Tiếng khóc trong balo
Sự việc xẩy ra vào khoảng 9h15 sáng ngày 14/10, công an phường Phú Xá (Thành phố Thái Nguyên). Nhận được tin báo của người dân tại khu vực sau nhà văn hóa tổ 5,6,7 phường Phú Xá khi phát hiện một bé gái mới sinh được để trong ba lô ở ven đường. Ngay sau đó Công an phường đã có mặt cùng chính quyền địa phương lập biên bản vụ việc.
Theo đó, vào khoảng thời gian trên, chị Nguyễn Thị Ngọc trên đường đi chợ về qua đường dân sinh sau nhà văn hóa tổ 7 bỗng nghe thấy tiếng trẻ con khóc.
Bé gái bị bỏ rơi khỏe mạnh và kháu khỉnh.
Chị dừng xe kiểm tra thì phát hiện một chiếc ba lô màu trắng đen, phía bên trong ba lô có 1 cháu bé được khoảng vài ngày tuổi đang cựa quậy. Ngoài ra, trong ba lô còn có một tờ giấy viết vài dòng nhắn nhủ và ít đồ dùng của trẻ con bao gồm sữa, quần áo, bỉm… Chị Ngọc liền hô hoán với mọi người xung quanh và báo với cơ quan chức năng.
Sau khi phát hiện ra đứa trẻ và báo cáo sự việc lên cơ quan chức năng, ủy ban nhân dân phường Phú Xá đã lập biên bản vụ việc “nhặt được trẻ sơ sinh”. Biên bản bao gồm đại diện UBND phường, công an phường, y tế phường, tổ trưởng tổ 7, chị Nguyễn Thị Ngọc và người làm chứng là chị Vũ Thị Thừa.
Ông Phan Hà Bắc, PCT UNBD phường Phú Xá, người trực tiếp giải quyết vụ việc cho biết: "Sáng ngày 14/10 chúng tôi lập biên bản sự việc có một cháu bé bị bỏ rơi tại tổ 7 của phường. Khi đưa cháu bé về Ủy ban, bộ phận y tế đã kiểm tra và nhận thấy cháu bé hoàn toàn khỏe mạnh, hồng hào, không quấy khóc. Kiểm tra vật dụng đi cùng, ngoài tã giấy, bỉm, sữa hộp, bình sữa thì còn phát hiện một mảnh giấy do người mẹ để lại với nội dung thông tin như sau: “Tên tôi là Nguyễn Thùy Linh, ngày 9/10/2013 tôi có sinh một cháu gái nặng 2,8 kg. Nhưng do điều kiện bản thân tôi không thế nuôi dưỡng cháu được, vì vậy tôi đem cháu bé này đi cho. Ai nhặt được xin nuôi cháu, tôi cảm ơn”.
PCT phường Phú Xá, TP. Thái Nguyên Phan Hà Bắc nói về vụ việc.
Thông tin cháu bé 5 ngày tuổi bị bỏ rơi ở sau nhà văn hóa nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Không ít gia đình mong muốn được đón cháu về chăm sóc. Thế nhưng, chị Ngọc, người phát hiện ra cháu bé đầu tiên nhất quyết đòi chăm sóc cháu bằng đươc.
Đoàn cán bộ của UBND phường Phú Xá đã về tổ 5, nơi gia đình chị Ngọc cư trú để xác minh. Nhận thấy gia đình anh Chín, chị Ngọc có điều kiện kinh tế khá, gia đình đã có 2 con trai và mong muốn tha thiết được nhận nuôi cháu. Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, UBND phường yêu cầu vợ chồng anh chị và gia đình viết bản cam kết nhận chăm sóc cháu bé từ trưa ngày 14/10, có sự xác nhận của những người thân trong gia đình. Đồng thời, UBND phường cũng lập biên bản, bàn giao cháu bé cho gia đình anh Chín - chị Ngọc chăm sóc.
“Ngay buổi chiều hôm đó, phường đã thông báo về vụ việc đứa trẻ bị bỏ rơi tới 29 tổ dân phố trong phường. Đồng thời dán thông báo niêm yết tại trụ sở UBND phường và thông tin trên Đài truyền hình tỉnh Thái Nguyên. Trong 30 ngày kể từ ngày thông báo, nếu không có bất kỳ tổ chức cá nhân nào đến nhận cháu bé là con, UBND phường sẽ hướng dẫn gia đình anh Chín - chị Ngọc hoàn thiện thủ tục nhận nuôi cháu bé.
Không chỉ riêng gia đình anh Chín, chị Ngọc xin được chăm sóc và nuôi nấng cháu bé, mà có đến 3 gia đình khác trong phường cũng có nguyện vọng nhận cháu bé về làm con nuôi. Ông Phan Hà Bắc chia sẻ thêm: “Một sinh linh nhỏ bé cũng là một con người. Khi sinh ra không sống được đã đành, đằng này cháu bé sống khỏe mạnh thì mình phải có trách nhiệm cùng với cộng đồng xã hội chăm sóc cho cháu”.
Bà Nông Thị Thanh Xuân- Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Phú Xá.
Ngay sau khi sự việc được phát hiện, chúng tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Ngọc (SN 1983) và anh Vũ Văn Chín (SN 1980) cùng trú tại tổ 5, phường Phú Xá - nơi cháu bé đang được chăm sóc.
Anh chị chia sẻ: Do nhà có 2 cháu trai đã lớn, điều kiện kinh tế cũng ổn định, lại mong muốn có một đứa con gái để cho thêm phần vui cửa vui nhà nên khi đi chợ về, phát hiện đứa bé kháu khỉnh trong ba lô bên vệ đường, chị không thể cầm lòng.
Sau khi báo sự việc lên chính quyền, chị tỏ ý muốn nhận nuôi dưỡng và chăm sóc cho cháu bé. Chị gọi điện thoại cho chồng, mẹ chồng và anh em trong nhà thì đều nhận được sự đồng ý. Vì thế, chị kiên quyết nhận nuôi cháu bé.
“Bao nhiêu người đi qua, đi lại sao cháu nó không chọn ai lại chọn tôi, đây là cái duyên cái số rồi, mà cũng rất phù hợp với nguyện vọng bấy lâu của tôi nên tôi quyết định xin được chăm sóc cho cháu”, chị Ngọc chia sẻ với mọi người.
Gia đình chị Ngọc vẫn chưa đặt tên cho cháu bé vì muốn để hết một tháng, nếu không ai đến nhận lại cháu bé, gia đình sẽ hoàn tất thủ tục nhận nuôi và làm đầy đủ các giấy tờ khác cho cháu.
Đứa bé là kết quả của một mối tình sinh viên?
Theo nhiều người dân sống gần khu vực nhà văn hóa tổ 7, nơi cháu bé bị bỏ rơi cho biết: Trước khi phát hiện ra đứa trẻ vào khoảng 9h12 phút, bác Tiến (71 tuổi) - nhà bán hàng tạp hóa cách đó 50m có đi lấy hàng từ bên phường khác về, đến đoạn sau nhà văn hóa tổ 7, bác Tiến có nhìn thấy một nam thanh niên dáng người dong dỏng cao, ăn vận chỉnh tề, sơ vin quần đen áo trắng, dừng xe điệu bộ như đang tìm chỗ đi vệ sinh nhưng luôn nhìn ngó xung quanh và có những hành đông khá lạ.
Tưởng người đi đường tìm chỗ “giải quyết nỗi buồn” nên bác Tiến không để ý mà chạy xe thẳng về nhà. Khi vừa về đến nhà, ngồi chưa kịp uống hết ngụm nước chè thì bác thấy mọi người bàn tán về chuyện nhặt được đứa trẻ, lúc đó đồng hồ chỉ 9h15.
“Tôi cho rằng người đàn ông đó có thể là bố đứa trẻ. Nó bỏ con nhưng cũng chuẩn bị chu đáo lắm chứ không như những đứa khác quăng quật lung tung. Khi mở túi kiểm tra thì có đầy đủ hết những vật dụng cần thiết như tã giấy, bỉm, hộp sữa, bình sữa, ngoài ra còn có cả một con dao nhỏ trong đó để chống ma tà, mẹ nó bôi cả nhọ nồi lên trên trán, đeo kim băng trên mũ cho đứa trẻ nữa cơ mà”, Bác Tiến cho biết thêm.
Có nhiều ý kiến đồn đoán về cha mẹ của đứa trẻ, nhiều người nhận định đứa trẻ là hậu quả của một mối tình học sinh hoặc sinh viên nào đó.Theo ông Phan Hà Bắc cho biết, cảm quan cho thấy: nét chữ mà người mẹ để lại là của người có tuổi đời còn trẻ bởi nó chưa được cứng cáp.
Tuy nhiên không thể qua nét chữ mà khẳng định đứa trẻ được sinh ra bởi một em học sinh hay sinh viên. Tuy nhiên, ông Bắc cũng cho rằng: "Hiện trên địa bàn phường Phú Xá có đến gần 4 nghìn học sinh - sinh viên đến tạm trú đang theo học các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp trên địa bàn phường. Nếu tính chung trên địa bàn toàn thành phố thì rất nhiều nên không ngoại trừ trường hợp cha mẹ là người sinh sống ở trên địa bàn này".
Lan Anh – Tuấn Nghĩa