Theo báo cáo tài chính quý II/2024, Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (HoSE: NLG) ghi nhận doanh thu thuần đạt 252 tỷ đồng, giảm sâu gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Sau khi khấu trừ đi giá vốn, Nam Long báo lãi gộp "mỏng" với 128 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên trong quý này, doanh thu tài chính lại là điểm sáng khi ghi nhận đạt gần 250 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ trong khi chi phí hoạt động tài chính lại có xu hướng được tiết giảm.
Sở dĩ doanh thu tài chính của doanh nghiệp ghi nhận tăng đột biến là do công ty đã hoàn tất chuyển nhượng 25% tỉ lệ sở hữu tại Công ty Paragon Đại Phước. Khoản lãi từ giao dịch này có giá trị lên tới 230 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, quý II/2024 do doanh thu hoạt động kinh doanh suy giảm nên công ty cũng tiết giảm được đáng kể chi phí bán hàng, chỉ ghi nhận mất hơn 42 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lên đến 128 tỷ đồng. Dù vậy ở chiều ngược lại chi phí quản lý doanh nghiệp lại có sự tăng nhẹ lên hơn 141 tỷ đồng.
Theo đó, Nam Long báo lãi sau thuế đạt gần 160 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng được tính là kết quả kinh doanh khởi sắc bởi quý liền kề trước đó, Nam Long còn đang lỗ tới hơn 65 tỷ đồng sau thuế.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp bất động sản này lần lượt đạt 456 tỷ đồng và 94 tỷ đồng, giảm 61% và 62% so với cùng kỳ năm trước.
Chủ yếu doanh thu thuần của công ty suy giảm do thất thu hàng loạt từ các khoản bán đất, căn hộ, nhà phố và biệt thự tới cung cấp dịch vụ xây dựng; cho thuê bất động sản đầu tư…
Chỉ có doanh thu tài chính là "cứu tinh" cho doanh nghiệp giữa bối cảnh ngặt nghèo, khi tiền vốn neo ở mức cao cùng với việc "nặng gánh" nhiều chi phí.
Với kế hoạch kinh doanh đề ra, Nam Long mới chỉ hoàn thành được 6,9% kế hoạch doanh thu và chưa tới 19% mục tiêu lợi nhuận.
Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của công ty đạt hơn 29.731 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với đầu năm.
Trong đó, hàng tồn kho của Nam Long đạt 19.164 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ so với đầu năm. Chủ yếu tồn kho nằm tại các dự án xây dựng dở dang của doanh nghiệp như Dự án Izumi 8.655 tỷ đồng, Waterpoint giai đoạn 1 hơn 3.837 tỷ đồng, Hoàng Nam Akari 2.425 tỷ đồng...
Cuối tháng 6/2024, lượng tiền mặt của doanh nghiệp tăng mạnh lên gần 62 tỷ đồng, trong khi đầu kỳ chỉ ghi nhận chưa tới 2 tỷ đồng.
Trong khi đó, các khoản tiền gửi ngân hàng ngắn hạn dưới 3 tháng lại giảm về 1.500 tỷ đồng, tiền gửi ngân hàng dài hạn cũng giảm về 511 tỷ đồng.
Trong khoản mục đầu tư tài chính, nửa đầu năm công ty đã "rót" thêm vốn vào nhiều doanh nghiệp với khoảng 1.529 tỷ đồng đang nằm tại các công ty liên kết, liên doanh như Paragon Đại Phước, NNH Mizuki, Anabuki NL.
Ở phía bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của Nam Long tại cuối quý II/2024 là 16.425 tỷ đồng, trong đó có 6.532,2 tỷ đồng là vay nợ tài chính, chiếm 39,8% tổng dư nợ của doanh nghiệp.
Chủ yếu vay nợ nằm tại kênh trái phiếu, chiếm hơn 3.631 tỷ đồng với các khoản trái phiếu dài hạn do CTCP Chứng khoán Tp.HCM, CTCP Chứng khoán Kỹ thương, CTCP Chứng khoán Vndirect, CTCP Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) và GuarantCo Ltd đứng ra thu xếp, bảo lãnh phát hành.
Năm 2024, Nam Long đang lên kế hoạch phát hành trái phiếu theo hình thức riêng lẻ với tổng giá trị phát hành tính theo mệnh giá tối đa là 550 tỷ đồng để bổ sung vốn cho các công ty con.