Sáng 23/10, bác sĩ Phạm Thanh Thúy – Phòng khám Chuyên khoa Tai Mũi Họng, bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc cho biết, các bác sĩ của phòng khám vừa tiến hành gắp một con vắt sống trong cuốn mũi một nam thanh niên ở Hà Nội.
Theo đó, bệnh nhân Nguyễn Hoàng H. đến khám do mấy ngày gần đây thấy hắt hơi, ngạt mũi, nước mũi có máu và ho nhẹ. Bệnh nhân được bác sĩ Phạm Thanh Thúy khám vùng tai và hòm họng, không có dấu hiệu bị tổn thương. Nhưng đến khi khám mũi, thấy các cuốn mũi bị sung huyết, khe giữa mũi phải có dị vật sống đang “ngoe nguẩy” bên trong cuốn mũi của người bệnh, theo báo Lao động.
Bác sĩ Thúy hết sức bất ngờ, nghi ngờ dị vật trên là con đỉa hoặc con vắt. Hỏi bệnh, lúc này anh H. mới cho biết, khoảng chục ngày trước, anh có chuyến đi phượt rừng bằng xe đạp cách Hà Nội 60 km và tại đây có ghé vào khe suối hứng nước nhưng không hề biết có con vắt chui vào mũi, miệng lúc nào. Bản thân bệnh nhân cũng vô cùng sợ hãi và lo lắng khi bác sĩ nói phát hiện con vắt sống trong mũi.
Các bác sĩ đã tiến hành nội soi và gắp dị vật cho bệnh nhân. Dị vật được lấy ra là con vắt. Sau khi dị vật được lấy ra,bệnh nhân được vệ sinh sạch sẽ vùng mũi họng.
Bác sĩ Dương Văn Tiến - Trưởng phòng khám Tai Mũi Họng cho biết: Trường hợp của bệnh nhân H là một dạng “dị vật sống đường thở” cần phải tiến hành lấy ra luôn nếu không sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe, theo An ninh thủ đô.
Loại dị vật sống trong đường thở có một số đặc điểm:
- Loại dị vật này thường cư trú ở các khu vực như mũi, thanh quản, và hạ thanh môn. Chúng thường xâm nhập vào trong cơ thể qua các đường mũi (là chủ yếu), miệng, các vùng kín trong cơ thể (nhưng rất ít).
- Chúng có giác bám, bám vào lớp niêm mạc mũi, hút máu, đặc biệt hút máu tạo ra chất không đông nên thường không gây đau, rát nhưng khi chúng nhả ra sẽ gây ra chảy máu.
- Khi cư trú trong mũi, chúng gây kích ứng mũi, ngạt mũi, chảy máu mũi, khó chịu trong mũi. Ở thanh quản gây ra hiện tượng khó thở và rất khó chịu.
- Chúng hút máu và có kích thước lớn dần lên mỗi ngày.
- Dị vật thường chỉ cư trú ở mũi, thanh quản, không xuống dạ dày vì dạ dày có dịch vị axit, chúng khó có thể tồn tại và phát triển được.
- Dị vật lưu trú ở vùng miệng dễ gắp hơn đường mũi, nhưng vì đặc trưng chúng thường cư trú ở những vùng khô ẩm, nên ít cư trú ở vùng miệng mà thường cư trú ở vùng mũi.
Phong Linh (tổng hợp)