Nghi lễ truyền thống khai ấn được thực hiện vào 22h ngày 14 tháng Giêng với việc rước ấn từ đền Cố Trạch sang đền Thiên Trường, 11 bản ấn sẽ được dâng tại đền Thiên Trường, đền Cố Trạch, đền Trùng Hoa, chùa Tháp, văn chỉ Hiền Đàn, đình Tức Mặc, đình Kênh, đình Bái, đình Vĩnh Trường.
Thay vì các bản ấn bằng lụa, các bản ấn năm nay sẽ được in trên giấy, đảm bảo tiết kiệm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ấn đền Trần
Ông Nguyễn Xuân Hoạt, trưởng ban quản lý khu di tích lịch sử văn hóa đền Trần - chùa Tháp (Nam Định), cho báo chí biết: “Lễ hội đền Trần năm nay chỉ có một lượng ấn nhất định, vì theo quan niệm ấn phải được đóng vào thời điểm cụ thể chứ không thể đóng tràn lan. Tuy nhiên, ban tổ chức lễ hội đền Trần sẽ cố gắng đáp ứng đầy đủ nhu cầu của du khách”.
Trước đó, thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng nên coi chiếc ấn như vật kỷ niệm, có thể phát quanh năm để du khách về thăm đền Trần vào thời gian nào cũng đều có thể nhận ấn mang về. Tuy nhiên, ông Hoạt lại cho rằng nếu dùng ấn đền Trần như một vật kỷ niệm cần phải nghiên cứu kỹ hơn, trải qua các cuộc hội thảo và tiến tới sự đồng thuận giữa ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà nghiên cứu và người dân.
Theo ông Hoạt thì kế hoạch phát ấn trong 15 ngày cuối tháng giêng vẫn hợp lý nhất trong 3 phương án được đưa ra là: phát trong ba ngày, phát từ 15 đến hết tháng giêng và phát ấn trong cả năm.
Với ý nghĩa, nếu xin được ấn Trần, nghĩa là được vua ban tước, được thăng quan tiến chức. Vì thế, đêm khai ấn hàng năm đều diễn ra cảnh tượng chen lấn kinh hoàng. Bất kể là phụ nữ, trẻ em, người già hay là thanh niên... họ đều chen lẫn, giẫm đạp lên nhau trong lễ phát ấn 2011 chỉ với mục đích duy nhất: "Cướp" được ấn Trần.
Năm nay việc phát ấn kéo dài nửa tháng hy vọng sẽ không còn tình trạng người dân chen lấn, dẫm đạp lên nhau để vào xin ấn nữa.
Khánh Thi