> Giải thưởng lớn cho cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh
Theo một số người dân, kênh thoát nước này trước kia là một nhánh dòng chảy nhỏ của sông Hồng, nguồn nước được sử dụng để cung cấp nước tưới tiêu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương. Hằng năm, tất cả mọi việc, từ thu gom rác thải đến nạo vét kênh mương đều do bà con tự tổ chức, phân công nhau làm để mương thông thoáng dẫn nước về đồng ruộng.
Nước chuyển màu đen do ô nhiễm lâu ngày.
Thế nhưng từ vài năm trở lại đây, tình hình phát triển và đô thị hóa của địa phương ngày càng cao, nhu cầu nhà ở và ý thức của người dân ngày càng kém nên tình trạng lấn mương làm nhà rồi vứt rác bừa bãi xuống dòng chảy diễn ra thường xuyên. Sự phân công dọn, nạo vét khai thông dòng chảy mấy năm trở lại đây gần như là không có.
Người dân dọc hai bên kênh mương sống trong cảnh ô nhiễm, hằng ngày phải hít những mùi hôi thối, nồng nặc khó chịu bất kể nắng hay mưa.
Chị Vân - chủ quán cơm ở thôn Phong Lộc - cho biết: “Mấy năm đổ lại đây, hằng ngày chúng tôi phải chứng kiến không biết bao nhiêu các loại rác thải trôi qua đoạn mương trước nhà. Trời mưa còn đỡ, chứ trời nắng thì ngồi trong nhà lúc nào cũng phải mang khẩu trang vì mùi nước ở mương bốc lên thối không chịu được. Giờ dân họ không lấy nước từ mương này vào ruộng nữa nên rác cứ xả bừa bãi ra, nước không chảy được ứ đen ngòm. Từ lâu rồi, chả bao giờ thấy cán bộ huy động nhân dân đi dọn mương hay dân họp bàn phân công nhau đi dọn như trước kia nữa”.
Được biết, nguyên nhân chính của tình trạng này là bắt đầu từ khi xã Nam Phong được quy hoạch về TP.Nam Định đến nay, tình trạng lấn đất làm nhà đã làm cho mương nhỏ lại, nguồn nước ở đoạn kênh đã bị ứ đọng một chỗ. Mặt khác, một số hộ dân dửng dưng với việc môi trường ô nhiễm xung quanh, vứt rác bừa bãi, thiếu ý thức, bạ đâu vứt đó, mương chung nên cứ việc xả rác ra. Không có lối thoát, tất cả rác thải tập trung lại ở đây gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nước đang từ màu trắng nay đã chuyển sang màu xanh đen, có mùi hôi thối bốc lên làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của bà con nhân dân.
Anh Hùng - chủ quán tạp hóa gần Trường Trung cấp Công đoàn Nam Phong - bức xúc nói: “Có đáng mấy đồng bạc đâu mà ý thức bà con nơi đây kém quá, hằng tháng mỗi nhà phải đóng có 5.000 đồng để thu gom rác thôi mà tiếc, xong rồi vứt hết cả xuống mương gây ô nhiễm thế này. Đúng là mương chung nên chả ai có ý thức bảo vệ gì cả, cứ tranh thủ trời tối là túi lớn, túi nhỏ vứt ào xuống mương.
Có bận nhìn thấy họ vứt, nói thì họ quay ra bảo mình là rỗi hơi, đi lo việc thiên hạ, có nói với cán bộ thì cũng chỉ là nghe xong rồi để đó, chứ cũng chẳng thấy tuyên truyền hay có biện pháp gì ngăn chặn tình trạng này, nên cứ mỗi ngày tích đọng một ít giờ mới ô nhiễm, nước thì đen ngòm như vậy”.
Theo Lao động