Lộ trình này đặt ra các bước làm cụ thể: Năm 2017, TP.HCM tập trung công tác tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến từng người dân trên địa bàn 24 quận huyện; tiếp tục nâng chất, đẩy mạnh triển khai chương trình cho các đối tượng ngoài hộ dân là cơ quan, trường học, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, bệnh viện, khu vui chơi, giải trí công cộng, khu công nghiệp, khu tiểu thủ công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao...
Bên cạnh đó, các hộ dân quận 1, 3, 5, 6, 7, 12, Bình Thạnh tiếp tục duy trì, mở rộng phạm vi phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ít nhất một phường xã. Việc lựa chọn đối tượng, phạm vi thực hiện cần đảm bảo kết nối đồng bộ trong khâu thu gom, vận chuyển chất thải rắn sau khi phân loại. Hạn chế việc chọn phạm vi, đối tượng triển khai không liên tục gây khó khăn cho công tác thu gom, vận chuyển hai loại chất thải sau phân loại.
Từ kết quả làm được trong năm 2017, lộ trình đến 2018, sau khi đúc kết kinh nghiệm, kết quả thực hiện, các quận, huyện tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng, mở rộng đối tượng, phạm vi triển khai. Theo đó, tiếp tục mở rộng đối tượng ngoài hộ dân, đối với các quận kể trên triển khai chương trình ít nhất năm phường.
Các quận huyện còn lại triển khai ít nhất ba phường xã. TP phấn đấu đạt tỷ lệ phân loại trên 50% đối tượng hộ dân và ngoài hộ dân tại các phường, xã đang triển khai thực hiện đúng phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Đến giai đoạn 2019-2020, UBND quận huyện tiếp tục nâng chất, đẩy mạnh đối tượng, phạm vi, đảm bảo đến năm 2020 hoàn thành cơ bản việc triển khai phân loại chất thải tại nguồn trên toàn bộ TP.
Theo T.M/monre.gov.vn