Cơn bão kinh hoàng Haiyan quét qua Philippines khiến khoảng 10.000 người chết, san bằng nhiều khu vực. Những người may mắn sống sót đang phải vật lộn từng ngày để có thể tồn tại bằng mọi giá, từ bới rác, cướp bóc đến cả lần mò thi thể nạn nhân, mong trên cơ thể họ có thứ gì ăn lúc đói lòng.
Những người sống sót thảm thiết cầu xin sự giúp đỡ: “Mọi thứ tồi tệ hơn cả địa ngục. Chúng tôi không còn gì để ăn. Nếu có thể, xin vui lòng cho chúng tôi thực phẩm”.
Trong khi đó, giữa cảnh hoang tàn đổ nát, những thi thể bốc mùi nồng nặc, những đứa trẻ vây quay một chiếc giếng trong thành phố bị cơn bão san bằng, vốc lấy nước uống và đổ đầy vào cốc và bình.
Chẳng còn nước sạch, những nạn nhân may mắn sống sót sau cơn bão kinh hoàng uống bất kì thứ nước gì có thể, bất kể chúng đen ngòm, đầy rác.
Mùi xú uế từ các thi thể làm người dân Philippines phải che mũi khi đi lại.
Em Roselda Sumapit cho biết: “Mặc dù chúng em biết nó không sạch sẽ và an toàn, nhưng vẫn phải uống để tồn tại”.
Đây chỉ là một trong những cảnh thương tâm mà phóng viên CNN chứng kiến tại Philippines, sau khi siêu bão mạnh nhất thế giới Haiyan đổ bộ vào nước này khiến khoảng 10.000 người chết.
Xác chết phơi dưới nắng
Cơn bão đi qua đã 5 ngày, nhưng thi thể người vẫn còn ở khắp nơi, vất vưởng trên các cành cây, nằm la liệt giữa những đống đổ nát, trên đường.
Ông Richard Gordon, Chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ Philippines cho biết: “Chúng tôi thấy rất nhiều xác chết ngập trong nước, trên cầu, đường”. Các nhân viên cứu trợ nhìn thấy rất nhiều thi thể nổi lập lờ trên mặt nước.
Một số người chỉ được chôn cất sơ sài, số khác vẫn đang phơi dưới nắng mặt trời. Phóng viên của các đài truyền hình tại hiện trường phải đeo khẩu trang vì mùi xú uế.
Cướp bóc
Thiếu thức ăn và nước uống trầm trọng khiến những nạn nhân rơi vào cảnh tuyệt vọng. Họ cướp phá các cửa hàng trong thành phố Tacloban. Chủ sở hữu của các cửa hàng này thậm chí còn phải dùng đến vũ khí để bảo vệ tài sản của mình.
Ông Richard Young, một doanh nhân địa phương cho biết: “Chúng tôi có vũ khí. Chúng tôi phải bảo vệ tài sản của mình”.
Các nhà chức trách đã phải cử cảnh sát và quân đội tới khu vực này để lập lại trật tự.
Lực lượng vũ trang Philippines phải cử thêm 700 quân tới Tacloban hôm 12/11, nâng tổng số lên 1.000, trong đó có 300 đặc nhiệm và các kỹ sư quân đội.
Nhờ truyền hình gửi thông điệp đến người thân
Cảnh đổ nát hoang tàn sau cơn bão đi qua.
Tại Leyte, một trong những khu vực thiệt hại nặng nề nhất do bão Haiyan, một nạn nhân yêu cầu đài truyền hình CNN gửi tin nhắn cho người thân ở nước ngoài.
Người đàn ông khóc nức nở: “Tôi chỉ muốn cho người thân biết rằng, Josie (con gái anh) đã chết. Xin hãy tha thứ cho tôi. Tôi không thể cứu con bé, vì chúng tôi bị tách rời nhau khi sóng lớn đánh vào… Tôi không thể giữ con tôi. Thi thể của con bé đã ở ngoài kia ba ngày rồi”.
Một người đàn ông khác nén nỗi đau nói trên truyền hình ABS-CBN: “Gửi tới vợ tôi đang sống ở Virginia (Mỹ). Anh biết em sẽ theo dõi truyền hình, Justin và Ella đã chết. Cả hai đứa…”.
Lam Kiều (Theo CNN, Dailymail)