ‘Đốt đi, đốt đi’, rồi bắt đầu phá hủy nhà chúng tôi.”

Lo sợ bạo động lan đến thành phố Yangon, cách Meikhtila 300 dặm về phía nam, nhiều doanh nghiệp địa phương đóng cửa hôm 25.3 Các đơn vị cảnh sát Yangon được phái đến khu vực quanh trung tâm thương mại Yuzanna và nhiều nơi trong thành phố.

Cho đến nay, hơn 50 người bị bắt, phần lớn ở Meikhtila và theo Phật giáo. Quân đội được triển khai từ 22.3, khi chính phủ tuyên bố thiết quân luật sau khi ít nhất 32 người chết. Cho dù quân đội bắt đầu lập lại trật tự, hàng ngàn người phải chạy khỏi nhà. Theo hãng thông tấn Myanmar, khoảng 10.000 người đang sống trong các trại tạm cư ở Meiktila và phụ cận.

Xung đột sắc tộc không tắt

Chuyến đi đến các thủ đô châu Âu của TT Thein Sein hồi đầu tháng ba đã biến đổi Myanmar từ một nước ít được biết đến thành một đối tác châu Á mới. Nhưng các lãnh đạo sắc tộc và tổ chức xã hội dân sự ở Myanmar vẽ nên một bức tranh kém tươi hơn. Họ quả quyết tiến trình hòa bình bị hủy hoại do các vi phạm ngừng bắn, những doanh nghiệp lớn chiếm đất và chính phủ do dự thỏa thuận chính trị.

Cuối năm 2012, nhiều chính phủ phương Tây cảm thấy ấn tượng bởi phần lớn các quân đội sắc tộc nắm giữ khu vực giáp ranh Thái Lan và Trung Quốc ký kết các thỏa thuận ngừng bắn với chính phủ cải cách của TT Thein Sein.

Tại một cuộc họp báo ở Vienna vào ngày 4.3, hẳn là nước Áo thích thú khi Thein Sein đảm bảo: “Không còn thù nghịch, cũng không còn tranh chấp, chúng tôi đã có thể kết thúc xung đột vũ trang.”

Nhưng ngay cả khi Thein Sein nói như thế, xung đột vũ trang vẫn xảy ra ở các bang Shan và Kachin thuộc miền bắc Myanmar. Tổ chức Quốc gia Kachin đáp trả Thein Sein: “Chính phủ Myanmar đang gây tội ác chiến tranh và chuẩn bị một xung đột qui mô trong khi khẳng định hòa bình ở Kachin.”

Chỉ vài tuần trước chuyến đi châu Âu của Thein Sein, pháo đội và trực thăng của chính phủ bắt đầu tấn công dữ dội các vị trí quân nổi dậy KIA gần thị trấn Laiza, bên trong một khu giải phóng giáp biên giới Trung Quốc.

Trong các vòng đối thoại hòa bình với các nhóm sắc tộc Karen, Shan và Kachin, chính phủ từ chối yêu cầu phi quân sự hóa khu vực xung đột. Những vụ nã pháo có thể xảy ra ít hơn, nhưng tiếng súng không tắt.

Tiêu điểm - Myanmar: Vì đâu hòa bình mong manh? (Hình 2).
  Quân du kích chống chính phủ Myanmar ở Kachin. 

Chiến lược phát triển ảnh hưởng đến cộng đồng thiểu số

Thein Sein đã phác thảo một chiến lược hòa bình ba bước: thứ nhất là kết thúc chiến tranh bằng một thỏa thuận đình chiến; thứ hai, xúc tiến các dự án tài trợ và phát triển trong các bang thiểu số; và thứ ba là tiến hành đối thoại chính trị và đạt đến một hòa giải chính trị trong khuôn khổ hiến pháp do quân đội soạn thảo năm 2008.

Nhà phân tích Tom Kramer của Transnational Institute hết sức lo ngại là chiến lược phát triển của chính phủ sẽ không đem lại lợi ích cho các sắc tộc thiểu số. “Nguy cơ lớn nhất hiện nay là hiệp ước đình chiến mới cùng với những luật đất đai và đầu tư mới sẽ tạo cơ hội cho các doanh nhân địa phương và quốc tế mua hết đất đai trong những khu vực xung đột.”

Những luật mới được quốc hội thông qua giúp các nhà đầu tư nước ngoài và doanh nhân trong nước dễ thu mua đất đai hơn, tước đoạt quyền sở hữu đất đai của các cộng đồng thiểu số. Một Ủy ban Đất đai Myanmar báo cáo quốc hội là quân đội Myanmar cũng đã chú tâm chiếm giữ đất đai vừa để xây thêm trại lính vừa để tham gia đối tác với các tập đoàn nông nghiệp và khai khoáng.

Chiến lược phát triển của chính phủ phần lớn dựa vào khai khoáng và thủy điện, bao gồm xây sáu đập nước trên dòng Salween, và sáu đập trên sông Irrawaddy, phần lớn các đập nằm trong khu vực xung đột.

Tổ chức Mạng Sông ngòi Myanmar cảnh báo các nhà đầu tư nước ngoài là phải thận trọng cho đến khi vấn đề quyền lợi của sắc tộc và chính phủ trung ương được giải quyết và “một bộ phận an ninh nhận lệnh bảo vệ cộng đồng địa phương và môi trường.”

Đây rõ ràng là điểm đan xen giữa các vấn đề ưu tiên phát triển, minh bạch và sự tham gia của công chúng trong các khu vực xung đột. Đổ xô vào những dự án khai khoáng và thủy điện gây tranh cãi trái với mong muốn của các cộng đồng sắc tộc sẽ chỉ phá hủy những bước tiến về đích hòa bình.

Hòa giải là nan giải

Phần thứ ba của tiến trình hòa bình – đối thoại chính trị và thương lượng có thể mở đường cho một hòa giải hòa bình vĩnh viễn và các quân đội sắc tộc hạ vũ khí – cho đến nay thậm chí còn chưa đạt được kết quả tốt đẹp ban đầu.

Cơ sở lịch sử cho việc thiết lập một Liên minh Myanmar năm 1948 là Thỏa thuận Panglong 1947, bao gồm những cam kết của Tướng Aung San (cha của lãnh tụ đối lập Suu Kyi) là tôn trọng các quyền lợi sắc tộc và đồng ý chia sẻ quyền lực giữa sắc tộc đa số Myanmar và 30% khác là các sắc tộc thiểu số. Trên thực tế những cam kết này chưa bao giờ được thực hiện.

Phe đối lập đứng ngoài quốc hội đang kêu gọi những điều chỉnh quan trọng cho hiến pháp để cho phép Panglong 2, một hiệp ước mới giữa tất cả các sắc tộc thiểu số vùng cao và phe chính phủ vốn luôn chịu sự cai trị của sắc tộc Myanmar chiếm đa số ở đồng bằng.

Quân đội Myanmar luôn xem mình là bảo vệ đáng tin cậy cho một nhà nước được trung ương hóa và sẽ phản đối mạnh mẽ bất cứ giải pháp liên bang nào.

Nhưng nếu đối thoại chính trị bắt đầu và đạt được một nền hòa bình lâu dài, rõ ràng là các dự án phát triển phải được xét lại trên cơ sở tham gia của các cộng đồng thiểu số. Chính phủ quốc gia cũng phải tôn trọng tư tưởng cơ bản của Panglong.

Hla Maung Shwe, phó giám đốc Trung tâm Hòa bình Myanmar, thừa nhận vấn đề là “gần như tất cả các thể chế trong nước chúng tôi đều yếu kém. Chỉ một thể chế là mạnh: quân đội.”

Câu hỏi cho tương lai của Myanmar là liệu các tướng lĩnh có cho phép những cải cách quan trọng trong những bang giàu tài nguyên của sắc tộc thiểu số, cho phép phát triển dân chủ và các thỏa thuận hòa bình. Đối thoại hòa bình vẫn có một con đường gập ghềnh phía trước.

Theo Võ Phương/Sài gòn Tiếp thị

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.