Công thức tính lương công chức, viên chức năm 2020
Theo Nghị định 204, mức lương của cán bộ, công chức và viên chức đều được tính theo công thức:
Mức lương = Lương cơ sở x Hệ số lương
Hiện mức lương cơ sở đang là 1,49 triệu đồng/tháng theo Nghị quyết 70/2018/QH14. Đến năm 2020, mức lương sẽ tăng thêm 110.000 đồng/tháng với số tiền là 1,6 triệu đồng/tháng.
Mỗi ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức được xếp lương với các bậc khác nhau. Khi trúng tuyển, công chức, viên chức sẽ có lương khởi điểm được xếp ở bậc 1.
Mức lương khởi điểm của công chức, viên chức năm 2020
Như đề cập ở trên, công chức có lương khởi điểm ở bậc 1. Do đó, tương ứng với mức lương cơ sở, mức lương khởi điểm của một số ngạch công chức năm 2020 như sau:
- Kế toán viên sơ cấp (ngạch C3): Hệ số lương bậc 1 là 1,35
Mức lương khởi điểm từ nay đến 30/6/2020: 1,49 triệu đồng đồng x 1,35 = 2,0115 triệu đồng/tháng
Mức lương khởi điểm từ 1/7/2020: 1,6 triệu đồng x 1,35 = 2,160 triệu đồng/tháng.
- Chuyên viên, thanh tra viên (ngạch A1): Hệ số lương bậc 1 là 2,34
Mức lương khởi điểm từ nay đến 30/6/2020: 1,49 triệu đồng x 2,34 = 3,486 triệu đồng/tháng.
Mức lương khởi điểm từ 1/7/2020: 1,6 triệu đồng x 2,34 = 3,744 triệu đồng/tháng.
- Nhân viên hải quan (ngạch C1): Hệ số lương 1,65
Mức lương khởi điểm từ nay đến 30/6/2020: 1,49 triệu đồng x 1,65 = 2,293 triệu đồng/tháng
Mức lương khởi điểm từ 1/7/2020: 1,6 triệu đồng x 1,65 = 2,458 triệu đồng/tháng.
Trên đây là thông tin về mức lương khởi điểm của công chức mới nhất hiện nay. Trong thời gian tập sự, công chức được hưởng 85% lương. Lưu ý thêm, đây chỉ là mức lương, ngoài ra công chức còn được hưởng một số khoản phụ cấp tùy vào vị trí công việc.
Tương tự như công chức, các chức danh nghề nghiệp viên chức được xếp 12 bậc lương. Trong đó, mức lương khởi điểm ở mức lương ở bậc 1.
Cụ thể ở một số chức danh như sau:
- Giáo viên mầm non, Y sĩ (loại B): Hệ số lương 1,86
Mức lương khởi điểm từ nay đến 30/6/2020: 1,49 triệu đồng x 1,86 = 2,7714 triệu đồng/tháng
Mức lương khởi điểm từ 1/7/2020: 1,6 triệu đồng x 1,65 = 2,976 triệu đồng/tháng.
- Giáo viên trung học, Kỹ sư (loại A1): Hệ số lương 2,34
Mức lương khởi điểm từ nay đến 30/6/2020: 1,49 triệu đồng x 2,34 = 3,486 triệu đồng/tháng.
Mức lương khởi điểm từ 1/7/2020: 1,6 triệu đồng x 2,34 = 3,744 triệu đồng/tháng.
Sau bao lâu công chức được nâng bậc lương?
Theo quy định hiện hành tại Thông tư 08/2013/TT-BNV, thời gian giữ bậc để xét nâng bậc lương thường xuyên đối với cán bộ, công chức, viên chức được quy định như sau:
Đối với chức danh chuyên gia cao cấp: Sau 5 năm (đủ 60 tháng) giữ bậc lương trong bảng lương chuyên gia cao cấp nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong bảng lương chuyên gia cao cấp.
Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên: Sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh.
Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống và nhân viên thừa hành, phục vụ: Sau 2 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh.
Cũng theo quy định tại Thông tư này, những trường hợp sau đây sẽ được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên:
- Thời gian nghỉ làm việc được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về lao động
- Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội
- Thời gian nghỉ ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hưởng bảo hiểm xã hội cộng dồn từ 6 tháng trở xuống (trong thời gian giữ bậc) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội
- Thời gian được cấp có thẩm quyền quyết định cử đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước, ở nước ngoài (bao gồm cả thời gian đi theo chế độ phu nhân, phu quân theo quy định của Chính phủ) nhưng vẫn trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.
Còn những thời gian không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên gồm:
- Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương
- Thời gian đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước và ở nước ngoài vượt quá thời hạn do cơ quan có thẩm quyền quyết định
- Thời gian bị đình chỉ công tác, bị tạm giữ, tạm giam và các loại thời gian không làm việc khác ngoài những trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên nêu trên.
Lưu ý, tổng các loại thời gian không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên (nếu có) được tính tròn tháng, nếu có thời gian lẻ không tròn tháng thì được tính như sau: Dưới 11 ngày làm việc (không bao gồm các ngày nghỉ hằng tuần và ngày nghỉ làm việc được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về lao động) thì không tính; từ 11 ngày làm việc trở lên tính bằng 1 tháng.
Ngoài yêu cầu về thời gian giữ bậc lương, theo khoản 2 Điều 2 của Thông tư 08/2013/TT-BNV, cán bộ, công chức, viên chức còn phải đáp ứng một số tiêu chuẩn khác mới được nâng bậc lương thường xuyên.
Cụ thể:
- Với cán bộ, công chức:
+ Được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực trở lên
+ Không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức
- Đối với viên chức và người lao động:
+ Được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên
+ Không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức
Các trường hợp được nâng bậc lương trước thời hạn
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh và tính đến ngày 31/12 của năm xét nâng bậc lương trước thời hạn còn thiếu từ 12 tháng trở xuống để được nâng bậc lương thường xuyên thì được xét nâng một bậc lương trước thời hạn tối đa là 12 tháng so với thời gian quy định nâng bậc lương thường xuyên, nếu có đủ các điều kiện sau:
- Phải đạt đủ 2 tiêu chuẩn xét nâng bậc lương thường xuyên: Đối với cán bộ, công chức phải được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực trở lên; không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức; đối với viên chức và người lao động phải được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên; không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức.
- Đã lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận bằng văn bản.
Không thực hiện hai lần liên tiếp nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ trong cùng ngạch hoặc cùng chức danh.
Thành tích để xét nâng bậc lương trước thời hạn được xác định theo thời điểm ban hành quyết định công nhận thành tích đạt được trong khoảng thời gian 6 năm gần nhất đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên và 4 năm gần nhất đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống tính đến ngày 31/12 của năm xét nâng bậc lương trước thời hạn.
Riêng đối với trường hợp đã được nâng bậc lương trước thời hạn thì tất cả các thành tích đạt được trước ngày có quyết định nâng bậc lương trước thời hạn trong khoảng thời gian (6 năm và 4 năm) quy định tại Điểm này không được tính để xét nâng bậc lương trước thời hạn cho lần sau.
Việc xét nâng bậc lương trước thời hạn được căn cứ vào thành tích cao nhất đạt được của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; nếu thành tích cao nhất bằng nhau thì xét đến các thành tích khác; trường hợp có nhiều người có thành tích như nhau thì thực hiện ưu tiên theo quy chế nâng bậc lương trước thời hạn của cơ quan, đơn vị.
Tiêu chuẩn, cấp độ về lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ và thời gian được nâng bậc lương trước thời hạn tương ứng với từng cấp độ thành tích khác nhau của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động do người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trao đổi với Cấp ủy và Ban Chấp hành công đoàn cùng cấp quy định cụ thể trong Quy chế nâng bậc lương trước thời hạn của cơ quan, đơn vị. Căn cứ vào quy định này, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc diện được xét nâng bậc lương trước thời hạn hằng năm do tập thể bình chọn, nhưng mỗi năm không quá 10% tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.
Số lần được nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ: Không thực hiện 02 lần liên tiếp nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ trong cùng ngạch hoặc cùng chức danh.
Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ trong một năm không quá 10% tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị. Danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị được xác định theo quyết định của cấp có thẩm quyền giao biên chế (đối với cán bộ, công chức) hoặc phê duyệt số lượng người làm việc (đối với viên chức và người lao động) tính đến ngày 31 tháng 12 của năm xét nâng bậc lương trước thời hạn.
Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã có thông báo nghỉ hưu, nếu trong thời gian giữ bậc đạt đủ 2 tiêu chuẩn quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư này, chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh và kể từ ngày có thông báo nghỉ hưu đến trước ngày nghỉ hưu còn thiếu từ 12 tháng trở xuống để được nâng bậc lương thường xuyên theo quy định thì được nâng một bậc lương trước thời hạn 12 tháng so với thời gian quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 2 Thông tư này.
Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vừa thuộc đối tượng được xét nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, vừa thuộc đối tượng được xét nâng bậc lương trước thời hạn khi có thông báo nghỉ hưu, thì cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được chọn một trong hai chế độ nâng bậc lương trước thời hạn.
Sẽ có thêm ngạch công chức mới từ 7/2020
Ngạch công chức và việc bổ nhiệm vào ngạch công chức là một trong những nội dung mới được bổ sung tại Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức sửa đổi.
Theo khoản 4 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức hiện nay, ngạch là tên gọi thể hiện thứ bậc về năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức.
Theo điều 42 Luật Cán bộ,Công chức, ngạch công chức gồm: Chuyên viên cao cấp và tương đương, chuyên viên chính và tương đương, chuyên viên và tương đương, cán sự và tương đương, nhân viên.
Công chức chỉ gồm các đối tượng là công dân Việt Nam , được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm, trong biên chế, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trong: Cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; Trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; Trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an…
Tuy nhiên, khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức 2019 có hiệu lực sẽ bổ sung thêm 1 ngạch nữa là: Ngạch khác theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, bắt đầu từ 1/7/2020, khi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 chính thức có hiệu lực thì công chức sẽ có thêm ngạch mới theo quy định của Chính phủ và sẽ có tổng cộng 6 ngạch công chức.
Đồng thời, Luật mới cũng thu hẹp các đối tượng công chức với việc không còn quy định người được tuyển dụng, bổ nhiệm làm lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập là công chức.
Hoàng Mai