Cứ đến hẹn, vào ngày thứ 7 giữa tháng Tư và tháng Năm mỗi năm (sau mùa thu hoạch), người dân ở đảo Pentecost thuộc nước Cộng hòa Vanuatu lại tụ họp về để kỷ niệm ngày mùa với lễ hội Naghol.
Lễ hội này đã được ghi vào sách kỷ lục Guinness và nhanh chóng thu hút đông đảo khách du lịch tới đảo Vanuatu, ngoài khơi Thái Bình Dương.
Trong thời gian chuẩn bị cho lễ hội Naghol, đàn ông không được tiếp xúc với phụ nữ, tất nhiên càng không được quan hệ tình dục!
Cú nhảy được thực hiện từ một tòa tháp gỗ được dựng riêng cho sự kiện đặc biệt này. Phụ nữ cũng không được bén mảng tới gần ngọn tháp xây bằng gỗ (sẽ dùng để làm điểm nhảy cắm đầu trong lễ hội). Thổ dân ở đây cho rằng nếu có sự đụng chạm của phụ nữ, Tamalie, linh hồn sống trong tháp sẽ nổi giận, khiến những người nhảy cắm đầu thiệt mạng. Thêm nữa, những người tham gia nhảy không được phép đeo bất cứ loại bùa hộ mệnh nào.
Trong buổi lễ, những người đàn ông khỏe mạnh trong làng sẽ phải buộc dây vào bụng hoặc mắt cá chân rồi nhảy xuống từ độ cao khoảng 15 -30m. Đó là sợi từ cây nho. Đây là hình thức bảo hộ duy nhất. Những sợi dây được chọn phải có đủ độ đàn hồi và chắc chắn để đảm bảo an toàn cho người tham gia nhảy.
Độ dài dây cũng phải vừa độ vì nếu quá dài, người nhảy sẽ đập đầu xuống đất, còn nếu quá ngắn, họ sẽ bị treo lơ lửng trên cao hay đụng vào ngọn tháp. Đêm trước ngày hội chính, người tham gia phải ngủ dưới ngọn tháp để xua đi tà ma.
Lễ hội Naghol gắn liền với một truyền thuyết từ cách đây vài thế kỷ. Câu chuyện được người dân ở đảo Pentecost kể lại rằng: Có hai vợ chồng nọ sống với nhau nhưng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Một hôm người vợ bị chồng đánh đập rất dã man, để thoát thân, người vợ bỏ chạy và trèo lên một cái cây rất cao trong làng. Người chồng tàn ác không tha mà dồn cô vợ đến đường cùng, anh ta cũng leo lên cây để “lôi cổ” cô vợ xuống. Vì quá hoảng sợ, cô gái đã lao mình xuống đất chết trong nỗi thống khổ và tức giận. Sau khi vợ chết, người chồng đã biết lỗi của mình, vì nhớ thương vợ, anh ta đã leo lên cây nọ để quyên sinh. Nhưng sau khi chết, người vợ đã biến thành một cây dây leo bám chặt vào thân cây. Khi người chồng nhảy xuống, cây dây leo liền quấn quanh mắt cá chân khiến anh ta bị mắc lại và không thể chết được.
Từ câu chuyện cảm động này, người dân trong làng đã biến thành một nghi lễ, gọi là lễ Naghol. Cứ mỗi mùa lễ hội, những người đàn ông trong làng sẽ phải cởi bỏ quần áo và nhảy từ trên cây xuống đất. Về sau này, người ta cho xây một cái tháp được làm từ gỗ rất thô sơ để phục vụ cho lễ hội. Kể từ khi khởi công đến khi hoàn thành cây tháp mất khoảng 5 tuần và cần tới sự góp sức của 20 – 30 người đàn ông. Họ cắt cây để tạo cấu trúc của tháp, phát quang cỏ cây quanh ngọn tháp, loại bỏ những tảng đá lớn quanh khu vực. Những ngọn tháp này thường có độ cao tới 30 mét. Những người nhảy phải luyện tập làm sao cho đầu của họ chỉ chạm đúng mặt đất. Mỗi lần chạm như thế, họ sẽ nói một câu để cầu nguyện cho mùa khoai lang bội thu. Ngoài ra, lễ hội cũng là dịp để người dân bày tỏ lòng biết ơn với những cây Kava, Tuluk, và Laplap.
Vào buổi sớm tinh mơ ngày lễ chính, những người đàn ông phải thực hiện một nghi lễ tẩy trần. Họ phải tắm bằng dầu dừa và trang trí lên cơ thể. Đàn ông đeo răng lợn lòi quanh cơ thể, bọc “của quý” bằng một thứ vỏ cây gọi là nambas. Phụ nữ mặc váy cỏ và để ngực trần, họ sẽ nhảy múa để cổ vũ tinh thần những người đàn ông.
Đàn ông trưởng thành và các bé trai (đôi khi còn có những cậu bé mới 7 tuổi) sẽ trèo lên tháp và hoàn thành các nghi thức cầu nguyện trước khi nhảy xuống. Những cậu bé lần đầu tiên được tham gia lễ hội này sẽ được xếp nhảy ở chỗ thấp nhất có thể, còn những người lớn được xếp bậc cao dần lên và người có kinh nghiệm nhất sẽ đứng ở bục nhảy cao nhất. Với các cậu bé 7, 8 tuổi, đây là một nghi lễ chứng minh sự trưởng thành. Trong khi cậu bé nhảy, mẹ cậu sẽ cầm một đồ vật mà cậu yêu thích và khi cậu bé hoàn thành cú nhảy, bà sẽ vứt đồ vật đó đi.
Người trong bộ tộc gọi đó là tục lệ Naghol và là thử thách bắt buộc dành cho những chàng trai trẻ trên đảo. Người Vanuatu quan niệm rằng khi đàn ông và trẻ em vượt qua được nỗi sợ hãi đó thì mới đủ rắn rỏi để bước vào đời và là chỗ dựa vững chắc cho gia đình sau này.
Người nào nhảy giỏi nhất thì sẽ được vào vòng chung kết. Nghi lễ này yêu cầu người tham gia phải có sức khỏe, lòng nhiệt tình và đặc biệt là sự dũng cảm. Đó cũng là sự bày tỏ với người phụ nữ của họ rằng: họ không bao giờ gian dối.
Mỗi khi có người từ đỉnh nhảy xuống, cả tòa tháp như lắc lư, để người nhảy chỉ còn cách mặt đất vài centimet. Tốc độ của mỗi người khi nhảy vào khoảng 72 km/giờ. Tất nhiên, rất nhiều tai nạn đã xảy ra như gãy cổ, bất tỉnh… Tuy nhiên, người Vanuatu vẫn tiếp tục thực hiện.
Lễ hội Naghol còn được coi là tiền thân của trò chơi nhảy “bungee” (đeo dây và nhảy từ trên cao xuống) - một trong những hoạt động thể thao mạo hiểm nhất thế giới đang được ưa chuộng tại nhiều quốc gia.
Giai Lợi (t/h)