Trong khuôn khổ Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024, Hội thảo doanh nghiệp và thế hệ trẻ trước làn sóng AI, bán dẫn đã diễn ra chiều 1/10.
Phải quyết tâm nắm bắt cơ hội, dù là nhỏ nhất
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định Việt Nam, đang ở trong thời điểm hết sức quan trọng với sự phấn đấu cao nhất để vượt khó khăn thách thức hướng đến mục tiêu 2021-2025 và chuẩn bị tâm thế để bước vào giai đoạn 5 năm còn lại trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Trong đó, Đại hội XIII đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Theo ông Dũng, không phải Việt Nam không có cơ hội hay nguồn lực, điều quan trọng là các bước đi và quyết tâm để nắm bắt cơ hội dù là nhỏ nhất, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng các ngành công nghiệp mới nổi, trong đó có ngành bán dẫn và AI.
"Để chuẩn bị tâm thế cho cột mốc kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, chuẩn bị cho kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, mỗi người đều phải suy nghĩ xem làm thế nào để xây dựng đất nước thịnh vượng, tiến cùng các nước, thậm chí vượt lên ở một số lĩnh vực", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Hiện nay, các quốc gia đều đang tập trung cạnh tranh để vươn lên và tham gia chuỗi giá trị này. Việt Nam cũng xác định dựa vào công nghệ, trí tuệ nhân tạo. Với nền chính trị ổn định, quyết tâm chính trị rất lớn tập trung vào các ngành được coi là đột phá chiến lược để đạt được mục tiêu cùng quy mô dân số không nhỏ, đứng thứ 13 thế giới, Việt Nam đã và đang hội tụ điều kiện cần thiết để tham gia ngành công nghiệp bán dẫn.
"Việc trong giai đoạn dân số vàng với lực lượng trẻ dồi dào, thông minh, giỏi toán, phù hợp với ngành nghề mới này là một lợi thế. Tuy nhiên, Việt Nam cũng được đánh giá là nước có tốc độ già hóa nhanh. Vì vậy, rủi ro nếu không tận dụng tốt cơ hội trước khi bước sang giai đoạn già hóa dân số, cũng chính là tình cảnh "chưa giàu đã già"", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030 và mới đây phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050".
Chương trình đưa ra mục tiêu chung là đến năm 2030, Việt Nam đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có chất lượng, tập trung vào công đoạn thiết kế vi mạch bán dẫn, đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn; từng bước nắm bắt công nghệ trong công đoạn sản xuất bán dẫn.
Trong đó đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây là cơ sở hết sức quan trọng. Việc ưu tiên lựa chọn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc tiến cùng và vượt lên các quốc gia khác trên thế giới.
"Đề án là đột phá của đột phá, then chốt của then chốt, cần được thực hiện càng sớm càng nhanh, càng tốt và cần sự chung tay của nhiều trường học, viện nghiên cứu cùng các ngành địa phương để đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn", Bộ trưởng nói và kỳ vọng, số lượng nhân sự đào tạo có thể nhiều hơn số này, không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn đáp ứng nhu cầu nhân lực nước ngoài.
Cũng theo Bộ trưởng, Chính phủ sẽ sớm ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, dự kiến sẽ có cuộc cải cách mạnh mẽ sắp tới.
Cụ thể, theo Dự thảo, đối với doanh nghiệp bán dẫn và AI nằm trong các khu công nghiệp chế xuất sẽ không cần xin chấp thuận đầu tư mà chỉ cần đăng ký đầu tư. Như vậy, chỉ trong vòng 15 ngày, nhà đầu tư đã nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và sau đó có thể triển khai được ngay dự án. Cùng đó, các thủ tục có thể được rút bớt, tránh trùng lặp các công việc mà khu công nghiệp đã hoàn tất.
Từ đây, Bộ trưởng nhắn nhủ các doanh nghiệp yên tâm và hãy tin tưởng vào Việt Nam, tin tưởng vào sự cam kết đồng hành lâu dài của Chính phủ.
Meta muốn hỗ trợ Việt Nam thành quốc gia dẫn đầu về phát triển AI
Bên lề sự kiện Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 sáng 1/10, ông Nick Clegg - Chủ tịch phụ trách Đối ngoại toàn cầu của Meta đã có buổi gặp gỡ báo chí để chia sẻ một số thông tin về hoạt động của Tập đoàn Meta tại Việt Nam thời gian tới.
Theo đó, từ năm 2025, Meta sẽ mở rộng sản xuất thiết bị Thực tế ảo hỗn hợp Quest 3S tại Việt Nam. Quyết định này nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong hệ sinh thái sản xuất của Meta. Kế hoạch mở rộng dự kiến tạo ra tới 1.000 việc làm và đóng góp hàng triệu USD cho nền kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh đó, Meta sẽ sớm triển khai thử nghiệm Meta AI bằng tiếng Việt, cho phép các công cụ AI của Meta có thể tiếp cận người dùng bằng ngôn ngữ địa phương. AI dành cho doanh nghiệp trên Messenger đã được thử nghiệm tại Việt Nam từ tháng 6/2024 và sẽ chính thức ra mắt vào cuối năm nay.
Ông Nick Clegg cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên được Meta tiên phong triển khai, trước cả một số quốc gia châu Âu.
Những sáng kiến này là một phần của cam kết của Meta, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và nhà phát triển Việt Nam khai thác tiềm năng của AI và sử dụng công nghệ này để phát triển và đổi mới.
Meta cũng hiện thực hóa cam kết của mình, thông qua việc hợp tác với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc Gia Hà Nội) đào tạo về AI dành cho sinh viên, dự kiến triển khai vào tháng 3/2025. Chương trình này sẽ nâng cao kỹ năng cho các giáo viên và sinh viên trong việc sử dụng sản phẩm và trải nghiệm AI một cách an toàn và có trách nhiệm.
Thông qua hợp tác với các tổ chức và nhân tài trong nước, Meta mong muốn hỗ trợ Việt Nam trở thành một quốc gia dẫn đầu về phát triển AI cả trong khu vực và trên toàn thế giới.
Ông Nick Clegg đánh giá, Việt Nam là quốc gia đang đi đầu trong khu vực về kinh tế số. "Các bạn có đủ cả 3 yếu tố quan trọng: dân số trẻ, nền tảng giáo dục tốt, sử dụng hiệu quả công cụ số trong đời sống hàng ngày và kinh doanh", ông nói.
Tái khẳng định cam kết hỗ trợ Việt Nam củng cố vị thế dẫn đầu về kinh tế số, đóng góp cho sự thịnh vượng của kinh tế đất nước và tạo động lực cho các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ trong thời đại kỹ thuật số, ông Nick Cleggkhẳng định, Meta rất tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam.
Ông Nick Clegg cũng kiến nghị Chính phủ duy trì tính nhất quán, dễ hiểu, dễ thực hiện, đảm bảo theo chuẩn mực quốc tế trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực kỹ thuật số.