Dự báo thời điểm nắng nóng tăng
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia đã đưa ra dự báo xu thế thời tiết đặc biệt trong vòng một tháng tới (tức từ ngày 11/4 đến ngày 10/5/2023).
Về xu thế nhiệt độ trung bình, trong thời kỳ dự báo, nhiệt độ tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ phổ biến ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1,5 độ C, có nơi cao hơn; khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ nhiệt độ trung bình phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Về xu thế lượng mưa, tổng lượng mưa trên khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 10 - 20%, riêng khu vực Tây Bắc Bộ thấp hơn từ 15 - 30%, có nơi thấp hơn. Các khu vực còn lại tổng lượng mưa ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (thấp hơn khoảng 5 - 10%).
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết từ ngày 11 - 14/4 phía Đông Bắc Bộ trời nhiều mây, có mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù tập trung về đêm và sáng.
Dự báo khoảng đêm ngày 14/4 sang ngày 15/4, do ảnh hưởng của không khí lạnh, Bắc Bộ và khu vực Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế có thể có mưa rào rải rác và có nơi có dông. Cơ quan khí tượng khuyến cáo không khí lạnh lệch đông gây mưa và sương mù khiến tầm nhìn xa giảm, ảnh hưởng đến các hoạt động lưu thông tại khu vực phía Đông Bắc Bộ. Ngoài ra, hoạt động của không khí lạnh có thể gây ra các hiện tượng dông, lốc, sét, mưa đá ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.
Sau đó, không khí lạnh suy yếu dần, vùng áp thấp nóng phía tây có xu hướng phát triển và mở rộng. Nắng nóng có khả năng xuất hiện tại Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ từ khoảng nửa cuối tháng 4. Trong khi đó, tại phía Nam, khu vực miền Đông Nam Bộ vẫn có nhiều ngày nắng nóng. Từ nửa cuối tháng 4, do tác động của nắng nóng, cần đề phòng nguy cơ xảy ra cháy nổ ở khu vực dân cư, cũng như các khu vực sản xuất do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao xảy ra cháy rừng.
Từ ngày 15 - 17/4, do ảnh hưởng của rãnh thấp xích đạo, khu vực Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có thể xảy ra mưa rào và dông rải rác về chiều tối, ngày có nắng gián đoạn, nền nhiệt độ giảm nhẹ.
Bà Trần Thị Chúc, Phó Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí hậu Thủy văn Quốc gia cho biết, trong 1 tháng qua, từ ngày 11/3-10/4/2023 đã xảy ra 6 trận dông lốc, mưa đá tại Kỳ Sơn, Quế Phong (Nghệ An), Mường Ảnh (Điện Biên), Lâm Đồng, Thừa Thiên-Huế và mưa đá tại Kon Tum đã nhiều gây thiệt hại về nhà ở,nông và lâm nghiệp, không gây thiệt hại về người. Đầu tháng 4/2023, vào ngày 3/4 mưa dông tại Bình Dương đã gây thiệt hại về người.
Thiên tai năm 2023 sẽ diễn biến phức tạp thế nào?
Dự báo từ tháng 7-12/2023, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, cũng như ảnh hưởng đến đất liền có khả năng ít hơn so với TBNN. Bão và ATNĐ hoạt động trên Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nước ta phù hợp với quy luật khí hậu, các tháng từ 7-9/2023 sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc, từ khoảng tháng từ 9-11 sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Miền Trung.
Trong các tháng nửa cuối năm 2023 đề phòng gió mạnh trên biển do tác động của xoáy thuân nhiệt đới và gió mùa Tây Nam ở vùng biển Giữa và Nam Biển Đôngvà không khí lạnhtừ tháng 11-12/2023 ở khu vực Biển Đông. Ngoài ra, tiếp tục xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc.
Nhiệt độ trung bình trong thời kỳ từ tháng 7 đến tháng 9/2023 phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm và có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm trong thời kỳ từ tháng 10 đến tháng 12/2023.
Từ tháng 7-9/2023, lượng mưa khu vực Việt Nam có xu hướng xấp xỉ với giá trị trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, riêng khu vực Trung Bộ lượng mưa có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm. Thời kỳ từ tháng 10-12/2023, tại các tỉnh thuộc Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế lượng mưa có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm, trong khi đó các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận và các tỉnh thuộc Tây Nguyên và Nam Bộ lượng mưa có xu hướng thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Trúc Chi (theo Sức khỏe & Đời sống, Lao Động)