Liên quan đến vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn TS.Trần Việt Thái, Phó viện trưởng viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, học viện Ngoại giao Việt Nam.
Ông đánh giá như thế nào về tình hình quốc tế năm 2017 và đặc biệt là việc Việt Nam tổ chức thành công APEC?
Năm 2017 là một năm kinh tế, chính trị của cả thế giới và Việt Nam đều biến động. Với châu Á- Thái Bình Dương, đây vẫn là khu vực phát triển năng động, đầu tàu của kinh tế thế giới và cũng là nơi các nước lớn vừa hợp tác, vừa đầu tư đan xen. Ở châu Á xuất hiện những thách thức mới ngày càng nghiêm trọng.
Thứ nhất là thách thức trên bán đảo Triều Tiên. Thứ hai là vấn đề biển đảo, mâu thuẫn giữa các điểm nóng vẫn còn âm ỉ, phức tạp, chưa thể xử lý ngay. Thứ ba là sự thắng thế của xu hướng thúc đẩy tự do hoá thương mại đầu tư.
Trong năm 2017 chứng kiến sự cọ xát rất mạnh, sự đấu tranh giữa hai xu hướng, một bên là sự thúc đẩy tự do hoá thương mại đầu tư, thúc đẩy hội nhập, với một bên là xu hướng chống toàn cầu hoá, xu hướng bảo hộ.
Tại APEC, cho thấy xu hướng thúc đẩy tự do hoá thương mại đầu tư, liên kết, hội nhập thắng thế. Trong bối cảnh đó, đối ngoại Việt Nam đã giành nhiều thành tựu. Theo tôi, đối ngoại Việt Nam trong năm qua có thể tóm gọn trong mấy chữ: Chủ động, tích cực, năng động, sáng tạo, tạo thành tựu lớn và có tiếng vang.
Về ngoại giao nước lớn, Việt Nam đã xử lý rất tốt. Việt Nam đã rất tích cực, chủ động tiếp cận với các nước lớn và đã xử lý thành công quan hệ với các nước lớn cả ở kênh song phương và đa phương.
Lãnh đạo các nước Mỹ, Trung Quốc, Nga đều đến Việt Nam dự APEC. Đây là điều đáng nể. Có lãnh đạo các nước không những đến Đà Nẵng dự APEC mà còn đến Hà Nội để có chuyến thăm chính thức nước ta.
Về vấn đề xử lý ngoại giao đa phương, đặc biệt là qua APEC vừa rồi có thể thấy rõ ngoại giao nước ta đã thành công, tạo được tiếng vang. Nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, bối cảnh cọ xát giữa các nước lớn như Mỹ-Trung rất quyết liệt.
Bên cạnh đó các nền kinh tế thành viên của APEC khác biệt nhau rất nhiều về mặt lợi ích, quan điểm, đường lối. Chúng ta xử lý được và đạt được kết quả cao như ra được tuyên bố chung của Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC 2017 và Tuyên bố Đà Nẵng của lãnh đạo cấp cao APEC.
Năm qua chúng ta cũng xử lý tốt quan hệ với các nước láng giềng, đặc biệt là quan hệ với Lào, Campuchia. Quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng được thắt chặt.
Với những thành công như vậy, trong năm nay ngoại giao Việt Nam đã góp phần bảo vệ và củng cố vững chắc môi trường hoà bình và ổn định của Việt Nam, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Việt Nam cũng tranh thủ được nhiều nguồn lực phục vụ cho việc phát triển đất nước. Đặc biệt là qua APEC, rất nhiều doanh nghiệp lớn hàng đầu thế giới vào Việt Nam, ký được nhiều thoả thuận hợp tác phục vụ tốt cho phát triển kinh tế, xã hội, phát triển các địa phương.
Đồng thời với đó là nâng cao vị thế uy tín của Việt Nam, đặc biệt trong quan hệ với các nước lớn, diễn đàn song phương và đa phương ở trong khu vực và các nơi trên thế giới.
Việc tổ chức thành công APEC góp phần thúc đẩy, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ra sao thưa ông?
Việt Nam đã tạo được tiếng vang, đặc biệt là ở tuyên bố chung của hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao, kinh tế. Việc các Bộ trưởng có tuyên bố ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, chống chủ nghĩa bảo hộ dưới mọi hình thức. Việc ra được tuyên bố chung là mức cao nhất, điều mà có lúc tưởng chừng đã không suôn sẻ.
Dấu ấn Việt Nam, vai trò Việt Nam được thể hiện rất tốt tại APEC. Một mình Việt Nam không thể hoàn thành tốt như vậy được, nhưng Việt Nam đã nhận diện đúng xu hướng thời đại, thúc đẩy xu hướng chủ đạo là xu hướng tự do hoá thương mại, đầu tư nên Việt Nam đã thành công.
Bên cạnh đó, theo ông Việt Nam đã thúc đẩy quan hệ song phương với các nước trên thế giới ra sao tại APEC?
Ngay từ đầu năm Thủ tướng Nhật đã thăm Việt Nam bởi e ngại dịp APEC sẽ có rất đông các nước nên họ chủ động đi trước. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng thăm Việt Nam tháng 3. Nhật hoàng cũng thăm Việt Nam sau đó. Những chuyến thăm này cho thấy các nước đánh giá Việt Nam rất quan trọng.
Ngay trước APEC Tổng thống Chile Michelle Bachelet có chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam, sau APEC có ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình thăm chính thức Việt Nam. Các nước đều thấy Việt Nam là một nhân tố quan trọng. Do vậy, việc chúng ta mong muốn củng cố quan hệ với họ là một chiều, ngược lại các nước cũng muốn củng cố quan hệ với Việt Nam.
Mức độ hợp tác giữa hai nước được củng cố hơn, lòng tin củng cố hơn, khuôn khổ quan hệ hợp tác ngày càng mở rộng, đôi bên cùng có lợi, giao lưu tăng cường tốt hơn. Tất cả điều đó là minh chứng cho thấy trong năm APEC này, Việt Nam đã tranh thủ để củng cố quan hệ song phương.
Với Nga, việc ông Putin tham dự tuần lễ cấp cao APEC đã là thành công của Việt Nam. Ông Putin rất ít khi đi dự hội nghị như thế này. Rõ ràng Nga ở đây có sự song trùng, Việt Nam là đối tác quan trọng ở Đông Nam Á và Nga đang có chính sách hướng Đông và năm 2017 là cơ hội để cả hai bên gặp nhau trong lợi ích chiến lược.
Việc ông Putin dự APEC không chỉ góp phần củng cố quan hệ song phương, mà còn tạo cơ hội hai bên trò chuyện, trao đổi, thúc đẩy mối quan hệ cá nhân giúp cho việc thúc đẩy quan hệ của Nga với các nước trong khu vực thuận lợi.
Ông có thể phân tích những thay đổi và tác động đến châu Á sau chính sách Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ và chính sách hướng Đông của Nga, đặc biệt sau khi hai nhà lãnh đạo các nước này đến Việt Nam, thưa ông?
Cả Mỹ và Nga đều có chính sách tăng cường quan hệ với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, vì lợi ích các nước. Sau APEC, chiến lược này càng rõ. Chính ông Trump chọn Đà Nẵng để công bố chiến lược này, Ấn Độ-Thái Bình Dương mở rộng cho thấy tầm quan trọng của Đà Nẵng, cho thấy nhận thức của họ về tầm quan trọng của Việt Nam với APEC, cũng như của Đà Nẵng chiến lược Ấn Độ- Thái Bình Dương tự do và mở rộng.
Trung Quốc cũng tuyên bố rõ ràng họ thúc đẩy quan hệ đa phương, thúc đẩy chiến lược vành đai con đường, thúc đẩy xây dựng quan hệ kiểu mới, xây dựng cộng đồng chung... Tất cả điều đó cho thấy, ngay sau đại hội 19 và ngay sau APEC, chiều hướng của Trung Quốc với khu vực ngày một rõ hơn.
Bản thân ông Putin cũng thế, ngay sau khi ông Putin dự APEC, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đến Philippines tham dự Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của các nước Đông Nam Á đối với chiến lược của các nước lớn.
Qua đó khẳng định, các nước này đang ngày càng chủ động tích cực tăng cường tham dự với khu vực này ngày một sâu sắc hơn bằng những hình thức khác nhau. Mỗi nước có lợi ích, có cách xử lý khác nhau, nên chúng ta cần hiểu biết để từ đó có ứng xử phù hợp.
Trong chiến lược an ninh quốc gia mới được Mỹ công bố, có xuất hiện cụm từ Ấn Độ-Thái Bình Dương, đặc biệt đây là khu vực được đặt lên trước cả châu Âu, Trung Đông trong mối quan hệ với Mỹ. Ông nhận định gì về vấn đề này?
Châu Á-Thái Bình Dương hay châu Âu, Trung Đông đều quan trọng với Mỹ. Tuy nhiên, ở những thời điểm nhất định, vị trí của các khu vực này trong chính sách của Mỹ khác nhau do tùy ưu tiên của từng chính quyền.
Riêng chính quyền của ông Trump thì châu Á hiện nay còn được gắn cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Gắn Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương tức là Biển Đông nằm ở vị thế kết nối cả hai đại dương này.
Châu Á hiện là khu vực đầu tàu kinh tế thế giới, đang phát triển ngày càng năng động và Mỹ có lợi ích lớn ở khu vực này, có đồng minh, đối tác ở đây. Qua chiến lược an ninh quốc gia mà Mỹ vừa công bố, rõ ràng Mỹ xác định Nga và Trung Quốc là đối thủ chính của Mỹ ở khu vực.
Do vậy nhận thức về tầm quan trọng của khu vực này ngày càng tăng. Cạnh tranh giữa các nước lớn cũng khác nhau. Các nước vừa và nhỏ cần ứng xử khôn khéo hơn, cẩn trọng hơn.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!