Năm mới, nếu không chúc ‘đúng’ thì... đừng chúc

Năm mới, nếu không chúc ‘đúng’ thì... đừng chúc

Trịnh Thị Bảo Trang

Trịnh Thị Bảo Trang

Thứ 2, 27/02/2017 14:48

Thay vì chúc một cô gái “ngày càng xinh đẹp”, hãy chúc cô ta “biết yêu thương và chăm sóc cho bản thân mình hơn nữa”.

Người Việt đã mặc định những lời chúc là một “nét” không thể thiếu trong bức tranh xuân muôn màu. Và đương nhiên, để bức tranh của mình luôn hoàn hảo thì người Việt không thể không “chấm phá” những lời chúc vào trong câu chuyện đầu năm của mình.

Cũng chính vì sự mặc định đó mà nhiều người đã vô tình đẩy người thân của mình vào một bể áp lực trong những ngày đầu xuân. Chúng ta cứ chúc theo cảm tính, theo thói quen hoặc thậm chí chúc thế nào cho “thuận miệng” mà không biết rằng những lời chúc đó... không hề phù hợp.

Tôi cũng đã từng ngập chìm trong “thói quen chúc” như thế cho đến khi nghe được câu hỏi của một đứa trẻ dành cho mẹ: “Tại sao năm nào mọi người cũng chúc con học giỏi, có nhiều điểm mười để cha mẹ vui lòng? Năm vừa rồi con không có nhiều điểm mười, học cũng không giỏi thì mọi người còn yêu con không?”

Từ câu hỏi đó, tôi bất giác nhớ đến những lời chúc “vô duyên” của mình.

Xi nhan Trái Phải - Năm mới, nếu không chúc ‘đúng’ thì... đừng chúc

 Đừng để những lời chúc của mình trở thành những lời "khiếm nhã". Ảnh: Internet.

Tôi chúc những cô gái có chút tự ti về nhan sắc rằng “ngày càng xinh đẹp”. Tôi chúc những ông bà cụ đã “cửu thập cổ lai hy” rằng “sống lâu trăm tuổi”. Tôi chúc những đứa trẻ hiếu động, nghịch ngợm rằng “năm sau ngoan ngoãn hơn, nghe lời ông bà, cha mẹ, thầy cô hơn”. Tôi chúc những người kinh doanh làm ăn “tiền vào như nước, tiền ra nhỏ giọt”... Tôi chúc một người chưa muốn lập gia đình “sớm thành hôn”...

Có lẽ những người “được chúc” cũng đã quá quen với những lời chúc vô duyên kiểu vậy bởi từ xưa đến nay, chúng ta vẫn cứ mặc nhiên đó là “thành ý”. Chỉ có những đứa trẻ, khi tâm hồn chúng chưa “nhờn” với sự “mặc định văn hóa” đó, chúng mới có phản ứng lại với những điều “sai sai”.

Nhưng trớ trêu thay, khi những đứa trẻ biết phản ứng lại những lời chúc thì cũng là lúc chúng nhận ra chúng bị “ngược đãi” bởi những lời có cánh như vậy. Người lớn vô tình đã đưa chúng vào cuộc đua thành tích bằng những viên đạn bọc đường mang tên “lời chúc”.

Thiết nghĩ, thay vì nhắm đến những cái đích đầy “nhạy cảm” thì lời chúc nên là một công cụ để tạo động lực phấn đấu hay thậm chí là một “lời khuyên tế nhị” cho đối tượng được chúc.

Thay vì chúc một cô gái “ngày càng xinh đẹp”, hãy chúc cô ta “biết yêu thương và chăm sóc cho bản thân mình hơn”. Thay vì chúc một cô/cậu học sinh học giỏi, hãy chúc chúng “có những tiết học thú vị và bổ ích khi ở trường”. Thay vì chúc một đứa trẻ “ngày càng ngoan ngoãn”, hãy chúc chúng “có can đảm và tự tin để sẻ chia với những người thân yêu”. Thay vì chúc một doanh nhân “ngày càng giàu có, tiền vào như nước”, hãy chúc họ “luôn giữ được đam mê và sự nhiệt thành với con đường mình đã chọn”...

Và đôi khi, chúng ta chẳng cần đến những lời chúc hoa mĩ với những câu từ đầy văn vẻ. Đôi khi, chỉ cần một chữ “ĐỦ” cũng đã “đầy” cho sự chân thành đúng đắn. Đủ niềm vui, hạnh phúc nhưng cũng cần đủ mất mát, đau thương. Đủ ánh sáng nhưng cũng cần đủ bóng tối... để chúng ta biết trân trọng, yêu quý hơn những thứ gì mình đang có.

Hoặc nếu không thể chúc được một câu “đúng” thì cũng xin đừng đẩy đối tượng vào những bể áp lực của một xã hội với những chuẩn mực không tưởng.

 Trịnh Nguyên

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.