Ngày 17/2, Công an Đà Nẵng đã chính thức lên tiếng phủ nhận thông tin liên quan đến vụ việc một người phụ nữ bị đối tượng "xin đi nhờ xe bỏ thuốc mê" gây hoang mang dư luận. Theo cơ quan chức năng, đây là thông tin hoàn toàn sai sự thật.
Cụ thể, trong ngày 17/2, Công an Đà Nẵng phát hiện một tài khoản Facebook mang tên "Kiều Linh" đăng tải thông tin về vụ việc xảy ra vào tối 16/2.

Qua quá trình xác minh, cơ quan công an đã khẳng định, sự việc không xảy ra như thông tin Facebook “Kiều Linh” đăng tải.
Theo bài đăng, người phụ nữ này chia sẻ rằng trong lúc di chuyển trên đường Võ Văn Kiệt (quận Sơn Trà), cô bị một đối tượng lạ mặt chuốc thuốc mê. May mắn, cô kịp thời bỏ chạy vào một nhà hàng gần đó và được người dân giúp đỡ đưa đi cấp cứu. Cùng với đó, chủ tài khoản còn đăng tải một số hình ảnh bản thân đang cấp cứu tại bệnh viện.
Bài đăng này nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, với hàng ngàn lượt tương tác và chia sẻ. Thông tin này gây hoang mang dư luận, khiến nhiều người lo lắng về tình trạng an toàn trên đường phố Đà Nẵng.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Công an Đà Nẵng đã tiến hành mời chị H.K.L. (21 tuổi, trú tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), chủ tài khoản mạng xã hội "Kiều Linh", lên làm việc.
Qua quá trình xác minh, cơ quan công an đã khẳng định rằng sự việc không xảy ra như thông tin đăng tải. Cụ thể, không có việc người phụ nữ bị bỏ thuốc mê khi di chuyển trên đường Võ Văn Kiệt. Sau khi làm việc với cơ quan chức năng, chị L. đã xóa bài đăng sai sự thật.
Đồng thời, Công an Đà Nẵng cũng xác định được danh tính của nam thanh niên "xin đi nhờ xe" tên L.T.K. (19 tuổi, nhân viên của một quán nhậu trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh).
Theo lời kể của K., vào 22h ngày 16/2, sau khi làm việc tại quán nhậu, anh này đã bắt xe grap để đến cầu Rồng uống nước.
Đến khoảng 23h30 cùng ngày, khi đang đi bộ trên đường Võ Văn Kiệt, K. đã nhờ một người phụ nữ chở giúp về lại quán nhậu. Tuy nhiên, do không có mũ bảo hiểm, người phụ nữ đã từ chối chở anh ta.
K. sau đó nhờ người phụ nữ gọi xe grab giúp nhưng không rõ lý do vì sao chị này không thực hiện yêu cầu.
Chị này bất ngờ lái xe đi, còn câu chuyện về việc bỏ thuốc mê hoàn toàn không xảy ra. K. cũng khẳng định không biết gì về việc này cho đến khi công an mời lên làm việc.

Facebook "Kiều Linh" đã đính chính sự việc.
Đến chiều 17/2, chị L. cũng đã đính chính trên trang mạng xã hội cá nhân của mình. Trong đó, chị này viết: "Sau khi tiến hành kiểm tra sức khỏe (xét nghiệm máu) và quá trình làm việc với cơ quan công an, tôi nhận thấy việc đăng tải bài viết trên là mang tính chất nhận định chủ quan của tôi.
Vì thông tin này không đúng sự thật, nên tôi mong mọi người không tiếp tục lan truyền chia sẻ thông tin gây dư luận xấu ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của thành phố".
Công an Đà Nẵng tiếp tục khuyến cáo người dân cảnh giác với các thông tin không chính xác được chia sẻ trên mạng xã hội, đồng thời nhấn mạnh sẽ xử lý nghiêm các trường hợp tung tin giả gây hoang mang dư luận.