Sáng 17/4, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức họp báo giới thiệu kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam cập nhật năm 2012 và kế hoạch quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2020, giải đáp về lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu.
Kịch bản này được chia theo ba cấp độ, tính đến cuối thế kỷ 21. Đối với kịch bản phát thải thấp, nhiệt độ trung bình năm của Việt Nam sẽ tăng 1,6 đến 2,2 độ C, mực nước biển sẽ dâng 49 đến 64 cm. Đối với kịch bản phát thải trung bình, nhiệt độ sẽ tăng 2-3 độ C, mực nước biển dâng 57 đến 73 cm.
Đối với kịch bản phát thải cao, nhiệt độ trung bình tăng 2,5 đến 3,7 độ C và mực nước biển dâng 78 đến 95 cm, khu vực Cà mau – Kiên Giang, mực nước biến có thể dâng tối đa đến 105 cm.
Họp báo do Viện Khí tượng và Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì (Ảnh: Nhân dân)
Về nguy cơ ngập, theo tính toán, đến năm 2100, mực nước biển sẽ dâng thêm một mét. Sẽ có khoảng 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, hơn 10% diện tích đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh, hơn 2,5% diện tích thuộc các tỉnh ven biển miền trung và hơn 20% diện tích TP Hồ Chí Minh có nguy cơ bị ngập.
Gần 35% dân số thuộc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; hơn 9% dân số đồng bằng sông Hồng, Quảng Ninh; gần 9% dân số các tỉnh ven biển miền Trung và khoảng 7% dân số TP Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng trực tiếp.
Hơn 4% hệ thống đường sắt, 9% hệ thống quốc lộ và 12% hệ thống tỉnh lộ Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng các đại biểu chưa khẳng định mực nước biển dâng sẽ làm ngập 1 số tỉnh thành, mà còn phụ thuộc vào mức độ ô nhiễm nặng hay nhẹ.
Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam cập nhật 2012 được Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, công bố, chuyển giao tài liệu cho các địa phương để xây dựng kế hoạch hành động nhằm mục đích chủ động tiến hành đồng thời các hoạt động thích ứng, giảm nhẹ những tác động của biến đổi khí hậu.
P.Sang