Để hiểu rõ hơn về quá trình tìm thi thể nạn nhân trong vụ BS Tường ném xác nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền xuống sông Hồng phi tang, PV đi cùng các chiến sĩ CS đường thủy, Phòng CS đường thủy, Công an TP Hà Nội dọc sông Hồng.
Vừa là người tham gia tìm kiếm thi thể nạn nhân, vừa là người chỉ huy, thượng tá Nguyễn Văn Cương, Phó trưởng phòng CS đường thủy, Công an TP. Hà Nội, tâm sự: “Lương tâm anh em chúng tôi cũng như người nhà nạn nhân vậy. Khó khăn đến mấy, anh em chúng tôi cũng phải tìm thấy thi thể nạn nhân, lúc đó mới thoải mái được”.
“Đến lúc này, chưa tìm thấy thi thể nạn nhân, dư luận có quyền đặt ra câu hỏi, liệu BS Tường có vứt xác xuống sông Hồng không (?) hay không tìm thấy… Bên cạnh đó, dư luận cũng như gia đình nạn nhân mong mỏi là tìm thấy xác nạn nhân càng sớm càng tốt. Theo lời khai của hung thủ, thi thể nạn nhân không bị buộc hay trói gì cả, cứ thế là ném xuống sông Hồng”, thượng tá Cương chia sẻ.
“Với kinh nghiệm nhiều năm trong tìm kiếm thi thể các nạn nhân ở dưới nước, tôi có thể phán đoán rằng, tới lúc này, thi thể bị cát vùi khoảng 1m nhưng sẽ nổi lên”, thượng tá Cương chia sẻ.
Thượng tá Cương phân tích: “Nếu những người nhảy sông tự tử, khi nhảy xuống lượng hơi thở trong người rất nhiều, chính vì vậy nổi rất nhanh. Còn những người chết, bị ném xuống thì rất lâu nổi. Bởi khi ném xác chết xuống sông, thi thể nạn nhân chẳng khác cục đá để trong tủ lạnh. Trường hợp cụ thể là nạn nhân Huyền có thể nổi lên mặt nước vào ngày thứ 9”.
Theo thượng tá Cương, đến lúc này, Phòng CS đường thủy, Công an TP Hà Nội đã huy động tất cả lực lượng có thể để tìm kiếm thi thể nạn nhân; còn tuyên truyền, kết hợp với những người dân sống bằng nghề chài lưới sống trên sông phát hiện được thì kịp thời báo cơ quan chức năng.
Cùng ngày, đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng CSHS - CATP Hà Nội, cho biết: "Phòng CSHS đã cử 15 cán bộ, chiến sỹ phối hợp với lực lượng Cảnh sát đường thủy, gia đình nạn nhân và lực lượng tại các địa phương tiếp tục công tác tìm kiếm xác nạn nhân trên diện rộng".
Theo đại tá Giáp, căn cứ lời khai của Nguyễn Mạnh Tường, chủ thẩm mỹ viện Cát Tường, lực lượng tìm kiếm đã rà soát dọc theo dòng chảy của sông Hồng, đoạn từ đỉnh cầu Thanh Trì (địa phận phường Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội) dọc theo lưu vực sông Hồng chảy qua các tỉnh, thành Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương và Hưng Yên. Cơ quan điều tra nhận định, nhiều khả năng, xác nạn nhân bị mắc kẹt dưới đáy sông nên cho đến hôm nay vẫn chưa tìm thấy. Do đó, có thể trong thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ huy động cả thợ lặn để tìm kiếm.
Đại tá Dương Văn Giáp phân tích: "Đoạn sông Hồng nơi đối tượng ném xác chị Huyền xuống có độ cao hơn 20m cách mặt cầu. Khu vực này có nhiều tàu hút cát nên đáy sông khá sâu tạo ra nhiều “hàm ếch” và vũng xoáy gây khó khăn trong công tác tìm kiếm thi thể nạn nhân".
Như trước đó đã đưa tin, thượng tá Nguyễn Văn Cương, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (PC68), Công an Hà Nội cho biết: “Ngay sau khi chúng tôi nhận được thông tin từ cơ quan điều tra đã nhanh chóng huy động người và phương tiện tham gia tìm kiếm nạn nhân”.
Theo thượng tá Cương, đến lúc này, lực lượng chức năng huy động một xuồng tham gia tìm kiếm liên tục trên mặt nước từ hạ lưu sông Hồng, từ khu vực cầu Vĩnh Tuy trở xuống; đồng thời thông báo cho các chủ phương tiện và những người sống bằng nghề chài lưới trên sông kịp thời phát hiện và thông báo.
Ngoài ra, lực lượng công an cũng cắt cử một chỉ huy phòng trực tiếp chỉ huy công tác tìm kiếm; đồng thời cử một đội tuần tra kiểm soát thường trực tìm kiếm.
Bên cạnh đó, việc tìm kiếm thi thể nạn nhân phải căn cứ vào mực nước sông. Trường hợp thi thể nạn nhân bị ném vào luồng chảy thì có thể bị trôi xa. Công an Hà Nội đã liên lạc với lực lượng của tỉnh bạn để tìm kiếm. Nếu bị cuộn vào đâu đó thì sẽ có phương án xác định nơi có vòng xoáy, vật cản để triển khai tìm kiếm.
“Quan trọng nhất trong quá trình tìm kiếm nạn nhân là thi thể phải nổi, chính vì vậy, chúng tôi đang triển khai những phương án khẩn thiết nhất”, thượng tá Cương chia sẻ.
Theo
Tiến Dũng
(Kiến thức)