Nạn sang chiết gas lậu và “lỗ hổng” an toàn cháy nổ

Nạn sang chiết gas lậu và “lỗ hổng” an toàn cháy nổ

Thứ 5, 27/12/2012 23:59

Một loạt vụ cháy nổ liên quan đến gas trong thời gian gần đây khiến nhiều người giật mình về chuyện phòng chống cháy nổ. Nếu làm một cuộc khảo sát trên địa bàn Hà Nội thì sẽ rất đơn giản để kết luận hầu hết các cửa hàng đều không đáp ứng được các quy định về đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy...

Thực địa đâu cũng thấy vi phạm

Chúng tôi có mặt tại cửa hàng Ba Nhất, tại 237 Nguyễn Trãi, Hà Nội vào lúc 9h30’ ngày 14/12, khi các nhân viên đang tất bật vận chuyển các bình gas từ ô tô giao hàng xuống. Với diện tích khoảng 12m2 nhưng ở đây được trưng bày khá nhiều bình gas. Theo quan sát của PV, bên trong gian hàng, có một cầu thang nhỏ dẫn lên gác xép. Còn dưới tầng 1 chỉ có một lối đi duy nhất phía trước mà không có lối thoát hiểm nào phía sau. Khi được hỏi về cửa thoát hiểm nếu xảy ra sự cố, chủ cửa hàng này trả lời mập mờ: "Vừa rồi có rất nhiều đợt kiểm tra liên quan đến công tác phòng chống cháy nổ nên thời gian tới cửa hàng cũng định mở một cửa đi phía sau".

Khác với cửa hàng chật chội ở số 237 Nguyễn Trãi, Siêu thị gas và bếp gas Đại Dương (157 Nguyễn Trãi) có một mặt tiền rộng rãi hơn. Anh Ba, một nhân viên bán hàng ở đây cho biết, diện tích cửa hàng gas khoảng 45 m2. Đối các cửa hàng ở trong ngõ sâu thì chúng tôi không biết chứ kinh doanh ngoài mặt đường lớn này thì tất nhiên phải tuân thủ mọi quy định. Chúng tôi đã kinh doanh hơn 10 năm nhưng chưa khi nào để xảy ra vấn đề gì về cháy nổ.

Theo anh Ba thì cửa hàng có một cửa thoát hiểm có thể đi được ra ngõ sau. Nhưng qua quan sát của PV thì ngay phía trong của cửa hàng có đặt hai chiếc giường ngủ. Anh Ba giải thích, đây là nơi ăn ở của nhân viên cửa hàng. Khi nghe ông chủ cửa hàng này nói về việc nhân viên ngủ ngay tại cửa hàng, chúng tôi lại liên tưởng đến vụ cháy cửa hàng gas tại thôn Văn Trì, Từ Liêm, Hà Nội. Cũng chính vì ngủ ngay tại cửa hàng nên hai người đã tử vong.

Về chuyện quy định các cửa hàng phải có kho chứa hàng tách bạch khỏi nơi bán hàng, phải có tường, cửa chịu lửa (trong 30 phút)..., anh Ba khẳng định: "Cả Hà Nội này cũng không có nơi nào đáp ứng được. Đa phần các cửa hàng do người ta xây, gặp khách nào thì cho thuê khách đấy chứ cũng không ai chủ định chỉ cho thuê để kinh doanh gas".

Theo thông tin từ Sở Cảnh sát PCCC Công an TP. Hà Nội, qua kiểm tra đột xuất một số cửa hàng gas ngày 13/12, lực lượng chức năng đã phát hiện khá nhiều cửa hàng mắc sai phạm. Một trường hợp phải kể đến là vi phạm của cửa hàng gas ở số 107 phố Trần Hữu Tước nằm ngay trong khu dân cư phường Nam Đồng, quận Đống Đa. Cửa thoát hiểm có nhưng lại bị bịt kín, toàn bộ các bình gas mini không có nhãn mác và nguồn gốc xuất xứ. Số lượng bình gas được tàng trữ cũng là quá nhiều so với một cửa hàng với diện tích hẹp. Cơ quan công an đã thu giữ 178 bình gas loại 12 kg, 14 bình loại 39 kg và khoảng 300 bình gas mini. Ngoài ra, chủ cửa hàng còn chưa từng học qua lớp huấn luyện về nghiệp vụ kinh doanh gas.

Theo quy định, một cửa hàng kinh doanh gas muốn hoạt động phải được Sở Công Thương cấp phép. Ở cửa hàng số 107 Trần Hữu Tước, giấy phép đăng ký kinh doanh đầy đủ, tuy nhiên lại không đáp ứng các điều kiện cần thiết liên quan đến an toàn phòng chống cháy nổ. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng đã có sự buông lỏng trong khâu quản lý? Theo cơ quan chức năng, ước tính chỉ có khoảng 50% số cửa hàng trên địa bàn Hà Nội đảm bảo điều kiện kinh doanh gas.

Xã hội - Nạn sang chiết gas lậu và “lỗ hổng” an toàn cháy nổ

Một cửa hàng gas được PV tiếp cận

Bùng nổ sang chiết lậu, các công ty gas lo lắng

Theo chủ một tổng đại lý gas ở Hà Nội cho biết thì nguyên nhân mất an toàn trong phòng chống cháy nổ cũng một phần do tình trạng sang chiết gas trái phép. Hiện tượng này xảy ra nhiều ở các cửa hàng phân phối nhỏ lẻ.

Do một số thương hiệu gas hiện nay có giá cao hơn mặt bằng chung khoảng 30% như Shell Gas đã dẫn đến việc nhiều cửa hàng sang chiết gas loại thường vào vỏ bình Shell Gas để nâng cao lợi nhuận. Một hình thức khác, nhiều cơ sở, chủ cửa hàng ăn bớt khối lượng, chiết một phần gas từ các bình đầy sang các bình trống và bình gas mini. Thậm chí tận dụng lượng gas dư thừa trong các bình đã sử dụng để sang chiết vào bình trống.

Theo ông Đỗ Tuấn, trưởng phòng An toàn - Chất lượng, Công ty cổ phần kinh doanh khí hóa lỏng miền Bắc, thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thì yêu cầu đối với việc sang chiết gas rất chặt chẽ từ phương tiện thực hiện, đội ngũ nhân công, mặt bằng đến quy trình thực hiện. Tuy nhiên, việc sang chiết gas lậu thường làm thủ công, người thực hiện là các nhân công không có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, sang chiết theo dạng... truyền miệng. Đây là nguy cơ dẫn đến các sự cố về rò rỉ khí gas, gây mất an toàn cho người sử dụng.

Lo lắng về tình trạng sang chiết gas trái phép, ông Hoàng Anh, giám đốc Chi nhánh gas Petrolimex cho biết: Lượng gas Petrolimex bị sang nạp trái phép hiện nay chiếm giữ khoảng 25-30% số bán ra thị trường. Ông Tề Trí Dũng, phòng kinh doanh của Saigon Petro tỏ ra bức xúc: Công ty đang có khoảng 1, 1 triệu bình gas trên thị trường nhưng số bình của Saigon Petro bị mất chiếm đến 10%. Số bình bị mất này sẽ trở thành “phương tiện hợp pháp” cho những kẻ kinh doanh gas lậu. Việc phân biệt gas giả, gas thật ngay cả đối với các nhân viên của các công ty gas hay cán bộ quản lý thị trường hiện nay cũng không phải là việc đơn giản.

Trao đổi với PV báo Nguoiduatin.vn, đại tá Tô Xuân Thiều, phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết: "Theo quy định, các cửa hàng gas ở Thủ đô đều phải đăng ký giấy phép kinh doanh, nhưng do nhu cầu sử dụng tăng cao nên nhiều cơ sở kinh doanh gas trái phép mọc lên, rất khó quản lý. Hơn ai hết là phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng chống cháy nổ nhưng các chủ cửa hàng lại rất coi thường việc này.

Ví dụ như vụ cháy tại cửa hàng gas ở Minh Khai, Từ Liêm, nguyên nhân tìm hiểu ban đầu là do một nhân viên đã bật bếp gas nấu mỳ tôm. Theo quy định thì không phép đun nấu tại khu vực bán hàng. Hiện nay, các cửa hàng gas lại hầu hết nằm trong khu vực dân cư, tập trung đông người nên sẽ rất nguy hiểm nếu như công tác phòng cháy, chữa cháy bị buông lỏng".

Cũng theo đại tá Thiều, về mặt nguyên tắc, rút giấy phép thì cơ quan phòng cháy chữa cháy không có quyền. Nhưng đối với các trường hợp vi phạm, chúng tôi sẽ không cấp giấy an toàn về phòng cháy chữa cháy. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ có văn bản đề nghị Sở Công thương Hà Nội rút giấy phép kinh doanh của các trường hợp vi phạm. Ngoài ra, Sở Cảnh sát PCCC còn liên tục tuyên truyền, cảnh báo người dân phải tăng cường, tự ý thức trong công tác PCCC và tham mưu cho UBND TP, chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã, các sở, ngành liên quan tăng cường kiểm tra công tác PCCC trên địa bàn TP, đặc biệt tại các cơ sở tập trung đông người, hạn chế thấp nhất các vụ cháy nổ.

Vi phạm nhiều, sự tuân thủ qui định an toàn chỉ mang tính chất đối phó

Xã hội - Nạn sang chiết gas lậu và “lỗ hổng” an toàn cháy nổ (Hình 2).
Đại tá Đỗ Xuân Thiều

"Quy định theo tiêu chuẩn Nhà nước thì một cửa hàng muốn kinh doanh gas tối thiểu phải có diện tích 12m2, tường xây không gây nổ, chịu lửa, đảm bảo 2 lối thoát nạn, không được phép dùng lửa trần (không được đun nấu, dùng bếp than tổ ong) trong nhà, nơi kê bình gas phải bằng phẳng; không được đi dây điện ở ngoài tường, phải có át -tô-mát. Trong quá trình chúng tôi kiểm tra vừa rồi, các cửa hàng mắc lỗi rất nhiều. Lỗi phổ biến là làm nhà ở ngay tại khu vực bán hàng (tầng 1 cho thuê bán hàng, tầng 2 làm nhà ở); các thiết bị đảm bảo công tác phòng chống cháy nổ không có. Khi chúng tôi tiến hành kiểm tra, các cửa hàng tìm nhiều cách để đối phó như dọn dẹp chỗ ở, các thiết bị dễ gây cháy nhưng kiểm tra xong họ lại vi phạm đâu vào đấy. Còn quy định phải có kho chứa hàng tách biệt với nơi bán hàng thì gần như các cửa hàng đều không thực hiện".

(Đại tá Tô Xuân Thiều, phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội)

Minh Lý - Văn Chương


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.