Từ Hét đến Nhất Nam
Gặp thầy Ngô Xuân Nhuần (bào huynh của Giáo sư, Viện sĩ, Võ sư, Chưởng môn Ngô Xuân Bính) sau buổi ông nhận chức vụ Chủ tịch Liên chi hội di sản võ cổ truyền Sông Lam (Nghệ An) thuộc hội Di sản văn hóa Việt Nam. Vị Đại võ sư ngoài lục tuần hào hứng chia sẻ với chúng tôi những câu chuyện võ thuật.
Tìm hiểu về môn phái võ Nhất Nam, chúng tôi được biết đây là dòng võ có nguồn gốc thuần Việt, không pha tạp, lai căng với bất kỳ dòng võ nào có nguồn gốc nước ngoài. Theo ông Mai Văn Muôn – nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT thì võ Nhất Nam là một môn võ có nguồn gốc vào loại cổ xưa nhất của người Việt.
Từ hàng trăm, hàng nghìn năm trước, trên vùng lưu vực sông Mã, sông Lam (châu Ái, châu Hoan cổ) hình thành nên dòng võ Hét dân gian, tồn tại trong các cộng đồng làng xã, từ cuộc sống lao động nông nghiệp của cư dân Lạc Việt, từ cuộc chiến đấu với muông thú, giặc giã của dân địa phương. Qua hàng nghìn đời, lớp người trước truyền lớp người sau, võ Hét không ngừng được các cụ ta vun bồi, phát triển thành một môn công đặc dị và toàn diện, với hệ thống môn công đồ sộ và toàn diện, từ quyền thuật, binh khí, kỹ thuật luyện nội – ngoại công, y võ cùng những triết lý nhân bản, tâm pháp để giáo dục người luyện võ.
Trong lịch sử, võ Hét đã có những đóng góp lớn lao trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc. Cha ông của võ sư Thuần có cụ Ngô Phan (bộ tướng của tướng quân Lê Sát), là người chém đầu Liễu Thăng trong trận Ải Chi Lăng. Mùa xuân Kỷ Dậu 1789, trong đoàn quân theo chân vua Quang Trung giải phóng thành Thăng Long, có nhiều tiền bối của dòng võ này đã tận trung báo quốc dưới chân đồn Ngọc Hồi, Khương Thượng, Đống Đa...
Võ Hét từng cực thịnh trong nhiều thế kỷ, rồi lại “lặn” vào dân gian, tồn tại dưới dạng các gia phái sau cuộc truy sát của vua Gia Long trả thù những người đã giúp nhà Tây Sơn. Gia đình Đại võ sư Ngô Xuân Nhuần là một gia phái như vậy. Đầu thập kỷ 80, em trai thầy Nhuần là Võ sư Ngô Xuân Bính, với thiên tư đặc biệt, đã được các cụ bô lão dòng võ Hét bầu chọn làm Chưởng môn nhân, khi ông mới 21 tuổi. Sau đó, ông tuyên hiệu “Nhất Nam” cho dòng võ này và đưa ra phát triển công khai. Đến nay võ Nhất Nam đã phát triển mạnh mẽ tại nhiều quốc gia.
Bàn chuyện “Khuyển quyền”
Nhân năm Tuất, chúng tôi hỏi thầy Nhuần rằng võ Nhất Nam có những kỹ thuật mô phỏng “chiêu thức” của những chú “khuyển” – (chó) hay không. Dứt tiếng cười hào sảng và sung mãn, vị Đại võ sư cho biết: “Võ Nhất Nam bắt nhại kỹ thuật chiến đấu của nhiều loài vật, như trăn rắn, hổ báo, gấu mèo, gà khỉ... Nhưng không có bài quyền, thế võ nào “học” từ loài chó – vốn là loài vật gần gũi trong đời sống con người. Bởi vì, theo quan sát của tôi, chó chỉ có “bài” cắn, nhay, rứt... bằng cặp hàm chắc khỏe. Thứ đó không “tương thích” với con người. Với lại, tôi thấy việc cắn nó “tiểu nhân”. Có thể vì thế mà các cụ ta không “bắt nhại” loài vật này để đưa vào võ thuật”.
Võ sư Nhuần cho biết, trong võ Nhất Nam cổ xưa, có những kỹ thuật đánh bằng đầu, cụ thể là đập trán của mình, hoặc 2 ngạnh vào giữa mặt đối phương, trong những tình huống cận chiến hoặc 2 tay, chân bị khống chế. Lực đánh bằng cú gật, lắc đầu như vậy tương đương hoặc mạnh hơn cả một đòn đánh bằng tay, điều quan trọng là tạo ra sự bất ngờ hoàn toàn cho đối phương. Tuy nhiên, những kỹ thuật đó không phải mô phỏng từ cách đánh của loài chó.
Cùng tiếp chuyện với chúng tôi còn có con nuôi thầy Nhuần là Trung tá, Nhà văn Đào Trung Hiếu, Huấn luyện viên trưởng, Chủ nhiệm CLB võ Nhất Nam Yên Hòa và Nhất Nam Việt Hưng (Hà Nội). Hỏi về “Khuyển quyền”, thầy Hiếu cho biết môn công bắt nhại cách đánh của chó có trong võ thuật Trung Hoa, thường gọi là “Địa thuật khuyển pháp”, được phát triển từ vùng Phúc Kiến, tương truyền vào cuối Minh đầu Thanh.
“Khuyển quyền” có đặc điểm là vừa đánh vừa lăn lộn trên nền đất, đòn cương mãnh, bộ pháp đa dạng, phát huy uy lực chính ở dưới đất. Thầy Hiếu nói: “Hiện nay nhiều phái võ có nguồn gốc Trung Hoa có các bài quyền mô phỏng cách đánh của loài vật, nhưng kỹ thuật khác hẳn võ Nhất Nam của người Việt. Sự chuyển hóa các kỹ thuật chiến đấu bản năng của loài vật vào võ Nhất Nam, có thể nói là rất “nhuyễn”, biến thành tinh thần, thành yếu quyết trong công thủ, chứ không chỉ mô phỏng về “xác”, tức là bắt chước sao cho giống hệt cú đánh của loài vật từ điệu bộ, động tác, có phần nặng về tính tạo hình, biểu diễn”.
Về sự khác biệt căn bản giữa “võ ta” và “võ tàu”, thầy Hiếu giải thích: “Người phương Bắc thể trạng to khỏe hơn dân phương Nam, nên võ của họ thiên về dùng sức mạnh, với những đòn đánh cương mãnh, có lề luật và trường đòn. Trong khi dân ta vốn bé nhỏ hơn, nên không thể khoa trương, bay nhảy... mà cách đánh hết sức thực dụng. Có thể nói võ ta độc địa, mang tính khắc sát rất cao và không có “niêm luật”, kỷ cương như họ, tức là lấy hiệu quả chiến đấu làm thước đo, chứ không quá chú trọng hình thức. “Một thế chứa trăm vạn thế, trăm vạn thế thu về một thế”.
Yếu lĩnh của võ ta là tận dụng lợi thế của tầm vóc nhỏ dễ tránh né để thoát đòn, chứ không chủ trương đối lực, rồi tận dụng thời cơ địch sơ hở để áp sát và bung ra những seri đòn bằng kỹ thuật cận chiến gật lắc cổ tay, xoay đảo các khớp để tạo lực công phá, tiết kiệm tối đa khoảng cách và thời gian khi ra đòn. Ta đã chạm vào địch thủ là công ồ ạt như mưa dội, đá lăn vào các huyệt đạo như mắt, hạ bộ, yết hầu... để dứt điểm ngay, chứ để địch thủ thoát được ra thì rất nguy hiểm (cười)”.
Cũng theo thầy Hiếu, võ cổ truyền cầu kỳ, khó học và hiện nay có nhiều loại võ “mỳ ăn liền” du nhập vào Việt Nam. Chỉ 5 đòn để bảo vệ mình và không có quyền thi đấu. Tuy nhiên, câu chuyện ở đây lại hoàn toàn khác, võ thuật không có sự độc tôn, độc quyền. Tự người học họ biết được mình phải theo cái gì, yêu vốn cổ của dân tộc vẫn học võ cổ truyền. Bởi võ cổ truyền ẩn chứa một kho báu văn hóa ứng xử.
Tán thành với luận giải của người con nuôi, Đại võ sư Ngô Xuân Nhuần cho biết thêm: “Cách đánh của người Việt là dùng đoản binh chế trường trận. Binh pháp “nắm chắc thắt lưng địch mà đánh” trong kháng chiến chống Mỹ cũng đi ra từ yếu lĩnh này. Có thể nói, tinh diệu “Lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh” của nghệ thuật quân sự Việt Nam, đã chứa đựng phương châm tự vệ chiến đấu từ hàng ngàn đời nay của tổ tiên người Việt và được phản ánh rất rõ trong “võ ta".