Liên quan đến cuốn sách “Đặc trưng văn hóa dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (trong sự so sánh với các dân tộc khác)” của ông Nguyễn Đức Tồn, vốn là căn cứ để ông Nguyễn Đức Tồn đưa ra xin xét phong GS trước đây, lại có dấu hiệu sao chép khá nhiều từ các luận án, bài báo của học trò mình.
Là một trong những học trò của ông Tồn, bà Nguyễn Thúy Khanh cho biết, vấn đề đã được đặt ra và giải quyết cách đây mười năm, từ khi bà còn chưa nghỉ hưu. “Nay vấn đề này lại được đặt ra. Đúng hay sai, tên tuổi của tôi vẫn bị nêu lên mặt báo chí. Đó là sự xúc phạm đến danh dự cá nhân tôi và một số người khác có liên quan, mặc dù chúng tôi chỉ là nạn nhân của những cuộc xung đột. Hơn nữa, cũng ảnh hưởng không ít đến hình ảnh của các nhà khoa học Việt Nam”, bà Khanh nói.
Trước những rắc rối mà mình gặp phải từ câu chuyện này, bà Khanh bức xúc: “Thiết nghĩ, đây là một vấn đề mang tính khoa học của những người làm công tác khoa học. Rất cần thiết có một hội đồng khoa học xem xét, đối chứng cụ thể và giải quyết dứt điểm. Lúc đó, cần thiết, chúng tôi sẽ có mặt. Việc này đã từng được thực hiện vào năm 2007 và tốn khá nhiều thời gian của mọi người, nhưng rất tiếc chưa được giải quyết đến nơi đến chốn”.
Trở lại câu chuyện chuyên môn, bà Khanh đặt câu hỏi: “Nếu ông Tồn có thể “giúp đỡ quá mức cần thiết” với bà và tương tự, với Cao Thị Thu, Nguyễn Thanh Hà, Huỳnh Thanh Trà, thì tại sao ông không tự viết cho mình một cuốn sách của ông mà lại phải gộp nguyên xi công trình của nhiều học trò và cộng sự như vậy?”.
“Với khả năng của ông Tồn, tôi biết, ông dư sức viết một cuốn về “Đặc điểm văn hoá dân tộc và tư duy ngôn ngữ của người Việt” trên cơ sở các tư liệu, kết quả nghiên cứu, các bài viết của học trò và cộng sự. Tôi nhấn mạnh là, trên cơ sở tư liệu và kết quả nghiên cứu, chứ không phải bê nguyên xi”, bà Khanh nói.
“Cho dù có vội vàng cấp bách để kịp phong học hàm thì sau lần trượt ban đầu, lẽ ra ông nên bình tâm ngồi viết và in lại, hơn là để thời gian vu cáo, chạy chọt, kiện tụng làm ảnh hưởng đến Viện và rất nhiều người. Như vậy có đàng hoàng không?”, học trò của ông Nguyễn Đức Tồn đặt câu hỏi.
“Nếu theo cái lý của ông Tồn, văn phong trong luận án của tôi là giống văn phong của ông Tồn, vậy các bài viết khác của tôi ngoài luận án thì sao, cũng bị ảnh hưởng phong cách, văn phong của ông Tồn à?”, bà Khanh lập luận.
“Tôi không muốn phá vỡ cuộc sống yên bình của mình vì những chuyện không đáng có. Chúng tôi là những người làm khoa học nghiêm túc, đàng hoàng và có lòng tự trọng. Chúng tôi cũng không ham hố chức danh và học hàm, học vị. Những năm trước đây, khi xảy ra chuyện này và gần đây, tôi cũng không bao giờ đọc những bài viết kiểu này. Tôi không muốn bị lôi vào cuộc, vì tôi biết rõ công việc và con người mình hơn ai hết. Ngoài ra, còn có những đồng nghiệp của tôi. Tôi nói ra những điều này vì cũng phải một lần lên tiếng cho rõ quan điểm”, bà Khanh nói trong sự mệt mỏi khi câu chuyện này ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống của bà.
Cuối cùng, bà Khanh cho rằng, với những phát ngôn của mình, GS. Nguyễn Đức Tồn cần đưa ra lời xin lỗi: “Theo tôi, ông Nguyễn Đức Tồn nên bình tâm suy nghĩ lại, sai đâu thì sửa đấy. Có lẽ, mấu chốt là ở chỗ ông nghĩ, như ông đã từng nói: Tôi hướng dẫn thì tôi có quyền lấy. Nhưng chúng ta đang sống và làm việc theo luật pháp. Không nên cãi cố mà trở thành xúc phạm những người đã từng là bạn mình. Đã đến lúc những người nói lời vu cáo và những người biện hộ cho những lời vu cáo đó phải xem xét lại và có lời công khai xin lỗi tôi”.