Mới đây, cơ quan giám sát khí hậu châu Âu khẳng định, năm 2024 chắc chắn là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đồng thời là lần đầu tiên thế giới vượt qua "lằn ranh đỏ" trong nỗ lực bảo vệ hành tinh khỏi tình trạng quá nóng đến mức nguy hiểm.
Đáng chú ý trong báo cáo, nắng nóng bất thường chưa từng có đã đẩy nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng cao trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11 năm nay, phá vỡ các kỷ lục nhiệt độ trước đó, bao gồm cả năm 2023. Thực trạng này đã làm nổi bật những thách thức nghiêm trọng mà cả các quốc gia giàu và nghèo phải đối mặt, khi thiên tai do biến đổi khí hậu, bắt nguồn từ các hoạt động của con người, liên tục xảy ra.
Các nhà khoa học cảnh báo, năm 2025 có thể bắt đầu với nhiệt độ toàn cầu ở mức gần kỷ lục và xu hướng này dự kiến kéo dài trong những tháng tới. Đáng lo ngại, khí thải từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch vẫn gia tăng, bất chấp những cam kết toàn cầu nhằm giảm thiểu than đá, dầu mỏ và khí đốt, để đưa thế giới về mức phát thải thấp hơn.
Theo nhận định của các nhà khoa học, giai đoạn mà chúng ta đang trải qua hiện nay có khả năng là giai đoạn ấm nhất của hành tinh trong 125.000 năm qua.

Thời tiết khắc nghiệt đã xảy ra trên khắp thế giới vào năm 2024.
Năm ngoái là năm nóng nhất trong lịch sử do biến đổi khí hậu, kết hợp với tác động của hiện tượng El Nino. Các nhà khoa học dự đoán năm 2024 cũng sẽ lập kỷ lục hàng năm mới.
Tính đến tháng 11/2024, nhiệt độ trung bình toàn cầu của năm nay cao hơn 0,14 độ C (32 độ F) so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhận định về nắng nóng thời gian qua, Jennifer Francis, nhà khoa học về khí hậu tại Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Woodwell ở Cape Cod, người không tham gia vào báo cáo, cho biết câu chuyện khí hậu về tháng 11 "giống như năm 2023, nhiệt độ trong tháng này đã vượt xa các tháng 11 trong những năm trước đó".
Báo cáo cũng ghi nhận đây là những con số thống kê cho thấy, có thể năm nay là năm dương lịch đầu tiên mà nhiệt độ trung bình cao hơn 1,5 độ C (2,7 độ F) so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu năm 2015 đã nêu rõ hạn chế tình trạng nóng lên của Trái Đất ở mức dưới 2 độ C và lý tưởng nhất là dưới 1,5.
Điều đáng nói, thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng đến toàn thế giới vào năm 2024, bao gồm: hạn hán nghiêm trọng ở Italia và Nam Mỹ; lũ lụt gây thương vong ở Nepal, Sudan và châu Âu; đợt nắng nóng ở Mexico, Mali và Saudi Arabia khiến hàng nghìn người thiệt mạng và các trận siêu bão thảm khốc xảy ra ở Mỹ và Philippines cũng như một số nước khác.
Trúc Chi (t/h theo Tổ Quốc, VTV)