Câu hỏi cấp bách nhất là phải làm gì với các biện pháp tài chính và tiền tệ bất thường được các cơ quan công quyền triển khai để chống lại tác động kinh tế - xã hội của đại dịch ở châu Âu.
Bất kỳ quyết định nào để giữ, loại bỏ hoặc sửa đổi hỗn hợp chính sách đều phải được thực hiện trong bối cảnh một lục địa vẫn đang cố gắng phục hồi hoàn toàn. Sự xuất hiện của biến thể mới Omicron có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Đối với các nhà hoạch định chính sách tiền tệ, điều quan trọng là phải hiểu liệu tác động của biến thể mới đối với nền kinh tế sẽ làm tăng hay giảm áp lực lạm phát.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cảnh báo rằng, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu có thể ăn sâu hơn do hậu quả của Omicron. Biến thể này có thể trì hoãn sự phục hồi, làm dấy lên lo ngại rằng ngay cả một số nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng có thể đang bước vào giai đoạn lạm phát kèm suy thoái (stagflation).
Sự bùng nổ của lạm phát
Ủy ban Châu Âu (EC) đã điều chỉnh tăng dự báo lạm phát cho năm 2022, từ dưới 2% lên 2,2%. Đó vẫn chưa phải là những mức có thể khiến Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) phải “mất ăn, mất ngủ”.
Tuy nhiên, thực tế là một số quốc gia, chẳng hạn như Đức, đang có lạm phát cao hơn nhiều, làm phức tạp bức tranh toàn cảnh. Việc lạm phát cao hơn được khi nhận ở các quốc gia riêng lẻ khiến ECB khó khăn hơn trong việc truyền đạt chính sách chung.
Tình hình càng bết bát hơn với một mối lo khác: Đến cuối năm 2022, các quốc gia thành viên EU phải quyết định xem phải làm gì với Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng, một khuôn khổ quy tắc tài khóa đã bị đình chỉ đến năm 2023 để cho phép chi tiêu thêm hàng tỷ Euro để giảm thiểu "suy thoái kinh tế nghiêm trọng" do đại dịch Covid-19.
Hỗ trợ tài khóa, cả từ EU thông qua Quỹ Phục hồi, cũng như từ các chính phủ quốc gia, đã đóng vai trò quan trọng trong việc tránh những hậu quả nặng nề hơn cho các nền kinh tế châu Âu. Riêng tại khu vực đồng Euro (Eurozone), tỉ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP của các chính phủ đã tăng từ 0,5% vào năm 2019 lên 6,9% vào năm 2020.
Tại Ý, thâm hụt ngân sách năm 2021 dự kiến vẫn ở mức gần 10%. Năm 2022, Chính phủ Ý dự kiến thâm hụt ngân sách ở mức 5,6%. Tuy nhiên, những dự báo đó phụ thuộc hoàn toàn vào mức tăng trưởng được dự kiến vẫn vững mạnh.
Và GDP của Ý được dự báo đạt mức trước Covid-19 trong quý II/2022. Quan trọng hơn, tỉ lệ nợ trên GDP dự kiến sẽ đạt mức trước Covid-19, vốn đã rất cao, vào năm 2030.
Số phận của Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng
Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng là một chính sách tài khóa nhằm mục đích giúp các nước thành viên EU duy trì giới hạn về thâm hụt ngân sách của chính phủ (3% GDP) và nợ công (60% GDP).
Rõ ràng là tình hình thực tế không cho phép áp dụng một cách nghiêm ngặt các quy tắc của Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng. Điều đó đúng với không chỉ nước Ý mà là đại bộ phận các nước thành viên EU.
Đó là lý do tại sao nhiều quốc gia thành viên EU và các cơ quan lớn của EC coi như hiệp ước đã “chết” hoặc chỉ còn “thoi thóp” và cần phải thay đổi.
Nếu đúng như vậy, EU có một năm để quyết định bước đi tiếp theo.
Đã không còn nhiều thời gian vì giờ đã là gần hết năm 2021. Kể cả trong trường hợp nhiều người mong đợi rằng EC sẽ đưa ra đề xuất về cách thay đổi các quy tắc trong quý I/2022, tất cả đều sẽ phải chạy đua với thời gian.
Cuộc thảo luận diễn biến như thế nào cũng sẽ tác động đến chính sách tiền tệ.
Nguyên nhân đầu tiên là vì ECB đã hấp thụ phần lớn khoản nợ do các chính phủ quốc gia trong khu vực đồng Euro phát hành để tài trợ cho các chính sách phản ứng với Covid-19.
Một phần của khoản nợ đó sẽ phải được tái cấp vốn trong tương lai không xa, bất chấp những nỗ lực phát hành chứng khoán có kỳ hạn dài hơn.
Bất kỳ động thái nào nhằm thắt chặt các điều kiện tài chính sẽ làm tăng chi phí trả nợ.
Điều quan trọng là, việc hỗ trợ phục hồi sẽ trở nên thách thức hơn nhiều nếu cả hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ đều giảm đáng kể, và đặc biệt nếu điều đó diễn ra đồng bộ.
Với sự thay đổi về vị trí lãnh đạo chính phủ các quốc gia lớn ở châu Âu đã và sắp diễn ra, bao gồm Đức, Pháp và Ý, năm 2022 thực sự sẽ mang lại nhiều thách thức cho lục địa già.
Chính phủ mới của Đức
Dù thế nào chăng nữa, nền chính trị Đức vẫn đóng một vai trò quan trọng ở châu Âu.
Cách thức Chính phủ mới của Đức tự định vị mình sẽ là chìa khóa để xác định mức độ tham vọng của những thay đổi có thể xảy ra đối với Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng.
Trong thỏa thuận liên minh của mình, 3 đảng trong liên minh cầm quyền, gồm Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz, Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do (FDP), đã quyết định không chạm vào “phanh” nợ công (một sửa đổi ngân sách cân bằng được sử dụng bởi Chính phủ Liên bang Đức). Biện pháp này sẽ được giới thiệu lại theo kế hoạch ban đầu vào năm 2023.
Đồng thời, họ đang cố gắng dành cho mình một số chỗ trống cho các nhu cầu tài trợ công phát sinh từ quá trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi số với chi tiêu ngoài bảng cân đối, ví dụ như thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) thuộc sở hữu chính phủ.
Bên cạnh đó, 3 đảng nhấn mạnh rằng, Quỹ Phục hồi của EU nên tiếp tục được coi là biện pháp một lần, không phải là sự khởi đầu của cơ sở tài chính vĩnh viễn của EU.
Mặc dù có một số sắc thái, nhưng vẫn chưa có nhiều điều gợi ý rằng Chính phủ đương nhiệm cần chấm dứt ngay lập tức các chính sách tài khóa châu Âu thận trọng của Chính phủ tiền nhiệm do cựu Thủ tướng Angela Merkel lãnh đạo.
Kết quả của một cách tiếp cận quá thận trọng có thể là một tin xấu đối với ECB, vì Ngân hàng Trung ương châu Âu được kỳ vọng sẽ bù đắp cho sự thiếu tham vọng của các chính phủ.
Chính phủ Pháp và Ý chắc chắn sẽ cố gắng thuyết phục Chính phủ Đức “can đảm” hơn.
Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ có 2-3 tháng trong năm tới để đạt được tiến bộ trên mặt trận châu Âu trước khi chiến dịch tái tranh cử của ông chính thức khởi động, khiến ông phân tâm khỏi các nhiệm vụ khác.
Hơn nữa, Pháp sẽ đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu vào học kỳ đầu tiên của năm 2022. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là, vẫn chưa rõ liệu Tổng thống Macron có tái đắc cử vào mùa xuân tới hay không.
Điều gì đang chờ đợi Thủ tướng Ý?
Ý có những ràng buộc khác nhau. Kể từ khi Mario Draghi trở thành Thủ tướng, Chính phủ Ý đã trở nên liên kết chặt chẽ với Chính phủ Pháp, đặc biệt là về các vấn đề tài chính.
Hai bên thậm chí đã ký một hiệp ước hữu nghị song phương khá giống với Hiệp ước Pháp-Đức Élysée năm 1963.
Thủ tướng Draghi có thể sẽ cố gắng thúc đẩy Tổng thống Macron phải thể hiện sự kiềm chế hơn, ít nhất là trong học kỳ đầu tiên của năm tới.
Tuy nhiên, không rõ liệu Chính phủ của Thủ tướng Draghi có còn nhiều động lực để làm điều đó hay không. Duy trì kết quả tích cực của năm 2021 sẽ khó khăn hơn vào năm 2022.
Thời gian sẽ cho câu trả lời rõ ràng liệu con đường tăng trưởng của Ý có thể tiếp tục, và liệu nỗ lực cải cách đất nước mà Thủ tướng Draghi đang thực hiện có tiếp tục nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ các đảng chính trị hiện chiếm đa số.
Thủ tướng Draghi có thể chọn hoặc sớm bị buộc phải chấp nhận một vai trò ít hoạt động hơn, đó là Tổng thống Ý. Với vai trò mới này, ông sẽ khó có thể tiếp tục là người định hình các chính sách.
Tất cả những điều kể trên nói lên rằng, bất chấp những tiến bộ gần đây trên mặt trận kinh tế, đối với châu Âu vào năm 2022, rủi ro dường như vẫn trực chờ. Quản lý sự phục hồi để sao cho nó duy trì được đà và trở nên bền vững sẽ là nhiệm vụ khó khăn trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bất kể có sự xuất hiện của biến thể mới như Omicron hay không.
Minh Đức (Theo Brink News, Euractive)