"Đồng minh tự nhiên" tranh cãi
Cái chết của 33 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ trong một cuộc không kích ở tỉnh Idlib hôm 27/2 đã đưa số người Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng ở Syria lên con số gần 50 chỉ trong một tháng.
Với sự kiện này, giới phân tích tin rằng nó như một lời xác nhận cho sự thất bại của thỏa thuận ngừng bắn ở Sochi năm 2019 giữa Moscow và Ankara. Diễn biến hiện tại đang chuyển thành một cuộc chiến tranh ở Syria, theo Strategist.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Ankara và Moscow là rất phức tạp. Hai nước được cho là bị ràng buộc lợi ích bởi tầm nhìn giống nhau giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, nhưng lại bị chia rẽ bởi sự cạnh tranh chiến lược ở Trung Đông. Do đó, thật khó để dự đoán cuộc khủng hoảng ở Idlib sẽ diễn ra như thế nào.
Ở nhiều khía cạnh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể được coi là đồng minh tự nhiên. Mỗi bên đang tìm cách xây dựng một vai trò toàn cầu cho mình bằng cách tận dụng sự suy giảm về sức mạnh và quyền lực trên trường quốc tế của Mỹ.
Cây bút Connor Dilleen của tờ Strategist nhận định, Tổng thống Erdogan và Tổng thống Putin đều là các nhà lãnh đạo thực tế và có tính thực dụng chính trị, có thể nhận ra và khai thác các cơ hội để đạt được các mục tiêu trên khắp Trung Đông.
Cả hai cũng có chung thái độ không hài lòng với phương Tây. Yếu tố mang tính biểu tượng nhất trong mối quan hệ giữa ông Putin và ông Erdogan là quyết định của Ankara trong việc mua hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất, một sự đánh đổi mối quan hệ với Washington và các đồng minh NATO.
Nhưng ở thời điểm hiện tại, cuộc đối đầu giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria được coi là minh chứng cho điểm giới hạn hợp tác giữa Moscow và Ankara, khi tham vọng địa chính trị tương ứng của hai nước không tương thích và là lý do giải thích vì sao liên minh này thất bại.
Vấn đề của Tổng thống Erdogan và Tổng thống Putin là cả hai đã đầu tư rất nhiều vào việc theo đuổi những mục tiêu trái ngược trong cuộc chiến ở Syria và không ai trong số họ chịu nhường bước.
Tổng thống Erdogan đã nỗ lực rất nhiều để chứng minh rằng Ankara có thể thực thi ý chí của mình trên khắp Trung Đông, và một thất bại ở Idlib sẽ là một đòn giáng vào cái tôi và uy tín cá nhân của ông, cả trong và ngoài nước.
Tương tự như vậy, Tổng thống Putin đã biến Syria thành trung tâm trong kế hoạch của mình để Moscow thay thế Washington làm trung gian hòa giải chính trong các cuộc xung đột ở Trung Đông.
Thất bại trong việc giúp chính quyền Tổng thống Assad tái khẳng định sự kiểm soát của Damascus đối với Idlib sẽ làm giảm nghiêm trọng uy tín của Nga trong khu vực.
Tổng thống Putin "nắm thóp" Thổ Nhĩ Kỳ
Trước ngày 27/2, Tổng thống Erdogan đã thể hiện lập trường sẵn sàng giảm căng thẳng ở Idlib bằng cách chấp nhận đề nghị từ Đức và Pháp trong việc đàm phán với Nga về Idlib tại Istanbul vào ngày 5/3.
Nhưng ông Erdogan dường như đã có một nền tảng vững chắc hơn để tiếp tục cuộc chiến sau các sự kiện tuần trước.
Sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Putin, ông Erdogan tuyên bố đã yêu cầu Nga đứng ngoài cuộc chiến giữa Ankara với chính quyền Assad. Ankara cũng đã phát động chiến dịch Spring Shield nhắm vào lực lượng chính phủ Syria hoạt động tại Idlib.
Dẫu vậy, Tổng thống Erdogan biết rằng Ankara đang bất lực trong việc chống lại uy quyền trên không của Nga trong khu vực. Hệ thống phòng không S-400 của nước này không thể đi vào hoạt động ít nhất là cho đến tháng 4.
Sự tuyệt vọng của Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện rõ trong lời đề nghị đầu tháng 2 gửi tới Washington, với yêu cầu Mỹ mang hệ thống tên lửa phòng không Patriot đến trợ giúp. Hơn bao giờ hết, sự can thiệp của Washington là rất quan trọng đối với cá nhân ông Erdogan. Nó được coi là cơ hội để Ankara chuẩn bị giành lại thế thượng phong ở Idlib.
Ankara cũng hiểu rằng hình ảnh của mình đang ngày càng trở nên xấu xí hơn sau những hành động quân sự ở Syria và Libya. Các quốc gia như Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập đều lên án chủ nghĩa phiêu lưu quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria là vi phạm chủ quyền, mặc dù chính một số quốc gia này cũng ủng hộ mạnh mẽ các nhóm phiến quân Syria trong cuộc chiến.
Và sau các lời đe dọa mở cửa biên giới cho người tị nạn Syria đến châu Âu, Ankara cũng phải thừa nhận rằng có rất ít tiếng nói thông cảm đối với họ ở lục địa già.
Tổng thống Putin hoàn toàn hiểu các vấn đề nói trên của Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ dùng nó làm “vũ khí” trong cuộc đàm phán với người đồng cấp Erdogan vào ngày 5/3. Nhà lãnh đạo Nga cũng hiểu rõ rằng, Moscow đang giữ được sự cân bằng quyền lực trong mối quan hệ với Ankara và có nhiều đòn bẩy hơn mà họ có thể triển khai ở Syria.
Chìa khóa của cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ là liệu Moscow và Ankara có thể dung hòa được các ưu tiên chiến lược đang trở thành thứ cạnh tranh trong mối quan hệ của họ và tìm ra điểm chung cho câu hỏi ở Idlib hay không.
Rủi ro đối với Tổng thống Erdogan là ông đang đối mặt với người đồng cấp Putin – một nhà lãnh đạo tỏ ra lão luyện trong việc sử dụng “ngoại giao cưỡng chế” để “bẻ cong” Thổ Nhĩ Kỳ theo ý mình và ông Putin sẽ tiếp tục làm như vậy để buộc ông Erdogan chấp nhận thỏa hiệp ở Idlib.
Với những sự kiện gần đây, giới phân tích tin rằng ngay cả một thỏa thuận không có nhiều thuận lợi cho Ankara ở Idlib vẫn tốt hơn là không có thỏa thuận nào.
Hơn cả, nó có thể cung cấp cho cả hai nhà lãnh đạo Erdogan và Putin một cơ hội để cân nhắc tầm quan trọng của các mục tiêu ở Syria so với giá trị của mối quan hệ hai nước trên bình diện rộng lớn hơn.