Năm 2024 đã chứng kiến những siêu bão "mạnh chưa từng thấy" trên khắp thế giới
Năm 2024 đã chứng kiến những siêu bão lịch sử trên khắp thế giới và dự báo sẽ có cơn bão mới trong tuần tới. Theo trang Bão trên Tây Bắc Thái Bình Dương, từ châu Mỹ đến châu Á, từ khu vực Đại Tây Dương đến ổ bão Tây Bắc Thái Bình Dương trong năm 2024 đã chứng kiến những siêu bão "quái vật", càn quét và gây ra những thiệt hại vô cùng lớn ở một loạt quốc gia.
Dự báo một khu vực có luồng không khí xoáy dự kiến sẽ hình thành trên Trung Mỹ vào tuần tới. "Từ vùng áp thấp lớn, xoáy chậm này, một khu vực mưa rào và giông bão rõ rệt hơn có thể hình thành, từ đó, một áp thấp nhiệt đới hoặc bão nhiệt đới có thể phát triển", chuyên gia về bão Alex DaSilva của AccuWeather cho biết.
Nổi bật là siêu bão Helene và siêu bão Milton đều là những siêu bão có cường độ mạnh bậc nhất thế giới trong năm 2024 tính đến thời điểm hiện tại, càn quét bang Florida (Mỹ).
Trước đó, John Morales, một nhà khí tượng học của WTVJ tại Miami, gần như đã bật khóc vào ngày 7/10 khi ông thông báo áp suất khí quyển của cơn bão đã giảm 50 milibar trong 10 giờ. "Điều này thật kinh hoàng", ông John Morales nói.
Áp suất không khí giảm thường là dấu hiệu cho thấy cơn bão đang mạnh lên và vào ngày 7/10, áp suất trung tâm của Milton đã đạt mức thấp gần kỷ lục.
"Cơn bão này đang tiến gần đến giới hạn toán học về những gì khí quyển Trái Đất phía trên vùng đại dương này có thể tạo ra", Noah Bergren, nhà khí tượng tại Florida, nhận định.
Một cơn bão hình thành từ nhiều biến số. Ở Milton, các biến số này kết hợp với nhau tạo thành "ác mộng".
Siêu bão Beryl là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong tháng 7 ghi nhận tại khu vực Đại Tây Dương với sức gió ở thời điểm cực đại (ngày 2/7) lên đến 270 km/h, giật 320 km/h, càn quét một loại các quốc gia, quốc đảo tại khu vực Caribe, khu vực Mexico trước khi đi vào bang Texas (Mỹ) vào ngày 8/7.
Bão cuồng phong Shanshan là một trong những cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ vào Nhật Bản trong 50 năm qua, cường độ ở thời điểm cực đại có lúc mạnh đến 215 km/h, giật 260 km/h.
Siêu bão Yagi (bão số 3 trên Biển Đông) từ một cơn bão đạt cấp 8 khi vào Biển Đông, sau 48h đã bùng nổ thành siêu bão với sức gió cấp 16, giật trên cấp 17 (260 km/h, giật 315 km/h), chính thức trở thành cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông.
Những cơn bão, siêu bão từ đầu năm 2024 đến nay đều có chung đặc điểm là tăng cấp rất nhanh trong thời gian ngắn.
Theo báo Lao Động, mùa bão Đại Tây Dương năm 2024 vẫn còn hơn 7 tuần nữa mới kết thúc, thường diễn ra từ ngày 1/6 đến ngày 30/11. Cho đến nay trong mùa này đã có 13 cơn bão được đặt tên. Những cơn bão tiếp theo hình thành sẽ được đặt tên là Nadine và Oscar.
Sau khoảng 5 tuần tương đối yên tĩnh, mùa bão 2024 - đặc biệt là với sự xuất hiện của siêu bão Helene và siêu bão Milton - đã trở thành một mùa bão trên mức trung bình, theo nhà khí tượng học Phil Klotzbach của Đại học Bang Colorado.
Nhận định bão mạnh trên cấp 17 sẽ gia tăng trong tương lai
Theo chuyên gia khí tượng, nhiệt độ bề mặt đại dương ấm lên khiến lượng hơi nước trong khí quyển gia tăng, điều này tạo điều kiện cho các cơn bão mạnh lên về cường độ và trong tương lai những cơn bão có cường độ mạnh trên cấp 17 sẽ gia tăng.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này với báo Tuổi Trẻ, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết như vậy khi trao đổi với báo chí về những nguyên nhân vì sao năm nay xuất hiện nhiều siêu bão.
Cũng theo vị chuyên gia thời tiết này, thời gian qua có nhiều bão mạnh (siêu bão) trên thế giới như Geami, Yagi, Krathon hay Helence, Milton… là do tác động của một số yếu tố khí hậu và môi trường.
Đầu tiên là hiện tượng ENSO, năm 2024 là năm chuyển pha El Nino sang Lania, quá trình chuyển pha nhanh nên đốt nóng và mất cân bằng nhiệt ẩm đại dương đang diễn ra mạnh mẽ, góp phần làm tăng nguồn cung cấp năng lượng cho sự hình thành và phát triển của các cơn bão nhiệt đới.
Thứ hai là biến đổi khí hậu, sự nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt độ của cả đại dương và khí quyển.
Khi nước biển ấm lên sẽ cung cấp nhiều hơi nước và năng lượng hơn cho các hệ thống thời tiết, dẫn đến việc hình thành nhiều bão mạnh hơn và cường độ của các cơn bão này cũng tăng lên.
"Chúng ta đã chứng kiến sự bất thường về nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 8 tháng đầu năm nay cao hơn 0,7 độ C so với mức trung bình giai đoạn 1991-2020.
Nhiều khả năng năm 2024 sẽ là năm ấm nhất được ghi nhận và khi nhiệt độ tăng lên thì các cơn bão mạnh cũng gia tăng", ông Khiêm nhận định.
Theo ông Khiêm, báo cáo đánh giá biến đổi khí hậu lần thứ 6 của Ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) nhận định trong tương lai, số lượng các cơn bão mạnh tăng, chẳng hạn như loại bão ở ngưỡng CAT 4-5 (tốc độ gió lớn hơn 200km/h), tức là những cơn bão có cường độ mạnh trên cấp 17 sẽ gia tăng.
Cũng theo ông Khiêm, một số nghiên cứu công bố mới đây tại Mỹ cho thấy hiện tượng nóng lên toàn cầu là nguyên nhân khiến các cơn bão nhiệt đới xảy ra với cường độ mạnh hơn và tần suất nhiều hơn.
Theo nghiên cứu này, nhiệt độ bề mặt đại dương ấm lên khiến lượng hơi nước trong khí quyển gia tăng, khiến các cơn bão mạnh lên về cường độ. Ngoài ra, với mức tăng nhiệt độ toàn cầu 1 độ C hiện nay đã khiến sức tàn phá của bão tăng trung bình khoảng 40%. Trong khi đó, hiện tượng "tăng nhanh cường độ", cũng đang trở nên phổ biến hơn.
"Một số nghiên cứu gần đây cũng nhắc đến khả năng biến đổi khí hậu làm giảm độ đứt gió thẳng đứng - những thay đổi về tốc độ và hướng gió theo độ cao - dọc bờ biển Đại Tây Dương của Bắc Mỹ và bờ biển Thái Bình Dương của châu Á. Độ đứt gió thẳng đứng mạnh có thể ngăn cản cơn bão phát triển mạnh và giảm sức tàn phá của bão, tuy nhiên do biến đổi khí hậu đã làm giảm yếu tố này.
Đặc biệt nguyên nhân đến từ sự thay đổi trong các hoàn lưu và sự phân bổ lại khí áp có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành bão và duy trì cường độ của chúng trong thời gian dài hơn.
Ngoài ra, sự chênh lệch nhiệt độ mặt đất với bề mặt nước cũng khiến độ ẩm tăng cao dọc khu vực bờ biển, dẫn đến áp suất và lưu thông gió đẩy độ ẩm vào tầng bình lưu giữa, tạo điều kiện để bão phát triển", ông Khiêm thông tin thêm.
Dự báo từ nay đến hết năm, bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm 4,5 cơn).
Trong đó, số cơn bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền có thể cao hơn so với trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm 1,9 cơn), tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam.
Trúc Chi (t/h)