Kinh hoàng "bản trắng"
Ông Đỗ Viết Hợp, chủ tịch UBND huyện Yên Minh đi cùng phóng viên, đã chia sẻ: "Bản Lý đã hồi sinh sau trận lũ quét kinh hoàng của gần 10 năm trước, giờ đây Bản Lý đã khoác trên mình màu áo mới, màu của sự ấm no, hạnh phúc. Càng đặc biệt hơn khi Bản Lý vừa được xã Du Tiến chọn là điểm xây dựng nông thôn mới". Để đạt được thành quả trên, suốt đời người dân nơi đây không thể quên được trận lũ quét lịch sử đổ bộ xuống các xã Du Tiến, Du Già (huyện Yên Minh) vào rạng sáng ngày 19/7/2004 làm số người bị chết, mất tích và bị thương lên đến 44 người, đồng thời quét trôi, làm sập 18 căn nhà (nơi cư ngụ của khoảng 100 người, chủ yếu là người dân tộc Mông, Tày), làm đổ sập toàn bộ ngôi trường hai tầng (8 phòng học) của xã Du Tiến.
Nhiều đoạn đường, cầu cống từ trung tâm huyện Yên Minh về khu vực xã Du Tiến, Du Già (khoảng 60km) luôn trong tình trạng sạt lở, ngập nước và bị chia cắt hoàn toàn với các bản làng, xã lân cận. Ông Nguyễn Văn Phát, Trưởng thôn Bản Lý buồn rầu nhớ lại: "Thật khủng khiếp, khi chứng kiến cảnh mất mát, đau thương ấy. Ai cũng bàng hoàng không hiểu chuyện gì xảy ra với bản làng và gia đình mình. Tất cả mọi thứ tích cóp, xây dựng bao lâu chỉ trong chớp mắt mất sạch, các hộ lâm vào cảnh tay trắng, không có gì để sống, không còn đất sản xuất, không biết mình là ai. Người dân hoang mang lắm".
Thôn Bản Lý đang từng ngày hồi sinh.
Trong nỗi đau chung, có lẽ nỗi đau của anh lính vừa xuất ngũ Nguyễn Văn Hơi (32 tuổi) là vô tận. Nhà anh có 9 người thì chỉ còn mình anh sống sót, 8 người còn lại từ mẹ, vợ, anh, chị em, các cháu nhỏ đều bị vùi chết trong lũ. Nỗi đau quá lớn như thể không chịu đựng được ấy đã làm anh thành con người trầm lặng mất nhiều năm tháng. Anh Hơi một mình lên núi, ở tạm tại lều canh nương như để tránh xa nơi tang thương ấy. Anh Hơi buồn rầu kể lại: "Rạng sáng ngày 19/7/2004, lúc cả nhà đang ngon giấc bỗng giật mình nghe tiếng "ầm, ầm như bom nổ", rồi những tiếng kêu cứu thất thanh từ những người dân trong bản, tôi chỉ kịp chạy ra núp dưới khóm tre ven suối, quay lại đã nhìn thấy ngôi nhà của mình bị chôn vùi cùng đất, đá. Tôi chỉ biết khóc và thực sự thấy mình bất lực.
Tôi còn nhớ, ngày ấy, ở thôn có một cô giáo từ dưới xuôi lên điểm trường dạy học cũng bị mất tích sau trận lũ. Đến tận bây giờ, mất mát, nỗi kinh hoàng luôn ám ảnh tôi nhưng tôi vẫn phải sống để làm tốt những gì mà người thân chưa làm được... Mùa xuân ấm áp thật nhưng tôi nhớ họ vô cùng".
"Đất chết" hồi sinh
Đau thương là thế nhưng người dân Bản Lý không đơn độc. Ông Nguyễn Văn Phát tâm sự: "Trong hoạn nạn, chúng tôi nhận được rất nhiều sự quan tâm, sẻ chia của Nhà nước và nhân dân. Đó chính là động lực giúp bà con vơi đi những mất mát đau thương, tiếp tục vươn lên trong cuộc sống. Các hộ được hỗ trợ tiền để làm nhà mới, không lâu sau đó 100% hộ dân đã có chỗ ở ổn định. Bà con còn được hỗ trợ lương thực ăn và cấp kinh phí để phục hồi đất sản xuất, khai thác thêm nhiều diện tích trồng ngô, lúa... mới. Nhờ sự chung tay giúp đỡ của toàn xã hội nên chỉ vài năm sau, người dân Bản Lý đã ổn định cuộc sống. Đến nay, 33 hộ gia đình trong thôn đã vượt qua khó khăn, cùng giúp đỡ nhau để vươn lên trong cuộc sống".
Niềm vui trẻ nhỏ Bản Lý được cắp sách tới trường.
Sau khi dẫn chúng tôi thăm một vòng Bản Lý, ông Phạm Tiến Tình, Bí thư Đảng ủy xã Du Tiến cho biết: Cuộc sống của bà con dù vẫn còn nghèo nhưng không còn khó khăn như trước. Nhờ khai khẩn ruộng, nương, khắc phục diện tích thiệt hại do thiên tai gây ra nên giờ thôn đã có 12 ha diện tích đất trồng lúa một vụ, 13 ha đất trồng ngô. Không những thế, bà con còn luân canh tăng vụ, ngoài trồng ngô, lúa bà con còn trồng cây ngô vụ đông, đậu tương, khoai tây, do đó các hộ dân đều có đủ lương thực ăn trong năm.
Điều đặc biệt, các hộ dân không phải sống trong cảnh nhà tạm nữa, họ biết tương trợ, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn để cùng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. 100% trẻ em trong thôn được đến trường đúng độ tuổi. Ông Phát hân hoan cho biết thêm: "Cả thôn rất vui khi được xã chọn là điểm xây dựng nông thôn mới, bà con rất hào hứng cùng bắt tay xây dựng để thôn Bản Lý ngày càng khang trang, giàu mạnh và văn hoá hơn trước. Tháng 11 vừa qua, thôn được Nhà nước hỗ trợ xi măng để các hộ dân làm đường bê tông vào đến từng nhà. Hộ nào được hỗ trợ xi măng cũng vui vẻ và rất tích cực làm đường. Xuân này, trời có mưa phùn, gió bấc, lạnh thì người dân cũng có đường xi măng để đi; mặc áo mới không bị đất đá bám bẩn khi đi trẩy hội mùa xuân".
Ông Nguyễn Văn Nhất, người được hỗ trợ xi măng làm con đường dài hơn 240m tâm sự: "Nghe tin Bản Lý được chọn là điểm xây dựng nông thôn mới người dân chúng tôi rất vui mừng, hào hứng, vì nhờ chương trình này mà người dân trong thôn và gia đình tôi mới được hỗ trợ xi măng để làm đường bê tông vào tận nhà. Đoạn đường rất dài, nếu không có sự hỗ trợ, gia đình cũng không có điều kiện để làm. Do đó, gia đình tôi tập trung nhân lực hoàn thành tuyến đường sớm, vừa để thuận tiện trong việc đi lại, vừa góp sức mình cùng thôn hoàn thành một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đón xuân mới nữa". Ngoài làm đường, bà con còn bỏ công san đất để xây dựng nhà văn hoá trị giá mấy chục triệu đồng. Số tiền này do cán bộ xã, giáo viên các trường trên địa bàn đóng góp, bà con góp công sức xây dựng nên.
Mặc dù Bản Lý bước đầu có sự thay da đổi thịt, cuộc sống người dân đã đỡ phần khó khăn hơn, tuy nhiên ông Đỗ Viết Hợp, Chủ tịch UBND huyện Yên Minh bỗng trầm ngâm, biết là khó khăn như vậy nhưng tựu trung lại những cán bộ từ miền xuôi lên vùng đá xám Hà Giang chỉ mong mỏi một điều, đồng bào miền cao nguyên đá sẽ bớt khổ thêm, nhiều niềm vui và hạnh phúc. Hy vọng rằng, bên cạnh sự nỗ lực của người dân, chúng tôi cũng rất mong nhận được nhiều sự giúp đỡ của nhân dân trên mọi miền Tổ quốc để có thể xây dựng, giúp đỡ trẻ thơ Hà Giang có áo ấm mặc mùa đông, có những đôi dép bền khi cắp sách tới trường. Đây sẽ là những mầm ươm để giúp miền đất nơi địa đầu của Tổ quốc phát triển và đưa mảnh đất cao nguyên đá "thoát xác" và bừng sáng trong quãng thời gian không xa.
Hoàng Văn