Năm 2018, thương vụ thoái vốn nào kỳ vọng sẽ thành "bom tấn"?

Năm 2018, thương vụ thoái vốn nào kỳ vọng sẽ thành "bom tấn"?

Nguyễn Hoàng Yến

Nguyễn Hoàng Yến

Thứ 4, 03/01/2018 07:26

Năm 2017 khép lại với tỷ lệ thoái vốn khiêm tốn, chỉ 10/135 doanh nghiệp thoái vốn thành công, song lại được đánh giá cao về chất lượng, đáng chú ý nhất là thương vụ Vinamilk và Sabeco. Sang năm 2018, thị trường tiếp tục đón nhận nhiều thương vụ thoái vốn lớn khác...

Lọc dầu Dung Quất, PV Oil và PV Power

Tiếp đà thăng hoa của thị trường chứng khoán trong năm 2017, thị trường đầu năm 2018 sẽ đón đợi những đợt IPO có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Trong đó, 3 ông lớn trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ IPO trong tháng 1/2017.

Cụ thể, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) dự kiến IPO Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vào ngày 17/1/2018, tiếp đến là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) IPO vào ngày 25/1 và Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) sẽ diễn ra cuối cùng ngày 31/1/2018.

Tổng giá trị chào bán của 3 DN trên ước tính 13.000 tỷ đồng nếu theo giá khởi điểm.

Đầu tư - Năm 2018, thương vụ thoái vốn nào kỳ vọng sẽ thành 'bom tấn'?

"Ông lớn" PV Oil sẽ IPO vào ngày 25/1/2018.

Đối với Lọc dầu Dung Quất, theo phương án cổ phần hóa được Chính phủ phê duyệt, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ nắm giữ 1,3 tỷ cổ phần, chiếm 43% vốn điều lệ của BSR.

Số lượng cổ phần ưu đãi bán cho người lao động trong doanh nghiệp là 6 triệu cổ phần, chiếm 0,21%.

Sẽ có 241,5 triệu cổ phần được bán đấu giá công khai, chiếm 7,79% vốn điều lệ.

Trong khi đó 1,51 tỷ cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 49% vốn điều lệ của BSR.

PV OIL cũng bán 20% vốn, tương đương 206,8 triệu cổ phần trong đợt IPO với mức giá 13.400 đồng/cp. PV Power cũng bán 20% vốn trên tổng số 2,34 tỷ cổ phần ra công chúng với giá khởi điểm 14.400 tỷ đồng.

EVNGENCO3

Tập đoàn Điện lực Việt Nam dự kiến sẽ chào bán công khai cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) vào đầu tháng 2/2018 với giá khởi điểm là 24.600 đồng/cổ phần.

Cụ thể, vốn điều lệ của EVNGENCO3 được phê duyệt là 20.809 tỷ đồng. Trong đó, cổ phần của EVN nắm giữ là 1.061.300.000 cổ phần, tương đương 51% vốn điều lệ. EVN sẽ duy trì tỷ lệ nắm giữ 51% vốn điều lệ này đến hết năm 2019.

Trong số 49% vốn điều lệ được bán ra ngoài, cổ phần ưu đãi bán cho người lao động trong EVNGENCO3 là 3.424.100 cổ phần, tương đương 0,1645% vốn điều lệ.

Cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 749.124.000 cổ phần, tương đương 36% vốn điều lệ.

Cổ phần bán đấu giá công khai (IPO) là 267.051.900 cổ phần, tương đương 12,8355% vốn điều lệ.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (ACV)

Nổi bật nhất về diễn biến giá cổ phiếu trong nhóm thoái vốn của bộ Công Thương phải nói đến Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (ACV). Cổ phiếu ACV đã tăng bền bỉ từ giá 50.000 đồng lên 90.000 đồng ở thời điểm hiện tại.

Bộ Công Thương có kế hoạch bán 20% vốn của ACV trong năm 2018, ngoài ra doanh nghiệp còn có kế hoạch chuyển sàn từ UPCoM lên HOSE.

Đầu tư - Năm 2018, thương vụ thoái vốn nào kỳ vọng sẽ thành 'bom tấn'? (Hình 2).

ACV sẽ chuyển từ sàn UPCoM lên HOSE năm nay.

Nếu xét từ khi lên sàn UPCoM vào tháng 11/2016 đến nay, cổ phiếu ACV đã tăng gấp gần 3,5 lần, từ mức giá khởi điểm 25.000 đồng/cổ phiếu. Giá trị phần vốn Nhà nước đã tăng tới 127.733 tỷ đồng (trên 5,6 tỷ USD), từ 51.923 tỷ đồng lên 179.656 tỷ đồng.

Thông tin từ công ty Chứng khoán HSC cho biết, ACV đã trình bộ Giao thông Vận Tải phương án bán đấu giá 20% cổ phần, tương đương 435.434.647 cổ phiếu vào quý III/2018. Tính theo giá hiện tại, lượng cổ phiếu này trị giá tới 37.665 tỷ đồng.

Vinatex

Tháng 1/2017, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) chính thức lên sàn UPCoM với kỳ vọng sẽ thành công khi ngay trong phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu VGT của tập đoàn này đã tăng từ 13.500 đồng/cổ phiếu lên 15.780 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, trải qua hơn 1 năm trên sàn, cổ phiếu Vinatex nay chỉ còn 11.400 đồng/cổ phiếu (thời điểm chốt phiên giao dịch ngày 14/12), thanh khoản hàng ngày rất èo uột

Năm 2018, theo kiến nghị của Vinatex, Nhà nước sẽ thoái toàn bộ 53,48% vốn khỏi Vinatex, biến tập đoàn nhà nước từng có thời lừng lẫy này trở thành tập đoàn tư nhân.

Viglacera

Một trong những cổ phiếu “hot” nằm trong danh mục thoái vốn của bộ Xây dựng là Viglacera (VGC). Bộ có kế hoạch bán 20,6% vốn tại đây.

Trước khi bộ Xây dựng thoái vốn thì VinaCapital cũng đã bán cổ phần và không còn là cổ đông lớn của Viglacera, nhưng thay vào đó là sự xuất hiện của DragonCapital khi chi 1.000 tỷ đồng để mua cổ phiếu VGC trong phiên đấu giá vào cuối tháng 5/2017.

Lilama

Một doanh nghiệp khác của bộ Xây dựng cũng nằm trong danh sách thoái vốn đình đám năm 2018 là Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama). Bộ Xây dựng dự tính thoái toàn bộ vốn khỏi Lilama theo 2 đợt: năm 2018 là 46,88% và năm 2019 là 51%.

Hiện lĩnh vực kinh doanh chính của Lilama là Tổng thầu EPC và là nhà thầu xây lắp. Lĩnh vực này chiếm trên 80% cơ cấu sản lượng và doanh thu toàn tổng công ty.

Một số dự án nhiệt điện, lọc dầu, xi măng mà Lilama làm tổng thầu có thể kể đến như: Dự án nhiệt điện Vũng Áng 1, Uông Bí mở rộng 1, Cà Mau 1 và 2, Nhơn Trạch 1 và 2, Xi măng Sông Thao và nhà thầu xây lắp các nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn...

Vinapharm

“Biểu tượng” của ngành Dược – Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm) – dự kiến sẽ bán 35% vốn điều lệ thuộc sở hữu Nhà nước trong năm 2017. Tuy nhiên, sắp hết năm, lộ trình này vẫn chưa được thực hiện.

Như vậy, hoàn toàn có khả năng năm 2018, bộ Y tế sẽ thoái toàn bộ 65% cổ phần, nghĩa là cộng cả phần vốn phải thoái năm 2017 nhưng chưa thoái được và phần vốn phải thoái năm 2018.

Sau bộ Y tế, 2 cổ đông lớn của Vinapharm là Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (sở hữu 17%) và Công ty Cổ phần SAM Holdings (sở hữu 4,98%).

Ngoài việc là “ông lớn” trong ngành dược, sức hấp dẫn của Vinapharm còn đến từ lượng đất đai mà Tổng công ty này đang thuê sử dụng, lên đến 9.869 m2 đất, trong đó gồm: 3.280 m2 đất tại số 95 Láng Hạ, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội; 2.670 m2 đất tại 60B Nguyễn Huy Tường, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân; 1.864 m2 (lô 1) và hơn 128 m2 (lô 2) đất cùng tại 12 Ngô Tất Tố, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội; 1.236 m2 tại 178 Điện Biên Phủ, phường 6, quận 3, TP.HCM và 692 m2 đất tại 126A Trần Quốc Thảo, phường 7, quận 3, TP.HCM.

Hanel

Hanel là cái tên đáng chú ý trong danh mục thoái vốn Nhà nước năm 2017. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ lên đến 1.926 tỷ đồng và từng là chủ sở hữu của Khách sạn Daewoo Hà Nội.

Mặc dù đã bán khách sạn Daewoo nhưng sức hấp dẫn của Hanel – như nhiều doanh nghiệp Nhà nước khác là nằm ở quỹ đất. Theo phương án cổ phần hóa, công ty này vẫn được tiếp tục quản lý, sử dụng các cơ sở nhà, đất quy định, trong đó có mảnh đất diện tích 120.000 m2 tại Khu công nghiệp Sài Đồng B, quận Long Biên, thành phố Hà Nội nằm dưới quyền quản lý và sử dụng của Công ty TNHH Đèn hình Orion – Hanel. Theo lộ trình, Hanel sẽ bán 29% vốn Nhà nước trong năm 2018.

VnSteel

Giữa Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel) và Vinatex có hai điểm chung: thanh khoản trên sàn của cả 2 doanh nghiệp này đều èo uột và cả 2 đều trở thành doanh nghiệp tư nhân nếu bán thành công phần vốn Nhà nước năm 2018.

Cụ thể, Nhà nước sẽ tiến hành bán 57,92% vốn tại VnSteel trong năm 2018 và dự tính sẽ bán nốt 36% vốn vào năm 2020.

Hiện mỗi cổ phiếu TVN của VnSteel chỉ có giá 7.500 đồng, dù vậy, giá trị vốn hóa của tổng công ty này vẫn lên đến 5.085 tỷ đồng.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.