Nguồn tin trên báo Người Lao Động, lực lượng cảnh sát điều tra trọng án Nam Phi (DPCI), thường được biết đến với tên gọi Hawks cho biết, các nghi phạm bị bắt khi đang di chuyển trên đường thuộc thị trấn Klerksdorp, tỉnh North West hôm 25/11; có tuổi đời từ 22 đến 60.
Tiến hành khám xét các phương tiện của nhóm người này, cảnh sát phát hiện nhiều bộ xương và thịt sư tử, da hổ và các dụng cụ, phương tiện được cho là sử dụng để nấu cao hổ, sư tử.
Tại một trang trại nằm cách Klerksdorp khoảng 30km do nhóm người này đưa tới, cảnh sát tìm thấy da sư tử và những máy móc được cho là dùng để cắt xương sư tử. 40 con sư tử đã bị giết tại trang trại này, gồm 30 con hôm 24/11 và 10 con hôm 23/11.
Liên quan đến vụ việc, nghi phạm thứ 9 đã ra đầu thú cảnh sát.
Hôm 27/11, 9 người này đã xuất hiện lần đầu tiên trước Tòa án Klerksdorp. Họ đối mặt cáo buộc sở hữu bất hợp pháp xương và da hổ, xương sư tử và vi phạm các quy định về bảo vệ các loài động vật hoang dã thuộc danh mục các loài đang bị đe dọa, có nguy cơ tuyệt chủng, cần được bảo vệ.
Theo trang Times Live, danh tính 9 người ra tòa là Louis Fouche, 22 tuổi; Lourens Pretorius, 24 tuổi; Mguyel Huu Son, 30 tuổi; Tuan, 33 tuổi; Dao Chanh, 38 tuổi; Pham Khur, 56 tuổi; Chanh, 56 tuổi; Quol Thang, 60 tuổi và Michael Frederich Fourie, 42 tuổi.
Phiên tòa được hoãn đến ngày 5/12. Những người nói trên vẫn còn bị giam giữ trong lúc thủ tục xin bảo lãnh tại ngoại diễn ra.
TTXVN đưa tin, đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi cho biết Đại sứ quán thường xuyên khuyến cáo khách du lịch Việt Nam khi sang Nam Phi và công dân Việt Nam đang sinh sống tại địa bàn phải chấp hành đúng các quy định của luật pháp sở tại và pháp luật Việt Nam, không được có bất kỳ hoạt động gì làm ảnh hưởng tới quan hệ Việt Nam - Nam Phi cũng như ảnh hưởng uy tín, hình ảnh đất nước.
Đại sứ quán đã và đang tiến hành các bước cần thiết để nắm tình hình vụ việc và thực hiện công tác bảo hộ đối với 6 công dân Việt Nam bị bắt giữ tại Nam Phi.
Các cơ quan chức năng của Việt Nam và Nam Phi đang thúc đẩy đàm phán ký kết các văn bản hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia như Hiệp định hợp tác phòng chống tội phạm giữa Bộ Công an Việt Nam với Bộ Cảnh sát Nam Phi, Hiệp định dẫn độ tội phạm giữa Bộ Công an Việt Nam với Bộ Tư pháp và xây dựng Hiến pháp Nam Phi.
Tháng 9 vừa qua, Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam và Cơ quan công tố quốc gia Nam Phi (NPA) đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Khi các văn bản pháp lý trên được ký kết và có hiệu lực sẽ góp phần tăng cường hiệu quả hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia giữa 2 nước cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các bên trong bảo hộ công dân mỗi nước.
Mộc Miên (Tổng hợp)