Vụ bạo động đẫm máu đã xảy ra tại khu vực mỏ đá lộ thiên, nơi có khoảng 3.000 thợ mỏ đang biểu tình phản đối các nhà chức trách. Sự việc ngày cảng trở nên nghiêm trọng, khi những người công nhân này không chịu tuân theo lệnh bắt buộc giải tán của chính phủ mà vẫn tiếp tục tập trung ở nơi làm việc để biểu tình đòi tăng lương buộc các nhà chức trách phải lên tiếng kêu gọi cảnh sát chống bạo động đến nhằm giải tán đám đông.
Cảnh sát đáp trả những hành động quá khích của nhóm những người biểu tình
Theo nguồn tin nhận được thì ban đầu, lực lượng cảnh sát tại hiện trường đã sử dụng một vòi rồng phun nước vào những người biểu tình. Tuy nhiên, nỗ lực từ phía cảnh sát không thể lấn át được đám đông, lại cộng thêm sự quá khích của một số công nhân mỏ đòi tấn công cảnh sát buộc các lực lượng chống bạo động phải dùng đến lựu đạn hơi cay và bom gây choáng.
Điều đáng nói là chưa dừng lại ở đó, theo bằng chứng ghi lại bởi kênh truyền hình tư nhân ETV thì cảnh sát chống bạo động đã ngay lập tức nã đạn vào những kẻ quá khích bằng những loạt đạn súng trường tự động và súng ngắn. Sự việc chỉ dừng lại khi một sĩ quan cấp cao ra hiệu lệnh ngừng bắn. Sau màn đáp trả bằng việc nã đạn của những viên cảnh sát chống bạo động là một cảnh tượng hãi hùng xảy ra, khói bụi mờ mịt, nhiều người đã ngã xuống, tiếng còi xe cứu thương vội vã đưa người đi cấp cứu. Hành động này từ phía cảnh sát đã làm ít nhất 18 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.
Sau sự việc kinh hoàng trên, các quan chức cấp cao và các nhà chức trách cho biết đó là sự cố ngoài ý muốn và rằng Nam Phi đã thực sự đi vào ổn định kể từ khi nạn phân biệt chủng tộc kết thúc vào năm 1994. Tuy nhiên, hành động lần này từ phía cảnh sát lại khiến chúng ta nhớ tới nạn phân biệt chủng tộc Apartheid xuất hiện vào những năm 1960 - 1970. Đó là một thời kỳ mà cho đến tận bây giờ, mỗi khi nhắc lại người dân Nam Phi lại cảm thấy rùng mình vì những hành vi, những quy tắc, những luật lệ phân biệt mà không ai có thể ngờ tới.
Các nhà chức trách cho hay, những bất ổn của công ty khai khoáng Lonmin tại mỏ bạch kim Marikana đã bắt đầu từ ngày 10/8. Thời điểm đó, khoảng 3.000 công nhân đã tổ chức một cuộc đình công bất hợp pháp. Theo các quan chức thì công ty khai khoáng Lonmin là công ty sản xuất bạch kim lớn thứ ba thế giới. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trong tình trạng kinh tế bất ổn, giá trị bạch kim toàn cầu đã tăng hơn 30 $/Ounce mỗi phiên giao dịch, trong khi đó cổ phiếu của công ty Lonmin lại giảm 6, 76% trên sàn chứng khoán London vì cuộc biểu tình kéo dài của các công nhân.
Một số quan chức địa phương cho biết lợi dụng tình trạng bất ổn này, những tổ chức xấu đã kích động bạo lực trong hàng ngũ thợ mỏ. Thậm chí, một số người còn mua vũ khí để tham gia biểu tình. Vào hôm thứ hai vừa qua, đám đông người biểu tình kích động đã giết chết 10 công nhân mỏ và hai sĩ quan cảnh sát khác. Tình hình đó buộc các nhà chức trách phải kêu gọi lực lượng an ninh chống bạo động đến giải tỏa đám đông, dẫn đến sự việc đáng tiếc nói trên.
Phía đại diện của công ty khai khoáng Lonmin cho hay từ khi cuộc đình công đòi tăng gấp đôi tiền lương lên mức 1.000 bảng Anh/tháng của những công nhân kia diễn ra thì giá trị cổ phiếu của công ty đã giảm hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái
Nguyễn Sen (theo CBS)