Nạn hành hung với thuật dùng ‘uyển ngữ’!

Nạn hành hung với thuật dùng ‘uyển ngữ’!

Trương Ngân Hà

Trương Ngân Hà

Thứ 2, 24/10/2016 11:32

"Uyển ngữ độc đáo ở chỗ dùng để... nói tránh rất linh hoạt. Nào là cảnh sát “giơ gậy”, “giơ chân” mà người tham gia giao thông té xuống đường..."

Xi nhan Trái Phải - Nạn hành hung với thuật dùng ‘uyển ngữ’!

 Ông Trần Dương Tùng "vỗ" vào đầu bà Quỳnh Anh. Ảnh cắt từ clip.

Uyển ngữ là biện pháp tu từ từ vựng tiếng Việt; thường dùng để nói giảm, nói tránh nhằm thể hiện sự tinh tế nhẹ nhàng trong giao tiếp đời sống và trong văn học.

Thời nào cũng vậy, uyển ngữ luôn biểu đạt tính thẩm mỹ, lịch sự lẫn dối trá, tồn tại... sâu bền giống hệt nạn tham nhũng và phát triển... rộng khắp tựa muôn nơi ồ ạt ngăn sông làm thủy điện.

Nhờ sử dụng uyển ngữ nên diễn ngôn hàng ngày trở nên trang trọng, hàm súc,  tế nhị; tránh kích động, miệt thị xúc phạm người khác. Ví như thông báo về cái chết, người ta hay nói là “qua đời”, “tử vong”, "quy tiên", "từ trần" hoặc “khuất núi” gì gì đó để thay thế cho thực nghĩa “chết queo”. Còn hành vi “chôm chỉa” trong sáng tác – lĩnh vực văn chương, thì được gọi uyển chuyển bằng “cầm nhầm”.

Thực tiễn dễ nhận thấy, người có văn hóa chẳng bao giờ mở miệng chê kẻ khác “ngu như bò”, mà họ dùng uyển ngữ rằng “trình độ còn hạn chế”. Tương tự, tâm lý người phụ nữ sẽ không vui nếu nghe nam giới gọi mình bằng “bà già” thay vì nói “không còn trẻ”. Lùn thì “chiều cao khiêm tốn”, mập “múp míp dễ thương”, thậm chí “anh chàng chưa được đẹp” như nhân vật Tùng Sơn (cùng ê kíp) đang giở những chiêu trò dị hợm hòng kiếm tiền trên facebook, cũng không ai huỵch toẹt chế nhạo “hàm răng hô” với đôi môi trề xấu xí, chỉ thỉnh thoảng thấy vài bạn đánh tiếng hỏi mượn “cái bàn nạo dừa” do thấy bày ra... bén ngót!

Tóm lại, ở thời đại văn minh, uyển ngữ tự hình thành nguyên tắc, là công cụ “khuôn phép” không thể thiếu trong giao tiếp. Tuy nhiên, nếu lạm dùng uyển ngữ để định nghĩa sai vấn đề vì mục đích cá nhân thì thế tất trở thành kẻ “nói láo”, mà uyển ngữ gọi bằng “nói không đúng sự thật”.

Liên quan đến thuật dùng uyển ngữ gây “chết cười” liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây, để tiện hình dung, có thể điểm sơ qua vài sự kiện:

Vào khoảng 2h chiều ngày 18/10, tại sân bay Nội Bài, bà Nguyễn Lê Quỳnh Anh – Phó đội trưởng Đội dịch vụ hành khách đi, Trung tâm khai thác Nội Bài (Vietnam Airlines) đã bị hai hành khách hành hung.

Được biết, nhị vị mày râu “ra oai” với phái đẹp trước bàn dân thiên hạ gồm có ông Đào Vịnh Thuấn 37 tuổi và Trần Dương Tùng 32 tuổi, cùng trú Hà Nội. Cả hai là hành khách đi chuyến bay VN7265 chặng Hà Nội – TP. HCM.

Theo hình ảnh từ camera Trung tâm An ninh hàng không Nội Bài ghi lại, cũng như căn cứ lời khai thể hiện trong biên bản làm việc thì ông Thuấn là người đã túm cổ áo bà Quỳnh Anh, còn ông Tùng dùng tay đánh mạnh vào đầu bà Quỳnh Anh nhiều cái khiến bà bị choáng váng, buồn nôn phải đưa đến bệnh viện Xanh Pôn để kiểm tra sức khỏe.

Sau khi sự việc xảy ra, Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh thảng thốt: “Hai người đàn ông giữ một phụ nữ yếu ớt để hành hung giữa nơi công cộng thì rất phản cảm và đáng hổ thẹn. Đáng nói hơn ở đây có cả cán bộ ngành giao thông Hà Nội. Tôi đề nghị lãnh đạo TP xử thật nghiêm để răn đe”.

Thế nhưng, trao đổi với báo giới, hai hành khách này đều khẳng định mình không làm gì sai. Ông Thuấn bảo rằng ông không bóp cổ bà Quỳnh Anh, chỉ là “cậu em đi cùng tôi bức xúc, có cầm chiếc ví da đựng tiền vung lên trúng tay một đồng chí công an chứ không có gì cả”. Còn ông Tùng... bộc bạch rất khác “lúc nóng giận nên có vỗ vào đầu người phụ nữ”...

Cuối cùng thì chẳng “đại trượng phu” nào tự nhận mình đánh, bóp gì ai mà chỉ có vỗ - vung tay thôi, mặc dù hình ảnh ghi nhận trung thực từ camera vẫn còn hiển hiện lềnh khênh trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Thuật dùng uyển ngữ vỗ - vung tay tuy nghe mắc cười, nhưng suy ra vẫn chưa... điệu đà bằng sự cố “gạt tay trúng má” của mấy anh hình sự Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) làm tóe máu mồm phóng viên Quang Thế (báo Tuổi Trè) gây bất bình dư luận suốt thời gian qua.

Xi nhan Trái Phải - Nạn hành hung với thuật dùng ‘uyển ngữ’! (Hình 2).

Cảnh sát hình sự huyện Đông Anh (Hà Nội) "gạt tay vào má" phóng viên Quang Thế (báo Tuổi Trẻ). Ảnh Internet.

Có thể nói, nạn hành hung với thuật dùng “uyển ngữ” đang ngày càng khăng khít trơ trẽn song hành, không những trong dân mà người lạm dụng còn có cả cán bộ nhà nước, từ miền xuôi lên đến miền ngược.

Như tại Đắk Lắk, trong tiệc mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam - 20/10 vừa qua, lúc trà dư tửu hậu, ông Nguyễn Hữu Truyền – Bí thư Đảng ủy xã Ea Bar đã đánh ông Nguyễn Hưng là cán bộ địa chính xã bầm dập mặt mày.

Bị hại gửi đơn đến cơ quan chức năng đề nghị làm rõ vụ việc “Ông Truyền cầm chai bia đập mạnh xuống bàn rồi chửi tôi. Ông ấy đi tới đạp tôi ngã xuống đất. Dùng cùi chỏ đánh vào mặt làm sưng má, dập môi...”

Trả lời về hành động của mình, ông Truyền cho biết “Trong lúc nóng giận có tát một cái cảnh cáo".

Xi nhan Trái Phải - Nạn hành hung với thuật dùng ‘uyển ngữ’! (Hình 3).

Ông Nguyễn Hưng - Cán bộ địa chính xã Ea Bar, cho xem vết thương trên mặt khi bị đánh. Ảnh: VnExpress.

Đó, uyển ngữ độc đáo ở chỗ dùng để... nói tránh rất linh hoạt. Nào là cảnh sát “giơ gậy”, “giơ chân” mà người tham gia giao thông té xuống đường; ông Phó giám đốc Sở nọ “bốc hốt” chỗ kín của nữ tạp vụ thì bảo “quàng tay qua hông” v.v...

Ôi, “uyển ngữ” diệu kỳ. Ai cười mặc ai, “cười không nhặt được mồm” cũng thây kệ!

Lệ Hoa

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.