Một ngày sau vụ hỗn chiến kinh hoàng trên sông Yên, không khí tang tóc bao trùm làng biển nghèo Nam Châu, xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Căn nhà nhỏ nằm sát chân đê của gia đình nạn nhân Tô Văn Dũng nghi ngút khói hương. Tiếng gào khóc gọi tên chồng, tên cha của những người phụ nữ khản giọng nghe ai oán não nề. Ngoài việc lo hậu sự cho ông Dũng, người nhà còn phải chạy vạy tiền bạc, chuẩn bị áo quần đến bệnh viện chăm cho hai con trai ông đang nằm cấp cứu.
Nỗi đau bất ngờ khiến bà Nguyễn Thị Len (vợ ông Dũng) không thể gượng dậy. Trong buổi trưa bà đã mất chồng, tính mạng hai con giờ ngàn cân treo sợi tóc. Làng xóm cho hay, bà Len gần như bất tỉnh khi hay tin chồng con lâm nạn trên sông. Khi đoàn cứu hộ tìm được xác ông Dũng đưa vào đất liền, bà Len cứ ngồi ôm khư khư linh cữu ông Dũng vẻ mặt thất thần, ngờ nghệch như ngây dại, thi thoảng lại khóc nấc thảm thiết.
Ông Dũng và bà Len sinh 3 con trai, 2 gái. Cuộc sống khó khăn nhưng ông bà cũng lo dựng vợ gả chồng đầy đủ cho các con. Ông Dũng và các con trai bám biển mưu sinh bằng nghề cào ngao. Vài năm nay thấy vùng bãi triều ven sông Yên bỏ không, ông bà vay vốn quây lưới nuôi ngao kiếm kế sinh nhai. Đồng ngao chưa cho thu hoạch thì ông bỏ mạng. Hai con trai Tô Văn Giàu và Tô Văn Mạnh trọng thương.
Ông Lê Văn Đình, Trưởng thôn Nam Châu kể khoảng 10h ngày 7/7, phát hiện một số bè mảng của ngư dân xã Quảng Nham đang khai thác ngao lấn sang phần đất của làng, nhóm ngư dân thôn Nam Châu hò nhau chạy ra xua đuổi. Khi chiếc thuyền chở cha con ông Dũng và một số ngư dân khác vừa ra đến giữa sông thì bất ngờ từ phía bờ bên kia, hàng chục chiếc bè ào ào lao ra bao vây tứ phía.
Thấy yếu thế, nhóm người làng Nam Châu quay đầu bỏ chạy nhưng không thoát. Nhóm người xã Quảng Nham rồ ga tông thẳng khiến một chiếc bè bị lật úp. 5 người bị hất văng xuống sông. "Hỗn chiến xảy ra, máu chảy loang trên mặt nước, ông Dũng và 2 người chìm nghỉm và tử vong, số còn lại bị bắt đưa lên thuyền để tiếp tục hứng đòn”, ông Đình kể.
Theo lời ông, sau khi đánh người làng Nam Châu, nhóm ngư dân xã Quảng Nham quăng các nạn nhân xuống thuyền thúng của những người canh ngao tuyên bố “chở xác về chôn đi” rồi nổ máy bỏ chạy.
Khoảng nửa tiếng sau, người dân Nam Châu kiểm người thấy một số chưa trở về sau trận hỗn chiến liền đánh bè sang Quảng Nham tìm kiếm nhưng lại tiếp tục bị nhóm đối phương bắt giữ hành hung. Khi lực lượng công an có mặt can thiệp, họ mới được hộ tống đưa về quê an toàn.
“Cả đời tôi chưa bao giờ thấy cuộc đánh nhau nào kinh khủng như vậy”, vị trưởng thôn hơn 60 tuổi nói.
Trao đổi với PV, ông Mai Minh Phụng, Chủ tịch UBND xã Hải Châu cho biết, trận "thủy chiến" bắt nguồn từ việc tranh chấp bãi triều nuôi và khai thác ngao trên sông Yên giữa các hộ dân thuộc 2 xã. Còn người dân cho hay vài ngày trước khi xảy ra án mạng, một nhóm người đã lẻn vào khu vực nuôi ngao của người dân Nam Châu đốt phá một chòi canh. Do tranh chấp bãi triều khai thác và nuôi ngao nên xô xát xảy ra thường xuyên.
Đại tá Nguyễn Văn Bính, Phó giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, đây là vụ án phức tạp, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Cơ quan điều tra đang thẩm vấn một số nghi can, sớm hoàn tất hồ sơ để khởi tố vụ án. Ước tính khoảng 100 người và hơn 30 chiếc bè cùng thuyền máy loại lớn, luồng gắn máy đã được hai bên huy động tham gia cuộc thủy chiến này.
Theo Lê Hoàng (Vnexpress)