Sáng 16/1, bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 kế hoạch năm 2019. Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến công bố thông tin, năm 2018, 40.000 người Việt sang nước ngoài chữa bệnh đã chi khoảng 2 tỉ USD để điều trị. Một con số đáng suy ngẫm.
Không phủ nhận là những năm gần đây, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh đã có nhiều thay đổi, chuyển biến trong dịch vụ và chuyên môn nghiệp vụ. Tuy nhiên, trên thực tế, những người dân có điều kiện khá giả vẫn có tâm lý là sang nước ngoài chữa bệnh cho “yên tâm”.
Lý do được Bộ trưởng đưa ra là bởi hầu hết các cơ sở y tế mới chỉ tập trung vào chữa bệnh mà chưa có đủ điều kiện chăm sóc toàn diện người bệnh, lợi thế của y dược cổ truyền chưa phát huy tốt.
Trước thực trạng này, về phương hướng giải quyết, thông tin trên Tuổi trẻ, bộ Y tế đang đặt mục tiêu thay đổi về phân bổ ngân sách và đầu tư để giữ chân những người bệnh giàu có ở lại điều trị trong nước, đồng thời thu hút nửa triệu người nước ngoài làm việc tại Việt Nam sử dụng dịch vụ y tế tại Việt Nam, thay vì di chuyển sang các nước trong khu vực hoặc về nước.
“Cụ thể là cần nhắm vào những người nước ngoài công tác và du lịch tại Việt Nam, làm sao họ thấy được chúng ta có kỹ thuật tốt, máy móc hiện đại và hạn chế nhiều người ra nước ngoài chữa bệnh. Để làm được như vậy phải công tác truyền thông, quảng bá phải thật tốt” - Bộ trưởng trả lời trên Pháp luật plus.
Thêm nữa, cần giải quyết bất cập tồn tại lâu nay trong phân bổ và sử dụng ngân sách y tế. Theo đó, tuyến T.Ư và tỉnh chăm sóc y tế cho 30% người bệnh nhưng sử dụng tới 70% chi phí thuốc men, tuyến huyện và xã chăm sóc 70% nhưng chỉ nhận được 30%.
Về dịch vụ- mấu chốt của vấn đề khiến bệnh nhân ra nước ngoài chữa bệnh, chính bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cũng từng nhận xét dịch vụ của bệnh viện Việt Nam thua kém nhiều so với nước ngoài.
Chia sẻ trên Zing, bác sĩ Sơn thẳng thắn nhận định, do bệnh viện tuyến trên của ta quá tải, bệnh nhân phải chờ lâu, thái độ của nhân viên y tế, vấn đề về dinh dưỡng, hỗ trợ tâm lý trong điều trị cũng kém hơn nước ngoài rất nhiều. Vì vậy, những gia đình có điều kiện ra nước ngoài chữa bệnh cũng là điều dễ hiểu.
Tuy không phải là khía cạnh quyết định về y tế nhưng những vấn đề này lại đóng vai trò vô cùng quan trọng để giúp bệnh nhân và người nhà thoải mái, có thể theo được suốt quá trình điều trị.
Cũng về vấn đề này, bà Trude Bennett, Giáo sư về sức khỏe cộng đồng đại học North Carolina, người thường xuyên về Việt Nam dạy học và tham gia các dự án cộng đồng cho biết, căn nguyên nằm ở hai từ “niềm tin”.
“Tôi nghĩ nguyên nhân nhiều người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh nằm ở niềm tin. Họ tin tưởng các bệnh viện tư ở Thái Lan và Singapore. Những đất nước này luôn quảng bá các dịch vụ y tế cao cấp, tiện lợi, với những bác sĩ được đào tạo tại các cơ sở tốt nhất ở phương Tây. Dù vậy, tôi nghĩ những điều đó chỉ làm bệnh nhân cảm thấy được chăm sóc tốt hơn", bà nói.
Năm 2018, ngành y tế nước ta ghi nhận đã tiếp nhận và chữa trị cho gần 300.000 người là Việt kiều, người bệnh ở các quốc gia lân cận như Campuchia, Lào, người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam đến khám bệnh. Đó là điểm sáng rất đáng ghi nhận, tuy nhiên dựa và tình hình thực tế, ngành Y tế còn nhiều điều cần làm để phát triển du lịch y tế, như bố trí khu khám chữa bệnh riêng cho khách du lịch y tế, có lực lượng y bác sĩ có thể giao tiếp bằng tiếng Anh, và cần có cả giá cả, phương thức thanh toán phù hợp.
Đình Văn (Tổng hợp)