Theo VietnamNet, tối 29/3, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có thông báo về việc tăng giá sách giáo khoa bắt đầu từ năm học 2019-2020.
Phía NXB Giáo dục Việt Nam cho hay, do SGK là mặt hàng nhạy cảm, có tác động tới toàn bộ xã hội nên Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã yêu cầu NXB ra soát cơ cấu, chi phí giá thành, phương án điều chỉnh giá và báo cáo Bộ xin ý kiến chính thức.
Thực hiện thông báo 108 của Văn phòng Chính phủ, Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT đã họp đồng ý chủ trương thực hiện điều chỉnh giá sách giáo khoa hiện hành của NXB Giáo dục Việt Nam theo hướng tính đúng, tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, khấu hao tài sản...
Với phương án đã được phê duyệt, giá bán các bộ sách giáo khoa từ lớp 1 tới lớp 12 sẽ được điều chỉnh tăng bình quân từ 1000 đồng đến 1.800 đồng/cuốn.
Sách giáo khoa năm học 2019-2020 sẽ được phát hành từ tháng 4/2019. Danh mục sách giáo khoa từng lớp được in trên bìa 4 mỗi cuốn sách, để phụ huynh học sinh căn cứ lựa chọn đúng tên số lượng sách theo quy định.
Trước đó, báo Người Đưa Tin đã phản ánh, trao đổi với báo chí chiều 6/3, đại diện NXB Giáo dục Việt Nam cho biết giá sách giáo khoa (SGK) phục vụ năm học 2019-2020 giữ nguyên như những năm học trước. Trước đó, đơn vị này đề xuất tăng giá bán lên đến 30%.
NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, từ năm 2011 đến nay, giá SGK vẫn được giữ ổn định và ở mức thấp so với chi phí, giá thành xuất bản và so với giá bán các sách khác. Trong khi đó, những khoản chi phí khác của SGK đều biến động và tăng cao.
Vậy nhưng, thực hiện chỉ đạo của bộ GD&ĐT, NXB Giáo dục Việt Nam tiếp tục giữ nguyên giá SGK cho năm học 2019-2020.
Trong một diễn biến liên quan, báo Giáo dục và Thời đại đưa tin, tại phiên làm việc sáng 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu vấn đề khi bàn đến một số nội dung liên quan đến SGK.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, giá SGK phải kê khai giá với Bộ Tài chính. “Tôi có trao đổi với Bộ Tài chính, 8 năm qua, SGK “đứng im”, giá vẫn duy trì mặc dù các khoản chi phí tăng liên tục. Tiền lương tối thiểu vùng tăng 3 lần, lương cơ sở tăng 1, 8 lần. Giấy in tăng 20%, điện tăng 41% nhưng giá SGK vẫn như 8 năm về trước” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, phải xem nếu không tăng giá thì doanh nghiệp được in sách giáo khoa 100% vốn Nhà nước thu lỗ bao nhiêu. Nếu tăng giá thì so với giá hiện nay chỉ có 17% bình quân, mỗi cuốn hơn 1.000 đồng từ lớp 1 đến lớp 12 và ảnh hưởng vào chỉ số giá tiêu dùng CPI của năm nay là bao nhiêu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, theo báo cáo thống kê, chỉ có tác động 0,07%. Đề nghị Chính phủ xem xét về việc quản lý điều hành giá cả thị trường theo quy luật chung, không thể phi thị trường vi điều đó không hợp lý.
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay, vừa qua, Bộ cũng thấy bất cập khi giá SGK 8 năm rồi vẫn chưa tăng giá. Nên khi Nhà xuất bản Giáo dục đề nghị tăng giá, Bộ đã thống nhất chủ trương và xin ý kiến các cơ quan liên quan.
H.Y (tổng hợp)