Nam Định: Độc đáo phong tục xin 'lửa thánh' đầu năm cầu may

Nam Định: Độc đáo phong tục xin 'lửa thánh' đầu năm cầu may

Thứ 2, 13/03/2017 11:11

Năm nào cũng vậy, cứ vào đêm giao thừa, trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người dân làng nghề sơn mài xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định lại hô hào nhau ra đình xin “lửa thánh”.

Phong tục xin lửa thánh vào đêm 30 tết của người dân xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định là một phong tục truyền thống có từ rất lâu đời, bên cạnh việc mong muốn một năm mới an khang thịnh vượng, gia đình được ấm no, hạnh phúc đó còn là một phong tục để tưởng nhớ đến người đã có công lao “khai thiên lập địa”, mở mang bờ cõi đất nước.

Theo lời các cụ cao niên trong làng kể lại, tập tục xin lửa thánh có từ thời vua Đinh Tiên Hoàng khi vua Đinh kéo quân từ Hoa Lư về tập trận tại thôn Cát Đằng. Người dân vì quá khâm phục vua Đinh Tiên Hoàng nên đã tôn vua lên làm thánh và thờ tại đình của làng. Kể từ đó cứ vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới người dân lại tổ chức lễ xin lửa thánh để tưởng nhớ đến vị vua đáng kính cũng như mong muốn bước sang một năm mới ấm no, hạnh phúc.

Từ chiều cuối năm, những thanh niên trong làng lại dành thời gian để chuẩn bị cho mình những cây đuốc sẵn sàng đợi đến thời khắc đi xin lửa thánh.

Văn hoá - Nam Định: Độc đáo phong tục xin 'lửa thánh' đầu năm cầu may

 người dân xin "lửa thánh" đêm giao thừa để cầu may mắn, sự no ấm

 Cây đuốc được dùng để đi xin lửa thành được làm từ những khúc tre to, dài và chắc chắn. Ở đầu mỗi cây đuốc được buộc vải và tẩm dầu hoả. Trong thời khắc chuẩn bị giao thừa, một số thanh niên, trai tráng khiêng một chiếc kiệu hoa rước tế chủ ra đình làng. Người tế chủ là một vị cao niên trong làng, phải qua tuyển chọn, gia đình tế chủ phải còn đầy đủ tất cả mọi người sống khoẻ mạnh, hạnh phúc, không vi phạm pháp luật.

 Sau khi Tế chủ mở của đình xong bắt đầu diễn ra lễ rước nước. Cả làng trịnh trọng làm lễ, khiêng kiệu ra xông Đằng xin nước sau đó rước nước về để lên một nơi trang nghiêm đã quy định sẵn trên bàn thờ. Kết thúc lễ rước nước, tất cả mọi người cùng nhau đợi thời khắc giao thừa. Khi chuông đồng hồ điểm đúng 0h vị Tế chủ trịnh trọng xin lửa từ trên bàn thờ Thánh đưa qua một khe ở bên mé tường đã chuẩn bị từ trước châm vào vạt dầu ở bên ngoài sân đình và bắt đầu mở đầu cho lễ xin “lửa Thánh”.

Khi lửa vừa bùng lên, tất cả mọi người chĩa đầu cây đuốc vào để tranh lấy lửa sau đó giơ cao ngọn đuốc hò hét rồi toả về khắp các ngõ xóm. Trên các nẻo đường ai cũng thi nhau chạy thật nhanh để mong sao là người đầu tiên về nhà bởi người dân quan niệm nếu về nhà đầu tiên thì cả năm đó gia đình sẽ gặp nhiều may mắn và làm ăn phát đạt.

Lửa thánh xin được người dân dùng để thắp hương, thắp nến, nhóm bếp và khua khắp nhà với mong muốn xua đi những gì không được may mắn trong năm cũ cùng với đó là mong muốn sự ấm áp, ấm no, hạnh phúc trong năm mới.

Với ý nghĩa vô cùng to lớn đó của “lửa thánh”, người dân xã Yên Tiến luôn giữ lửa sáng trong nhà suốt 3 ngày Tết. Kết thúc buổi lễ xin lửa thánh đó, người được suy tôn làm Tế chủ sẽ có trách nhiệm làm Tế chủ cả một năm đó mỗi khi đình làng có công việc.

Thay bằng những tiếng pháo nổ đùng đoàng là những tiếng lửa tý tách, những ngọn lửa Thánh sáng rực cả vùng trời, len lỏi vào tất cả những ngõ xóm, xoá đi cái không gian tĩnh mịch của đêm tối, gợi lên bao ước mơ, hoài bão, cuộc sống ấm no, năm mới an khang thịnh vượng của người dân xã Yên Tiến.

Việt Linh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.