Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu than các loại của Việt Nam đạt hơn 4,8 triệu tấn, tương đương gần 630 triệu USD trong tháng 12/2023, giảm 3,2% về lượng và giảm 8,6% về trị giá so với tháng trước đó.
Lũy kế cả năm 2023, nhập khẩu than các loại đạt hơn 51,1 triệu tấn, trị giá hơn 7,1 tỷ USD, tăng mạnh 61,4% về lượng, tăng 0,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
Cụ thể, giá nhập khẩu bình quân ghi nhận giảm mạnh 37,6% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 140,2 USD/tấn.
Xu hướng chuyển đổi dòng chảy cung cấp than từ châu Âu sang châu Á đã bùng nổ trong năm 2023, sau khi châu Âu dừng mua hàng vì các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ và kéo theo sản lượng nhập khẩu tăng vọt.
Thông tin trên báo Đầu Tư, xét về thị trường, Australia là nhà cung cấp than lớn nhất của Việt Nam trong năm 2023 với 19,8 triệu tấn, đạt trị giá hơn 3,28 tỷ USD, tăng 17,6% về lượng nhưng giảm 23,1% về giá so với cùng kỳ. Đứng sau lần lượt là Indonesia và Nga.
Đáng chú ý, Việt Nam đang tăng mạnh nhập khẩu từ Indonesia với giá rẻ nhất trong tất cả các thị trường.
Cụ thể, trong tháng 12/2023, nhập khẩu than từ quốc gia Đông Nam Á đạt hơn 1,9 triệu tấn với trị giá hơn 179,4 triệu USD, tăng 106,4% so với tháng 12/2022.
Lũy kế 12 tháng, Việt Nam chi gần 2,1 tỷ USD để nhập khẩu 19,2 triệu tấn than từ Indonesia, tăng 49,5% về sản lượng và tăng 8,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Thị trường này chiếm tỷ trọng 37,6% về lượng và 28,8% về kim ngạch. Giá nhập khẩu bình quân đạt 111 USD/tấn, giảm 27,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Việt Nam ngày càng phụ thuộc lớn vào nguồn cung than nhập khẩu, chủ yếu phục vụ các nhà máy nhiệt điện, sản xuất xi măng, phân bón..
Đặc biệt, về tổng thể chi ngoại tệ nhâp khẩu nhiên liệu, năm qua, mức chi lên tới 24,2 tỷ USD, với 75 triệu tấn, gồm than, xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, số liệu thống kê ghi nhận.
Trong đó, lượng nhập khẩu của than các loại là 51,16 triệu tấn, tăng 61,4% dầu thô là 11,19 triệu tấn, tăng 9,7%,; xăng dầu các loại là 10,05 triệu tấn tăng 13,3%; khí đốt hóa lỏng là 2,52 triệu tấn, tăng 27,9%.
Lượng nhập khẩu nhiên liệu vào Việt Nam trong năm 2023 chủ yếu từ các quốc gia, gồm: Australia đạt 19,9 triệu tấn, tăng 17,6%; Indonesia 19,35 triệu tấn, tăng 86,3%, Nga đạt 4,37 triệu tấn, tăng 93% so với năm 2022.
Theo Công Thương xu hướng chuyển đổi dòng chảy cung cấp than từ châu Âu sang châu Á đã bùng nổ trong năm 2023, sau khi châu Âu dừng mua hàng vì các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ và kéo theo sản lượng nhập khẩu tăng vọt.
Trúc Chi (t/h)