Sáng tạo thì không thể nói "cố lên" là cố được
Khái niệm "sáng tạo" dường như khá vĩ mô. Bạn có thể mô tả những công việc cụ thể của bạn khi ở vị trí giám đốc sáng tạo?
Khái niệm sáng tạo rất rộng, nhưng nó thể hiện chính xác về tính chất công việc này, đó là "không có giới hạn". Với những dự án phim tôi đã thực hiện với vai trò là giám đốc sáng tạo. Trước tiên tôi là "tác giả" của bộ phim đó, tức là tôi sẽ lên toàn bộ ý tưởng bộ phim, nội dung thế nào, nhân vật ra sao… Sau đó, tôi làm việc trực tiếp với các biên kịch, biên tập để cho ra các kịch bản chi tiết. Tôi cũng chịu trách nhiệm khâu casting diễn viên, vì tôi nghĩ không ai hiểu rõ nhân vật của mình hơn người viết ra nó.
Ngoài ra, tôi phụ trách luôn khâu xây dựng hình ảnh cho phim, từ thiết kế logo, đồ họa, làm việc với stylist để tạo dựng hình tượng nhân vật, với nhạc sỹ để sáng tác nhạc phim và với báo chí về mảng PR… Tôi cũng giám sát các công việc ở hiện trường (tiền kỳ) cũng như ở studio (hậu kỳ), chỉnh sửa từng khung hình, từng hiệu ứng âm thanh để cuối cùng ra một tập phim hoàn chỉnh trên truyền hình.
Chân dung giám đốc sáng tạo trẻ Nam cito
Đây có thể được coi là một trong những nghề mới mẻ và thu hút nhiều người trẻ năng động thử sức. Là một người trẻ có kinh nghiệm bạn thấy công việc này có những thuận lợi, khó khăn gì?
Thoạt nhìn mọi người có thể lầm tưởng công việc này rất nhẹ nhàng, thoải mái, vừa làm vừa chơi… nhưng sự thật công việc tiêu tốn chất xám là công việc nặng nhọc nhất, bởi đầu óc sẽ luôn phải hoạt động không nghỉ. Sau mỗi đợt quay tôi lại phải đi đâu đó thật xa, nghỉ ngơi, xả stress… sau đó mới có sức để quay lại tiếp tục công việc. Ngoài ra tôi nghĩ đây là công việc mang tính đào thải cao. Một khi bạn ngừng sáng tạo đồng nghĩa với bạn hết "giá trị sử dụng" và ngay lập tức sẽ có những người khác thay thế. Bạn biết điều đó nhưng bạn không thể làm gì khác được bởi "sáng tạo" không thể nói "cố lên" là cố được.
Nhiều bạn trẻ cho rằng đây là một nghề chỉ cần đầu óc sáng tạo, nhiệt huyết… mà không cần đến sự đầu tư về vật chất cũng như tiền bạc nên rất hào hứng. Theo bạn, quan niệm này có đúng không?
Chất xám cũng là sức lao động và nó không phải là vô hạn. Khi bạn làm việc tới một mức nào đó, đầu óc bạn sẽ ỳ ra, bạn sẽ chẳng nghĩ được gì cả. Đó là lúc bạn cần đầu tư cho nghỉ ngơi. Ngoài ra, một điều quan trọng hơn, đó là sự sáng tạo không phải tự nhiên mà có, bạn phải sáng tạo dựa trên tư duy, vốn sống, những trải nghiệm… của mình. Bởi vậy, bạn cần đầu tư thời gian, công sức, và cả tiền bạc để xem, để đọc, để nghe, để đi… thật nhiều, tích luỹ thật nhiều vốn sống cho mình, từ đó sự sáng tạo mới có cơ sở để hình thành.
Để sáng tạo chấp nhận được phải có giới hạn
Bạn khởi đầu công việc mới mẻ này như thế nào?
Ngay từ nhỏ tôi đã được tiếp xúc với một lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo cao, đó là hội hoạ. Sinh ra trong một gia đình có nhiều người theo nghệ thuật nên tôi càng có cơ hội để xem, để nghe, và phát huy trí tưởng tượng của mình. Khi lên đại học, tôi hay tổ chức các chương trình dạ hội cho trường, viết kịch bản và đạo diễn các vở kịch cho khoa… Tôi nhớ vở kịch đầu tiên tôi làm là Lọ Lem 2000, diễn bằng tiếng Anh và đoạt được giải Nhất. Do trùng với lịch thi học kỳ nên lịch tập của chúng tôi thường bắt đầu từ 10h đêm, và mỗi buổi tập diễn ra trong tình trạng ai tập cứ tập, ai học bài cứ học bài, ai ngủ cứ ngủ. Rồi có bạn không theo được xin nghỉ nên "đạo diễn" cũng phải xông vào đóng vai chính luôn (cười). Với bộ phim "Tiệm bánh Hoàng tử bé", tôi lại có cơ hội làm một tập phim mang tên Lọ Lem 2013. Tuy đã hơn chục năm nhưng cảm xúc khi làm nội dung này vẫn đầy háo hức.
Phim sit-com vẫn là một lĩnh vực mới ở Việt Nam. Với bối cảnh ở Việt Nam bạn sẽ khai thác những yếu tố nào để làm cho phim trở nên mới mẻ nhưng vẫn có sự gần gũi với người Việt?
Sit-com chỉ là một thể loại phim thôi, quan trọng vẫn là nội dung phim. Tôi làm phim cho người Việt xem nên chủ yếu chú trọng tới nội dung câu chuyện và bối cảnh cho phù hợp. Ví dụ trong phim Những phóng viên vui nhộn, có tập phim Chuyện tương lai, trong đó các nhân vật tưởng tượng tương lai mình sẽ làm gì. Tôi đã chọn những hình ảnh hay những nghề nghiệp rất đặc trưng của VN như: Đạp xích lô, bán quần áo xe đẩy, chủ tiệm phở, làm thầy lang bốc thuốc…
Nhiều người quan niệm người "sáng tạo" thì sẽ bay bổng, lãng mạn và có phần phi thực tế, còn bạn thì sao?
Theo tôi cũng có phần đúng. Sáng tạo là vô giới hạn, nhưng những gì được chấp nhận là có giới hạn. Sáng tạo có giá trị là sáng tạo có ích cho cuộc sống và gắn liền với cuộc sống. Rất tiếc có khá nhiều người làm sáng tạo không hiểu được điều này. Họ cứ nghĩ ra những ý tưởng trên mây, quá sức phi lý, và không khả thi và tự nhủ mình quá sáng tạo tới mức không ai hiểu được. Tôi đã từng nhận được khá nhiều ý tưởng kịch bản hết sức buồn cười, và nếu coi đó là sáng tạo thì chắc phải… 100 năm nữa chúng ta mới dùng tới nó (cười).
Trên thực tế chuyên ngành sáng tạo chưa thực sự được đào tạo chuyên nghiệp ở Việt Nam mà hầu hết chỉ là một phần trong một môn học nào đó ở trường lớp. Theo bạn, đứng trước những hạn chế ấy người theo đuổi ngành nghề này phải làm thế nào?
Tôi có thể khẳng định lại, chẳng ai dạy bạn sáng tạo được ngoài chính bản thân bạn. "Bản thân" ở đây được hiểu là năng khiếu bẩm sinh cộng với sự tích luỹ vốn sống qua năm tháng. Bạn có thể hiểu đơn giản, nếu ai đó khái quát lại được sáng tạo là gì để dạy bạn, thì đó không còn gọi là sáng tạo nữa. Ngay cả khi tôi được học sáng tạo ở trường, thì đó đơn thuần cũng chỉ là những đề bài thực hành mà giảng viên đưa ra để test (thử) khả năng của chúng tôi, chứ hầu như không có lý thuyết. Lý thuyết có chăng chỉ là những tổng kết từ các thành công và thất bại của những người làm sáng tạo trước đó thôi. Và bạn hoàn toàn có thể đọc được khi tra cứu trên mạng.
Tuệ Linh (thực hiện)