Giờ đây, sau gần 5 năm thụ án, hơn bao giờ hết, Tuấn càng cảm thấy thấm thía cái giá của sự tự do. Hắn vẫn luôn nuôi khát vọng sẽ có ngày được trở lại giảng đường đại học, để thực hiện tiếp ước mơ trở thành kỹ sư cầu đường mà hắn lỡ bị dang dở.
Cái giá của sự nông nổi
Phạm nhân Nguyễn Anh Tuấn (SN 1990, trú tại phường Chăm Mát, TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) hiện đang thụ án tại Trại giam Thanh Lâm (Tổng cục VIII - bộ Công an) vì phạm tội giết người. Lý do khiến Tuấn phải vướng vào vòng lao lý cũng chỉ xuất phát từ những mâu thuẫn vụn vặt trong cuộc sống thường ngày. Thế nhưng, vì sự "máu chiến", nông nổi của tuổi "ngựa non", Tuấn đã đánh đổi cả tương lai xán lạn phía trước để ngồi sau song sắt.
Trở lại nội dung vụ án, vào cuối năm 2007, khi đó Nguyễn Anh Tuấn đang là sinh viên năm thứ nhất của một trường đại học đóng trên địa bàn Hà Nội. Do chưa tìm được phòng trọ ưng ý nên Tuấn đã đến ở nhờ nhà một người bạn học cùng lớp tại tổ 31 phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Trong khoảng thời gian này, Tuấn đã nhiều lần xích mích với một nhóm thợ làm nghề xây dựng đang thi công căn nhà gần đó, đặc biệt là mâu thuẫn với anh Ngô Văn T. (SN 1980, trú tại Ninh Bình). Sau nhiều lần va chạm, đỉnh điểm của mâu thuẫn trên là vào tối 29/12/2007, Tuấn phải uất ức chuyển vào ở trong ký túc xá, tránh sự gây hấn của đám thợ xây.
Tuy nhiên, vốn còn xốc nổi, Tuấn cảm thấy cay cú vì bị bắt nạt do yếu thế nên hắn đã điện thoại cho bạn là Bành Quốc Thủy (SN 1988, trú tại thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) để cầu cứu. Theo đó, Tuấn đã kể lại toàn bộ sự việc mâu thuẫn giữa mình với nhóm thợ xây dựng và nhờ Thủy dằn mặt đối phương. Sau khi nhận lời, Thủy rủ thêm 4 chiến hữu khác, gồm: Nguyễn Quang Thành (SN 1991, trú tại Thái Bình); Nguyễn Duy Nam (SN 1990); Hoàng Sỹ Chung (SN 1987) và Vũ Ngọc Anh (SN 1990, đều trú tại thị xã Cẩm Phả, Quảng Ninh), bắt xe khách lên Hà Nội gặp Tuấn.
Những ngày ở trong trại giam, Tuấn luôn khát khao sẽ sớm được trở lại giảng đường đại học.
Tại đây, cả nhóm gồm 6 đối tượng họp nhau lại bàn bạc, thống nhất kế hoạch "cho đối thủ một trận nhớ đời". Do vẫn còn đang hăng máu, Tuấn gợi ý với các chiến hữu rằng, cứ "chơi hết tầm". Sau đó, cả nhóm chuẩn bị một số hung khí gồm dao nhọn, vỏ chai bia cho vào ba lô, rồi bắt xe buýt xuống khu vực nhà trọ có nhóm thợ xây đang ở, để thanh toán đối thủ.
Khi 6 đối tượng tới gần phòng trọ của anh T., Tuấn vào thám thính để chỉ điểm những đối thủ cần trừng trị, rồi ra ngoài né mặt, phó mặc cho đồng bọn tiến vào hành động. Ngay sau đó, các đối tượng Thủy, Nam, Chung, Thành và Ngọc Anh đã dùng dao nhọn và vỏ chai tấn công đối thủ. Hậu quả, trận tấn công bất ngờ của đám côn đồ đã khiến anh T. tử vong tại chỗ và hai người bạn cùng phòng cũng bị trọng thương. Gây án xong, Tuấn bỏ trốn về Hòa Bình, còn các đối tượng khác nhanh chóng bắt xe về Quảng Ninh.
Từ kết quả thu thập được tại hiện trường và xác minh mối quan hệ của các nạn nhân, cơ quan điều tra nhận định, anh T. vốn là thợ xây dựng tự do nhưng thời gian gần đây thường xuyên có mâu thuẫn với Tuấn. Sau khi vụ án xảy ra, Tuấn cũng bỗng dưng biến mất, không thấy xuất hiện quanh khu vực mà trước đây hắn vẫn ở nhờ. Qua áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phòng Cảnh sát Hình sự (công an TP.Hà Nội) nhanh chóng xác định, Tuấn chính là nghi can số 1 trong vụ trọng án trên nên đã vận động gia đình khuyên đối tượng này ra đầu thú sau 12 giờ gây án.
Đến khoảng 20h ngày 1/1/2008, các đối tượng còn lại cũng bị tóm gọn khi chúng đang trên đường về thị xã Cẩm Phả lẩn trốn. Với tội lỗi mà các đối tượng gây ra, hội đồng xét xử phân tích, trong vụ án trên, quá trình phạm tội có sự tham gia của nhiều người, hung khí gây án được chuẩn bị từ trước, có kế hoạch và phân công nhiệm vụ rõ ràng của từng người. Vì vậy, tội lỗi của các bị cáo tập trung nhiều tình tiết tăng nặng, với tính chất và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Từ đó, hội đồng xét xử TAND TP.Hà Nội nhận định, cần phải áp dụng hình phạt nghiêm minh đối với các bị cáo, nhằm răn đe và phòng ngừa chung. 5 đối tượng trong vụ án này lần lượt nhận mức án từ tử hình, chung thân và các mức án từ 10 đến 20 năm tù. Riêng Tuấn, tuy là kẻ chủ mưu, nhưng thời điểm gây án, hắn chưa đầy 18 tuổi nên toà chỉ xử phạt 15 năm tù.
Giờ đây, sau gần 5 năm thụ án, hơn bao giờ hết, Tuấn càng cảm thấy thấm thía cái giá của sự tự do. Hắn bảo rằng: "Những ngày cải tạo trong trại giam, em đã suy nghĩ rất nhiều. Em thực sự ân hận vì hành động nông nổi của mình. Nếu cho em làm lại thì không bao giờ em chọn cách cư xử như vậy.
Tuy nhiên... nếu nhìn nhận một cách khách quan, chính anh T. và đám bạn của anh ấy cũng cư xử không xứng là bậc đàn anh, thường xuyên cậy thế ỉ đông ức hiếp, gây tâm lý ức chế cho em. Lúc đó, em chỉ muốn làm thế nào để giải quyết thật nhanh cục tức đang dồn nén trong đầu, chứ cũng không đủ tỉnh táo để tính đến hậu quả sau này. Em không ngờ, các bạn của mình lại ra tay "nhiệt tình" đến thế. Giờ, ngồi nghĩ lại, em nhận thấy đó có lẽ là hành động sai lầm lớn nhất của đời mình. Tận đáy lòng, em muốn nói một lời xin lỗi đến gia đình các nạn nhân!".
Ước mơ sau ngày trở về
Vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống với nghề cầu đường, ngay từ nhỏ, Tuấn đã sớm tiếp xúc với những bản vẽ thiết kế, mô hình dự án. Chính điều đó đã khiến cậu ta ấp ủ ước mơ sau này sẽ trở thành một kỹ sư cầu đường, để nối nghiệp cha ông. Ngày còn đi học, Tuấn luôn cố gắng chăm chỉ việc đèn sách, học lực thường xuyên đạt loại khá.
Ngày Tuấn nhận giấy báo đỗ đại học, mọi người trong gia đình đều lấy làm tự hào, hãnh diện với hàng xóm láng giềng. Họ kỳ vọng rất nhiều vào tương lai xán lạn đang chờ Tuấn phía trước. Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, bố mẹ Tuấn bị suy sụp tinh thần khủng khiếp khi hay tin con gây án giết người chỉ sau hơn hai tháng bước vào giảng đường đại học.
Tuấn tâm sự: "Những ngày đầu mới vào thụ án trong trại giam, mỗi lần bố mẹ lên thăm, em chỉ biết ôm mặt khóc rưng rức vì cảm thấy xấu hổ. Nếu không vì sự xốc nổi của bản thân thì có lẽ giờ này em đã cầm tấm bằng tốt nghiệp trong tay, có thể vận dụng những kiến thức học trong trường để giúp ích cho xã hội. Vậy mà... em đã đánh mất tương lai, tuổi trẻ chỉ vì muốn giải quyết sự mâu thuẫn vặt vãnh trong đời thường.
Chắc bố mẹ suy nghĩ về chuyện của em nhiều lắm, mỗi lần đến thăm là em lại thấy tóc mẹ bạc đi trông thấy. Dù thế, bố mẹ vẫn luôn động viên em trong mọi hoàn cảnh, giúp em vượt qua những mặc cảm về tội lỗi. Sau nhiều đêm thức trắng, em nhận ra một điều rằng, mình đã sai thì phải biết sửa, cho dù sự sửa chữa đó có là muộn đi chăng nữa thì lòng mình vẫn cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Em tự hứa với bản thân, sẽ không làm điều gì để bố mẹ phải buồn phiền thêm. Những ngày ở trong trại giam, em luôn phấn đấu cải tạo thật tốt để được hưởng khoan hồng của pháp luật, sớm trở về với gia đình và thực hiện tiếp ước mơ trở thành kỹ sư cầu đường".
Mãi cháy bỏng niềm tin về nẻo thiện Với quyết tâm đó, suốt gần 3 năm qua, Tuấn luôn dành thời gian rảnh rỗi trong trại giam để "dùi mài kinh sử". Thông qua đài báo, hễ bộ GD&ĐT có những điều chỉnh gì về kiến thức sách giáo khoa là cậu ta lại nhờ gia đình mua, gửi vào những bộ sách mới nhất để cập nhật chương trình. Chia sẻ với phóng viên, Tuấn kể rằng: "Trước đây, trong lớp học đại học của em cũng có một người bạn từng có quãng thời gian lầm lỗi, nhưng anh ấy vẫn quyết tâm học tập và theo đuổi ước mơ. Giờ, em thấy hoàn cảnh của mình cũng tương tự như vậy nên càng cảm thấy nể phục anh ấy bởi ý chí vươn lên. Em nghĩ rằng, nếu mình chứng tỏ được mình đã là người lương thiện thì không ai lỡ loại trừ, xa lánh. Em dự định sẽ làm hồ sơ thi đại học ngay sau khi mãn hạn tù. Và em cũng tin tưởng rằng, với việc chăm chỉ ôn luyện kiến thức, cùng với sự động viên tinh thần kịp thời của gia đình và các cán bộ quản giáo trong trại giam, em sẽ tiếp tục thi đậu đại học". |
Chí Công