Các nước đang phát triển hiện đang đầu tư xây dựng một lượng lớn nhà máy điện gió, điện mặt trời và thủy điện nhằm đáp ứng nhu cầu về điện đang ngày một gia tăng và ứng phó với các vấn đề ô nhiễm địa phương.
Chưa kể, việc chi phí năng lượng tái tạo có xu hướng giảm xuống thấp hơn chi phí các nguồn năng lượng truyền thống như than, khí tự nhiên và dầu mỏ ở một số thị trường điện giá cao cũng là một lợi thế để điện tái tạo phát triển.
Điện năng tái tạo, bao gồm thủy điện, hiện là khu vực phát điện tăng trưởng nhanh nhất thế giới và được kỳ vọng sẽ tăng 40% trong 5 năm tới. Theo dự đoán của IEA, đến năm 2018, điện tái tạo sẽ chiếm ¼ tổng số nguồn năng lượng của thế giới, tăng 5% so với năm 2011.
Tuy nhiên, 80% điện tái tạo trên thế giới đều đến từ thủy điện, loại hình công nghệ không mấy “được lòng” các tổ chức môi trường và các chuyên gia phát triển bền vững vì phải tiến hành xây đập ngăn dòng các con sông.
Ngoài thủy điện, các nguồn năng lượng tái tạo khác như gió, mặt trời, địa nhiệt… cũng được kỳ vọng tăng nhanh trong vòng 5 năm tới, song chúng chỉ góp một phần khiêm tốn (8%) vào tổng số nguồn năng lượng của thế giới năm 2018, tăng 4% so với năm 2011.
Báo cáo Triển vọng năng lượng 5 năm tới của IEA cho biết các nước đang phát triển, dẫn đầu là Trung Quốc, sẽ chiếm 2/3 tổng lượng gia tăng điện tái tạo toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng điện tái tạo tại châu Âu và Mỹ dự đoán tăng chậm bất chấp động thái mới thúc đẩy đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo của Tổng thống Mỹ Barack Obama.Trở ngại lớn nhất cho việc phát triển năng lượng tái tạo, theo bà Maria van der Hoeven, Giám đốc điều hành IEA, chính là sự gia tăng rủi ro cho các nhà đầu tư khi các nước thay đổi chính sách năng lượng. “Nhiều nguồn năng lượng tái tạo không đòi hỏi phải có các gói hỗ trợ kinh tế lớn nhưng chúng cần có những chính sách dài hạn để phát triển bền vững trên một thị trường ổn định” – bà nói thêm. |
Theo Diễn đàn Đầu tư