Năm 2014, dự kiến thay đổi cách thi tốt nghiệp THPT

Năm 2014, dự kiến thay đổi cách thi tốt nghiệp THPT

Thứ 5, 02/01/2014 21:03

Cuối giờ chiều nay 2/1, Bộ Giáo dục - Đào tạo họp báo công bố dự thảo mới nhất về những thay đổi lớn trong thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) dự kiến sẽ áp dụng ngay từ năm 2014.

Theo đó, đối với việc thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT dự kiến hai phương án môn thi. Một là, thí sinh thi 4 môn gồm 2 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn. Hai là, thi 5 môn gồm 3 môn thi bắt buộc Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và 2 môn tự chọn.

Phương án 1: Thi 4 môn bao gồm 2 môn thi bắt buộc (Toán học và Ngữa văn); 2 môn thi tự chọn trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử.

Học sinh có thể đăng ký thi môn Ngoại ngữ ( đề ra theo chương trình 7 năm hiện hành) để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp. Dự kiến bài thi môn Ngoại ngữ được 9,0 điểm trở lên sẽ được cộng 2 điểm, đạt 7,0 điểm trở lên sẽ được cộng 1,5 điểm, đạt 5,0 điểm trở lên được cộng 1 điểm.

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, phương án này có ưu điểm là giảm áp lực cho học sinh, đảm bảo đánh giá môn Ngoại ngữ thực chất hơn. Điều này sẽ tạo điều kiện cho Bộ và các trường có thời gian triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học theo yêu cầu của Đề án ngoại ngữ 2020.

Trong đó, đặc biệt coi trọng đổi mới cách thi, đánh giá năng lực ngoại ngữ theo yêu cầu giao tiếp (nghe, nói, đọc, viết).

Tuy nhiên, nếu thực hiện theo phương án này, dư luận có thể sẽ cho rằng Bộ GD-ĐT đang giảm nhẹ yêu cầu dạy học ngoại ngữ trong các trường phổ thông.

Phương án 2: Thí sinh sẽ phải dự thi 5 môn gồm 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ). Bên cạnh đó, 2 môn do thí sinh lựa chọn trong các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử.

Đối với môn Ngoại ngữ, thí sinh GDTX và thí sinh giáo dục THPT không theo học hết chương trình hiện hành hoặc có khó khăn về điều kiện dạy học sẽ được tự chọn một môn thi thay thế trong các môn như Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử.

Tại dự thảo, hình thức thi cũng quy định rõ ràng. Trong đó, các môn Toán, Ngữ Văn, Địa lý, Lịch sử thi tự luận.

Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thi trắc nghiệm. Môn Ngoại ngữ sẽ có hai phần thi trắc nghiệm và tự luận.

Thời gian làm bài đối với môn Toán và Ngữ văn là 150 phút, đối với môn Địa lý, Lịch sử, Ngoại ngữ là 90 phút, đối với môn Vật lý, Hóa học, Sinh học là 60 phút.

Bên cạnh việc đưa ra các phương án thi tốt nghiệp mới, Bộ GD-ĐT cũng công bố cách thức xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp.

Dự thảo của Bộ Giáo dục - Đào tạo nêu rõ: Ngoài các đối tượng được miễn thi theo quy chế thi hiện hành (người học khiếm thị; người học lớp 12 được tham gia kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, khu vực các môn văn hóa và được tuyển chọn tham gia các cuộc thi quốc tế hoặc khu vực về thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ), các thí sinh có kết quả học tập, rèn luyện tốt cũng sẽ được miễn thi.

Việc miễn thi dựa theo các tiêu chí cơ bản sau: Kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong 3 năm học THPT; kết quả các kỳ thi chọn học sinh giỏi các cấp; kết quả các kỳ thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật, các cuộc thi trí tuệ dành cho học sinh THPT được tổ chức ở cấp quốc gia, quốc tế.

Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng lưu ý: Thí sinh miễn thi được xếp loại tốt nghiệp dựa theo điểm trung bình cả năm lớp 12. Thí sinh thuộc diện được miễn thi vẫn được quyền đăng ký dự thi tốt nghiệp để được xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp theo quy định.

Việc công nhận và xếp loại tốt nghiệp THPT cũng có sự thay đổi đáng kể. Cụ thể, điểm trung bình các bài thi và điểm trung bình cả năm học sẽ có giá trị tương đương nhau (50 - 50); đồng thời cộng thêm điểm khuyến khích (nếu có).

Ngọc Linh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.