Theo tìm hiểu của PV, tại xã Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) có 6 hộ dân đã mua lại đất của 71 hộ dân ở xóm 6 và xóm 8.
Những hộ dân này đã mua lại đất nông nghiệp của người dân với giá 72 triệu đồng/sào (tương đương 200 nghìn đồng/m2). Với tổng diện tích 10,1 ha, 6 hộ dân phải bỏ ra 20,2 tỷ đồng để trả cho người dân. Trung bình mỗi hộ “đầu tư” từ khoảng 3 tỷ đồng để gom đất lúa.
Cụ thể, 6 hộ dân gồm: Bà Tống Thị Ngà (ở xóm 3) mua lại 19.380m2 đất nông nghiệp của 12 hộ dân với tổng số tiền hơn 3,8 tỷ đồng; ông Bùi Văn Hệ (ở xóm 7) bỏ hơn 3,7 tỷ đồng mua lại 18.735m2 đất nông nghiệp của 12 hộ dân; bà Trịnh Thị Mai (ở xóm 3) mua lại 17.251m2 đất nông nghiệp của 10 hộ dân với giá hơn 3,4 tỷ đồng; bà Nguyễn Thị Thìn (ở xóm 3) bỏ ra hơn 3,3 tỷ đồng mua 16.812m2 đất nông nghiệp của 13 hộ dân; ông Bùi Văn Doanh (ở xóm 6) bỏ hơn 3 tỷ đồng mua 15.022m2 đất ruộng của 15 hộ dân và ông Trịnh Văn Tú (ở xóm 5, xã Nghĩa Minh) mua 14.131m2 đất với giá hơn 2,8 tỷ đồng.
Một số hộ dân ở xóm 8, xã Nghĩa Minh cho biết, đầu năm 2016, cán bộ xã vào vận động người dân bán đất nông nghiệp tại đồng Đông. Vì sản xuất nông nghiệp những năm qua tại địa phương không đạt hiệu quả nên khi cán bộ vận động, người dân đồng ý ngay.
"Tuy nhiên, chúng tôi không hiểu mấy hộ dân ấy lấy đâu ra nhiều tiền như vậy để thu mua đất nông nghiệp. Nghe đâu họ mua lại ruộng để trồng lúa giống, chúng tôi thấy có gì đó không ổn vì khu vực này ngay sát công ty Da giày đang hoạt động. Không biết các hộ ấy có mạo hiểm quá không?”, bà V.T.M., ở xóm 8 chia sẻ.
Theo ông Vũ Duy Hải – cán bộ địa chính xã Nghĩa Minh, sau khi thỏa thuận mua lại ruộng của người dân xóm 6 và xóm 8, hai bên làm hợp đồng mua bán, ký kết nhận tiền trước sự chứng kiến và xác nhận của chính quyền địa phương.
Trao đổi với báo Người Đưa Tin, ông Trịnh Minh Tuấn – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) xác nhận vụ việc trên. Ông Tuấn cho biết: “Đầu năm 2016, một bộ phận các hộ có ruộng ở khu vực đồng Đông không mặn mà trong sản xuất nông nghiệp, vì giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, giá trị sản xuất trên đất canh tác thấp, nên đã tự chuyển nhượng đất nông nghiệp cho 6 hộ dân có nhu cầu, điều kiện trên địa bàn xã”.
Khi được hỏi về mục đích của các hộ dân gom số lượng lớn đất nông nghiệp, ông Trịnh Minh Tuấn cho rằng: “Sau khi mua lại hơn 10 ha đất nông nghiệp của người dân xóm 6 và xóm 8 tại cánh đồng Đông, 6 hộ dân trên này phối hợp với công ty TNHH Toản Xuân (ở xã Yên Lương, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) triển khai mô hình sản xuất lúa giống, bắt đầu từ vụ xuân 2017”.