Cách đất liền Rạch Giá – trung tâm tỉnh lỵ tỉnh Kiên Giang khoảng 65 hải lý, Nam Du là một trong hai quần đảo xa xôi nhất nằm trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc. Chừng hai năm trở lại đây, khi một doanh nghiệp (DN) đưa tàu cao tốc vào phục vụ nhu cầu đi lại của người dân ra, vào đảo, Nam Du đã gần hơn với đất liền so với thời tàu gỗ, tàu sắt vừa chở hàng, vừa chở người. Giá cả hàng hóa, nhất là các sản phẩm thiết yếu nhờ vậy cũng đã giảm bớt chênh lệch. Duy chỉ có nước sinh hoạt thì mỗi khi mùa khô đến, hàng nghìn hộ dân nơi đây lao đao.
Chị Phượng, chủ quán ăn nhỏ nằm gần lối lên xuống của bến tàu tại Hòn Ngang, thuộc xã đảo Nam Du, cho biết ở đây nếu mua điện của tư nhân, phải trả với giá 20.000 đồng/KWh. “Dù giá điện cao… nhất thế giới nhưng mấy hôm quá nóng bức, không thể chịu nổi sự ngột ngạt thì những ai có điều kiện vẫn bật công tắc lên, chịu tốn tiền để được quạt mát vài tiếng. Còn nước sinh hoạt, không phải có tiền là mua được”, chị Phượng quả quyết.
Bà Năm, nhà đối diện quán chị Phượng kể thêm: “Đầu mùa khô tới giờ, cứ 4-5 ngày mới có ghe từ Hòn Ngang qua bán cho bà con một lần. Để ai cũng có nước xài, chủ ghe nước căn cứ theo số nhân khẩu trong từng hộ hoặc đặc thù sinh hoạt mà… phân phát. Ai muốn mua nhiều hơn lần trước hay trả giá cao hơn, chủ ghe nước cũng lắc đầu từ chối. Không có nước, từ chuyện giặt giũ, tắm rửa đến nấu ăn, bà con đều phải tiết kiệm tối đa”.
Tình trạng khan hiếm nước ngọt sinh hoạt diễn ra gay gắt khiến nhiều người dân nghèo trên quần đảo Nam Du lao đao.
Người dân Nam Du cho biết, mọi khi tới dịp Thanh Minh là trời đổ mưa. Còn năm nay, bà con trên đảo trông đứng, trông ngồi. Mỗi khi thấy mây kéo đen kịt, bà con nhốn nháo, chuẩn bị thau, phuy hứng nước nhưng chỉ lác đác vài hạt rồi thôi. Anh Lê Quốc Lịnh, Trưởng Công an xã Nam Du kể, làm theo kinh nghiệm của nhiều người dân, anh em Công an xã đã lên kế hoạch hứng hết lượng nước của trận mưa đầu mùa bằng cách nhém lại một số vị trí thoát nước trên máng thượng trụ sở cơ quan. “Có điều nhém rồi, chờ hoài chẳng thấy ông trời động lòng trút nước”, anh Lịnh kể.
Theo lời anh Lịnh, trên các đảo thuộc xã Nam Du này rất khó tìm đâu ra mạch nước ngầm, nếu có thì cũng chỉ là nước trên tầng mặt của mùa mưa thẩm thấu xuống rồi rỉ rả ra, lượng nước rất ít. “Cũng từng có không ít người cất công đào tìm mạch nước nhưng rồi tốn tiền, tốn sức, thất vọng. Cả xã chỉ có vài người may mắn…”, anh Mẫn, Phó trưởng Công an xã kể thêm.
Ông Nguyễn Thiện Hải, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Nam Du bấm đốt ngón tay, kể tên “những người may mắn”, tức chủ của mấy giếng nước. Đó là các hộ Tư Long, Hai Phụng, Bảy Đức, Chín Sang, Út Dung,… Thế nhưng, khi tôi và ông Hải tới tìm hiểu, hầu hết các giếng của họ cũng đều trơ đáy. Nhiều chủ giếng rộng lòng cho bà con cùng xóm một ít nước nhưng có khi canh mấy giờ đồng hồ, cũng chỉ bơm lên được vài thùng nước đục ngầu.
Từ Hòn Ngang - trung tâm xã Nam Du, tôi thuê tàu nhỏ đi qua một số đảo có dân sinh sống để tìm hiểu thêm chuyện nước sinh hoạt. Ông Tâm, một trong 11 hộ dân ở Hòn Dầu, thuộc ấp An Bình dẫn tôi ra giếng nước sau nhà đang sắp trơ đáy, lo lắng cho biết chỉ một hai ngày nữa là nhà ông phải gọi điện qua Hòn Lớn nhờ người quen chở nước qua chi viện. “Nhà nào đông người, không có phuy, bễ trữ, mùa này lo chuyện nước sinh hoạt không cũng đuối!”, ông Tâm nói.
Một giếng lộ thiên của người dân tại Hòn Ngang, xã Nam Du sắp trơ đáy.
Ông Luân, một người dân ở Hòn Ngang cho biết, mấy hôm nay do cầu vượt cung nên nước giếng mang từ Hòn Lớn qua đục ngầu, hôi, có nhà mua rồi chỉ để giặt giũ. “Không còn cách nào, nhiều hộ phải bấm bụng mua nước đóng chai để xài. Mỗi ngày phải tốn 30.000-40.000 đồng để mua nước. Chi phí này cao hơn cả tiền thức ăn. Nhịn đói còn chịu được chứ không có nước sạch xài thì không thể", ông Luân nói.
Ông Lê Minh Công, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, cả quần đảo Nam Du có 21 đảo. Sau khi chia tách thành 2 đơn vị hành chính vào năm 2005, xã Nam Du có 10 đảo nhưng chỉ 6 đảo có dân sinh sống. Nhắc lại chuyện giá nước sinh hoạt đắt đỏ, ông Công cho biết: “Khổ nhất là bà con ở ấp Hòn Mấu. Do nằm hơi xa nên các ghe chở nước ra tới đây bán với giá lên tới 200.000 đồng/m3, cao hơn các hòn nằm gần Hòn Lớn 10.000 – 15.000 đồng/m3. Đây cũng là mức giá cao nhất kể từ trước tới nay”, ông Công cho biết.
Theo lãnh đạo xã Nam Du, thực tế nguồn nước phục vụ nhân dân trên đảo càng vào cao điểm của mùa khô càng bị khan hiếm, đắt đỏ là do đoàn tàu đánh bắt hải sản hoạt động quanh đây cũng tấp vào “săn nước”. Các tàu ngốn hơn một nửa lượng nước của các ghe, tàu chuyên chở nước từ Hòn Lớn của xã An Sơn chở qua. Hiện chính quyền xã đang làm văn bản đề nghị tỉnh hỗ trợ 50% giá nước sinh hoạt cho trên 800 hộ dân trên đảo.
Trước khi đến Nam Du, PV cũng ghé An Sơn – một trong hai xã đảo tại quần đảo Nam Du, cũng là nơi có hồ nước nhân tạo lớn nhất huyện đảo Kiên Hải. Thật không thể hình dung, chiếc hồ có sức chứa 35.000m3 cũng đã ở tình trạng cạn kiệt. Anh Khánh, cán bộ cấp nước của xã này cho biết, người dân An Sơn từ hơn nửa tháng qua đã phải xách nước từ các giếng công cộng về, hoặc mua nước sạch với giá 3.000 đồng/can 30 lít.
Ông Lương Quốc Bình, chủ tịch UBND huyện Kiên Hải cho biết, không chỉ hỗ trợ cho dân, huyện cũng đã kiến nghị tỉnh hỗ trợ tiền dầu cho những phương tiện chở nước sạch cung cấp cho các đảo ở hai xã Nam Du và An Sơn để người dân tại đây có nước sạch sinh hoạt với giá hợp lý hơn.
Theo Công an nhân dân