Tối 30/12, Chính phủ Nam Phi thông báo dỡ bỏ lệnh giới nghiêm từ nửa đêm tới 4h sáng cùng một số thay đổi khác nhằm nới lỏng hơn các quy định giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trước thềm năm mới 2022.
Theo TTXVN, quyết định được đưa ra sau khi chính phủ cân nhắc về những thông tin cập nhật của làn sóng lây nhiễm thứ tư đang diễn ra tại Nam Phi, với Omicron là biến thể chủ đạo, cùng với mức độ bao phủ tiêm chủng trên toàn quốc và khả năng đáp ứng của ngành y tế.
Báo cáo của Bộ Y tế Nam Phi công bố cùng ngày cho biết, số ca nhiễm Covid-19 mới trên toàn quốc đã giảm 29,7% trong tuần trước - tuần lễ Giáng sinh - so với tuần sát trước đó. Số ca bệnh giảm ở tất cả các tỉnh ngoại trừ tỉnh Western Cape (tăng 14%) và tỉnh Eastern Cape (tăng 18%) trong khi số ca nhập viện cũng giảm ở tất cả các tỉnh ngoại trừ tỉnh Western Cape.
"Tốc độ sóng lây nhiễm thứ tư do Omicron tăng lên, đạt đỉnh và sau đó giảm đáng kinh ngạc", Tiến sĩ Fareed Abdullah thuộc Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Nam Phi cho biết.
Dữ liệu trên cho thấy, Nam Phi có đủ khả năng để tiếp nhận bệnh nhân cho các dịch vụ y tế thông thường. "Biến chủng Omicron có khả năng lây truyền cao, nhưng tỉ lệ nhập viện thấp hơn so với các đợt trước. Điều này đồng nghĩa hệ thống y tế còn nhiều không gian để tiếp nhận bệnh nhân, kể cả những người điều trị các bệnh khác", Chính phủ nước này cho hay.
Ngoài việc dỡ bỏ lệnh giới nghiêm, Chính phủ Nam Phi quyết định nới lỏng một số quy định trong tình trạng cảnh báo cấp độ 1 - cấp độ thấp nhất trong 5 cấp độ hiện hành.
Số người được phép tụ tập trong nhà hiện nay tăng từ 750 lên 1.000 người trong khi số người được phép tụ tập ngoài trời vẫn là 2.000. Trường hợp địa điểm quá nhỏ so với sức chứa để đáp ứng yêu cầu về khoảng cách xã hội phù hợp, ban tổ chức không được sử dụng quá 50% sức chứa của địa điểm.
Các cơ sở kinh doanh đồ uống có cồn được cấp phép được phép hoạt động sau 23h, tin vui cho các thương nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch và đang tìm cách phục hồi trong mùa lễ hội.
Tuy nhiên, việc đeo khẩu trang nơi công cộng vẫn là yêu cầu bắt buộc và việc không chấp hành quy định này là một hành vi phạm tội.
Thông cáo của Phủ Tổng thống nêu rõ: "Người dân Nam Phi được khuyến khích tiếp tục tuân thủ các quy trình y tế cơ bản để ngăn chặn sự lây truyền của SARS-CoV-2”.
Chính phủ Nam Phi cũng tiếp tục kêu gọi người dân đi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đầy đủ đồng thời khuyến khích những người đã đủ điều kiện đi tiêm mũi tăng cường. Thông cáo cho biết, Hội đồng quốc gia phòng, chống Covid-19 sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và sẽ thực hiện các điều chỉnh tiếp theo, đặc biệt nếu xuất hiện áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Diễn biến ở Nam Phi được cho là mang lại hy vọng cho những quốc gia đang chiến đấu với Omicron. Một số nhà khoa học đã nhanh chóng dự báo mô hình tương tự ở những nơi khác.
"Chúng ta sẽ trải qua tháng một khó khăn, vì ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng và đạt đỉnh, rồi giảm nhanh", Ali Mokdad, nhà dịch tễ học thuộc Đại học Washington, Mỹ và từng là nhà khoa học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, cho biết.
Hiện, Omicron đã lây lan sang hơn 100 quốc gia, lây nhiễm sang những người đã được tiêm chủng và những người từng mắc Covid-19, gây áp lực cho hệ thống y tế ở nhiều nước, trong đó có Mỹ và Anh.
Giới khoa học vẫn chưa có kết luận cuối cùng về độc lực hay mức độ né tránh vắc-xin của Omicron. Neil Ferguson, cố vấn y tế của Chính phủ Anh, cùng nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Hoàng gia ở London, cho biết chưa có bằng chứng cho thấy Omicron ít nghiêm trọng hơn Delta.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 20/12 cảnh báo, có những bằng chứng chắc chắn cho thấy Omicron đang lan nhanh hơn đáng kể so với Delta. Soumya Swaminathan, nhà khoa học hàng đầu của WHO, khẳng định sẽ "không khôn ngoan" khi cho rằng Omicron là biến thể chỉ gây triệu chứng nhẹ và cho biết thêm, biến chủng này có thể né tránh một số phản ứng miễn dịch.
Minh Hoa (t/h theo VnExpress, TTXVN)