Là nạn nhân trong vụ sập công trình ở KCN Giang Điền, đang nằm điều trị tại BV Đa khoa huyện Tràng Bom, sáng 15/5, anh Trần Văn Vũ (SN 1969, quê Gia Lai) vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại vụ việc với PV Người Đưa Tin Pháp Luật.
Với vết thương còn đau nhức trên đầu và chân, anh Vũ cho biết thời điểm xảy ra vụ sập vào khoảng 15h khi anh đang cùng tổ công nhân của mình trát bức tường thì bỗng nhiên có tiếng kêu thất thanh “nhảy, nhảy, nhảy” ngay sau đó bức từng đổ sập vùi anh trong đóng đổ nát.
“Tôi cùng tổ công nhân đảm nhận công việc trát tường, khi làm được khoảng 6m thì bổng nhiên bức từng lung lay, sau đó là tiếng kêu lớn của anh em đang phụ hồ phía dưới "nhảy nhảy nhảy đi anh Vũ ơi…" Sau đó tôi bị vùi lấp dưới đống đổ nát với toàn thân đau nhức, đầu choáng váng. May mắn lắm tôi mới sống sốt”, anh Vũ kể lại.
Anh Vũ cho biết, thời điểm xảy ra vụ việc anh cùng 3 công nhân khác đang ở độ cao tầm 10 mét, đứng trên 5 giàn giáo xếp chồng lên nhau. Trong tổ làm phần kép gồm có 10 người, trong đó 3 người chết, nạn nhân nhỏ nhất sinh năm 2001 là anh Dương Huỳnh Minh N., quê ở Tiền Giang, còn lại đều bị thương.
Kể về quá trình làm việc tại công trình, anh Vũ cho biết mới vào làm việc được hơn một ngày thì gặp chuyện. “Sau thời gian dịch bệnh, tôi khăn gói xuống Đồng Nai làm việc và ở nhà của một đứa cháu. Dự định đến đây làm vài tháng kiếm tiền trả nợ, trang trải cuộc sống thì gặp nạn. Giờ nghĩ lại tôi thấy mình may mắn lắm mới sống sót được”, anh Vũ nói.
Nằm điều trị tại phòng 249 Khoa ngoại BV Đa khoa huyện Trảng Bom, chị Lê Thị Tuyết Linh (SN 1979, quê Vĩnh Long) cũng là nạn nhân trong vụ sập buồn bã kể về phút giây may mắn thoát chết cùng chồng.
Chị Linh kể, chị theo chồng là anh Phạm Thanh Phú (SN 1977) từ quê Vĩnh Long ra Đồng Nai làm việc tại công trình được hơn 2 tuần. Trước đó, anh Phú đã làm việc thời gian dài tại đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên anh về quê và sau đó hai vợ chồng chị lên lại công trình làm việc thì gặp tai nạn.
Chị Linh nhớ lại: “Lúc xảy ra vụ việc, tôi đang ngồi nghỉ ngơi uống nước, khi vừa nâng ly nước lên uống thì tôi nghe tiếng rầm, bức tường ào sập xuống đè nữa người tôi. Ngay lập tức, tôi cố gắng trườn người ra khỏi đống đổ nát và kêu la: cứu chồng em với, mọi người ơi cứu chồng em với, sau đó tôi bất tỉnh”.
"Lúc vào bệnh viện, tôi mới tỉnh lại sau đó hỏi các bác sĩ thì mới được biết chồng mình vẫn còn sống", chị Linh đau đớn kể.
Không giấu được 2 dòng nước mắt, chị Linh buồn bã nói thêm: “Vào bệnh viện, quên bẵng đi vết thương còn trên mặt, tôi hoảng hốt hỏi các y tá bác sĩ thì được biết anh Phú vẫn còn sống, nhưng anh ấy bị thương rất nặng. Thực tình thì vợ chồng tôi may mắn lắm mới sống sót được. Giờ đây, trong người thì không có tiền, không biết vợ chồng tôi phải làm sao nữa”.
Nằm ở phòng bên cạnh với vết thương đầy trên người, anh Phú cố gắng gượng mình kể: "Khi tôi đang trát phần mặt ngoài của bức tường thì phía dưới có người nói vọng lên sập sập sập rồi… chưa kịp phản ứng thì tôi ngã trên giàn giáo xuống, nằm bất động".
“Sau khi ở quê lên lại công trình làm việc thì tôi được giao trát bề mặt bên ngoài của bức tường, như mọi ngày tôi vẫn thực hiện công việc đó. Đến gần 15h cùng ngày, ở độ cao 5 giàn giáo khi tôi đang làm thì bức tường đột nhiên đổ sập, trời đất trở nên tối đen và tôi không còn biết gì nữa. Tôi mắn mắn sống sốt bởi thời điểm bức tường sập vào phía bên trong nên tôi chỉ bị giàn giáo đè. Còn lại anh em tô mặt bên trong bị thương rất nặng và nhiều người đã chết. Giờ nghĩ lại tôi thấy đúng là rất may mắn", anh Phú nói.
Anh Phú cho biết thêm, đoạn tường nơi anh làm việc là một phần của nhà xưởng công ty, để kịp hoàn thành vào tháng 9 năm nay nên anh em phải đẩy nhanh tiến độ. Công trình được bắt đầu từ đầu tết, đến khi sắp hoàn thành phần tường xung quanh để tiến đến thực hiện phàn mái thì xảy ra sự việc trên.
Có mặt tại bệnh viện, chị Phạm Thị Thảo Nhi (19 tuổi) con gái đầu của vợ chồng anh Phú vẫn chưa hết lo âu khi kể về thời điểm biết tin cha mẹ bị tai nạn.
“Lúc biết tin cha mẹ bị tai nạn, em tức tốc từ Bình Dương chạy vượt quảng đường gần 60km chạy về. Trên đường đi, em vừa lo vừa cầu nguyện cho cha mẹ được bình an. Đến nơi, em đã òa khóc thì nhìn thấy cha mẹ vẫn còn sống”, chị Nhi kể.
Chi Nhi chia sẻ thêm, sau khi cha mẹ hồi phục sẽ thống nhất là không cho cha mẹ làm việc ở công trình này nữa mà về quê sinh sống. “Cha mẹ em đã một lần thoát chết thì không có lý do gì để tiếp tục làm việc ở đây, bởi rủi ro có thể ập đến bất cứ nào như vụ việc vừa qua”, chị Linh chia sẻ.
Video: Hiện trường vụ sập công trình trong KCN Giang Điền.